Thổi giá tạo cơn sốt, giá đất nền tăng "chóng mặt"
BÀI LIÊN QUAN
Làng quê "dậy sóng" vì liên tục "sốt đất", trong 2 năm đã tăng lên gấp 4 lầnQuay cuồng sốt đất vùng cát, xuất hiện tràn lan "cò phố, cò quê"Nhà đầu tư "cắt lỗ" nhà phố thương mại, "trú ẩn" vào phân khúc bất động sản nào?Giá đất nền tăng cao nhất
Theo ghi nhận của CBRE, từ cuối năm ngoái đến đầu năm nay, giá đất tăng cũng như hiện tượng sốt đất xảy ra diện rộng hơn so với trước đây.
Điển hình là khu vực lân cận TP.HCM như Đồng Nai, Bình Dương đã xảy ra hiện tượng sốt đất. Sau đó, hiện tượng này đã lan rộng ra Tây Ninh, Bình Phước và lan cả sang khu vực miền Tây như Đức Hòa và Bến Lức của Long An.
Hiện nay, khu vực La Gi, Phan Thiết, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam của Bình Thuận đã xuất hiện những cơn sốt cục bộ.
Xa hơn là vùng Tây Nguyên như cao nguyên Bảo Lộc, Lâm Đồng và bây giờ là Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk cũng xảy ra tình trạng tương tự. Khu vực miền Bắc và miền Trung cũng đều xuất hiện tình trạng sốt đất.
Theo kết quả báo cáo của Vietnam Report, nguyên nhân xảy ra sốt đất là do hiện tại các thông tin về quy hoạch và hạ tầng vẫn mang nặng tính đồn đoán, cùng với việc thổi giá bất động sản bằng các chiêu thức thiếu lành mạnh vẫn chưa có chế tài xử phạt.
Tuy vậy, sốt đất không chỉ do các nguyên nhân nói trên mà nó còn có thể là kết quả của những chính sách vĩ mô, quy hoạch tổng thể chính thức từ chính quyền.
Trong năm 2021, giá thành nguyên vật liệu xây dựng, đặc biệt là xi măng và thép tăng mạnh cũng là nguyên nhân khiến cho giá nhà tăng lên khoảng 10-15% so với năm 2020. Hơn nữa, có thêm rào cản từ yếu tố pháp lý, sự mất cân đối giữa cung - cầu, cùng kết quả của một số cuộc đấu giá đã khiến mặt bằng giá liên tục bị đẩy lên cao hơn.
Tuy thế, nhiều chuyên gia bất động sản cũng quan ngại nếu lạm phát vượt mức mục tiêu, lãi suất cho vay tăng lên sẽ có thể gây ra tác động ngược, làm cho thị trường bất động sản có thể rơi vào tình trạng trầm lắng nhưng mức giá sẽ không giảm mạnh như giai đoạn năm 2011-2013, do có sự điều tiết nhịp nhàng, ổn định hơn của Chính phủ, doanh nghiệp bất động sản cũng như người mua nhà sẽ chịu nhiều khó khăn và rủi ro hơn khi tỷ trọng vốn vay cho đầu tư bất động sản là không nhỏ.
Theo Vietnam Report đánh giá, thị trường bất động sản Việt Nam trong năm 2022 có gam màu tươi sáng, tích cực hơn so với năm 2021 và sẽ dần quay đầu trở lại quỹ đạo trước dịch (năm 2019).
Nhiều chuyên gia và doanh nghiệp có nhận định rằng, xu hướng tăng trưởng ở hầu hết các phân khúc, trong đó có phân khúc bất động sản công nghiệp, đất nền, nhà ở nhiều khả tăng trưởng mạnh nhất. Bên cạnh đó sẽ có sự phục hồi của nhóm bất động sản nghỉ dưỡng và thương mại.
