Giá rao bán đất thổ cư tại các huyện ven Hà Nội và TP.HCM tiếp tục tăng cao
BÀI LIÊN QUAN
Bất động sản ven đô trở thành "điểm nóng"Quay cuồng sốt đất vùng cát, xuất hiện tràn lan "cò phố, cò quê"Nhà đầu tư chuyển địa điểm "săn" đất nềnSáng ngày 6/4, trang Batdongsan.com.vn đã công bố Báo cáo thị trường bất động sản quý I năm 2022.
Theo kết quả báo cáo, trong quý I, lượt tìm kiếm bất động sản giảm 4% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng lại tăng khoảng 2% so với quý I năm 2019, khi mà thời điểm dịch bệnh chưa diễn ra.
Đáng chú ý là trong các loại hình bất động sản được tìm kiếm thì đất nền là loại hình được tìm kiếm nhiều nhất, kể cả so với thời điểm trước khi dịch bệnh xảy ra. Đây cũng là loại hình bất động sản "nóng" nhất trong hơn hai năm dịch bệnh và phục hồi nhanh nhất sau mỗi đợt dịch bệnh bùng phát. Theo đó, lượt tìm kiếm đất nền trong quý I năm 2022 tăng 4% so với cùng kỳ năm 2019.
Mặc dù thế, mức độ quan tâm đất nền tại một số địa phương miền Bắc, miền Nam có phần giảm nhiệt hơn so với đầu năm 2021. Trong khi đó, đất nền miền Trung lại ghi nhận được mức độ quan tâm tăng 14% với những địa bàn "nóng" là Khánh Hòa, Đắk Lắk, Bình Thuận... Tuy nhiên, mặc dù nhiều địa phương miền Bắc sụt giảm về mức độ tìm kiếm nhưng giá rao bán đất nền vẫn tăng khá cao.
Riêng tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM, trong khi nhu cầu tìm kiếm bất động sản tại Hà Nội khá ổn định thì tại TP.HCM, nhu cầu đầu tư lại có phần giảm nhiệt do giá bán đang ở vùng nóng và nguồn cung khan hiếm.
Tuy vậy, mặt bằng giá rao bán đất thổ cư tại cả hai thị trường đều có xu hướng tăng, đặc biệt là ở những khu vực vùng ven như Chương Mỹ, Quốc Oai (Hà Nội) hay là Bình Chánh, Củ Chi (TP.HCM)...
Cụ thể, tại khu vực Hà Nội, các huyện Gia Lâm, Đông Anh giá đất nền tăng 20-21%, huyện Thạch Thất tăng 11%, huyện Quốc Oai tăng 26%, cá biệt hơn cả là huyện Chương Mỹ tăng 74%. Tại TP.HCM, giá đất nền huyện Củ Chi tăng 25% và huyện Bình Chánh tăng 10%.
Theo kết quả báo cáo, có nhiều nguyên nhân khiến thị trường bất động sản quý I vừa qua kém sôi động hơn so với cùng thời điểm năm 2021.
Cụ thể là dòng vốn đầu tư được đẩy mạnh điều chỉnh vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh nhiều hơn. Việc Ngân hàng Nhà nước theo dõi sát sao và siết chặt tín dụng vào bất động sản có tính đầu cơ và các dự án lớn. Chính phủ tăng cường công tác quản lý thị trường bất động sản qua việc công khai, minh bạch các thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giá đất trên địa bàn. Nhiều tỉnh thành cũng ra văn