Theo Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam - ông Nguyễn Văn Đính cho biết, thị trường đất nền vẫn đang có dư địa phát triển rất lớn, đặc biệt là tại những khu vực và địa phương có sự phát triển mạnh của hạ tầng và tốc độ phát triển của đô thị hóa. Ông Đính cho rằng đến hết quý II, nhu cầu mua đất nền làm tài sản vẫn được nhà đầu tư ưa chuộng và vẫn tiếp tục là phân khúc được ưu tiên lựa chọn.
Về mức biến động giá trung bình trong năm 2022 cho thấy, phân khúc có khả năng tăng giá cao nhất là đất nền; trong đó, phân khúc đất nền, đất nông nghiệp, nhà ở và chung cư giá rẻ có khả năng tăng giá trong khoảng từ 11-20%. Các phân khúc bất động sản ven đô, bất động sản công nghiệp, nhà ở và chung cư trung cấp cùng văn phòng cho thuê có thể tăng trung bình từ 5-10% so với năm 2021.
Lực đẩy giúp tăng trưởng
Sự tăng trưởng của ngành bất động sản trong thời gian tới chủ yếu là bởi các công ty tái cấu trúc lại hoạt động của họ và phục hồi sau tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, kèm theo là sự hỗ trợ các gói kích thích kinh tế của Chính phủ, lãi suất vẫn ở mức thấp, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, dòng vốn đầu tư từ nước ngoài vẫn tiếp tục chảy mạnh vào Việt Nam, dòng kiều hối vẫn tiếp tục vận hành về một cách ổn định (trừ nguồn từ Nga và Ukraine) và có nhiều nút thắt chính sách đã được gỡ bỏ.
Theo Vietnam Report, trong ngắn hạn, gói kích thích kinh tế của Chính phủ dù được rót vào khu vực nào cũng đều mang lại hiệu quả tích cực đến thị trường bất động sản, nhờ vào việc cải thiện sức mua của người dân nói chung, thậm chí là bật tăng trở lại sau thời gian dài bị kìm nén, cũng như cải thiện kỳ vọng thu nhập trong tương lai của họ, làm cho thị trường bất động sản bán lẻ, khu công nghiệp cũng được hưởng lợi đáng kể.
"Gói hỗ trợ kinh tế 350.000 tỷ đồng sắp được triển khai trong đó có gần 114.000 tỷ đồng dành cho lĩnh vực kết cấu hạ tầng sẽ có tác động trực tiếp tới thị trường bất động sản không chỉ trong ngắn hạn mà còn là động lực tăng trưởng chính của thị trường trong các năm tới", Vietnam Report dự báo.
Động lực tăng trưởng cho ngành bất động sản nói chung, không chỉ đối với riêng giai đoạn hậu Covid mà còn chịu tác động bởi xu hướng đô thị hóa cùng với sự gia tăng của tầng lớp trung lưu cả về số lượng lẫn giá trị tài sản, lượng xe hơi cá nhân đang tăng nhanh cũng có ảnh hưởng đến nhu cầu về một số phân khúc căn hộ cao cấp, đất nền và bất động sản nghỉ dưỡng.
Theo số liệu báo cáo dự báo thị trường bất động sản của Knight Frank, trong 5 năm tới, mức tăng trưởng số người siêu giàu ở Việt Nam là 26%, ngang với Đài Loan và Hồng Kông. Đây là cơ sở để nhiều chủ đầu tư tiếp tục theo đuổi phân khúc cao cấp và hạng sang trong thời gian tới.
Bên cạnh những lực đẩy hỗ trợ thì cũng có không ít doanh nghiệp lo ngại ngành bất động sản đang gặp nhiều chướng ngại, thách thức khi việc kiểm soát dịch bệnh của các nước trên thế giới và Việt Nam cũng như tốc độ phục hồi kinh tế vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh áp lực lạm phát tăng cao, số ca mắc Covid-19 vẫn không ngừng gia tăng cùng với những bất ổn chung về địa chính trị và nguồn cung trên thị trường chưa có nhiều cải thiện do những vướng mắc về mặt pháp lý chưa được tháo gỡ một cách triệt để.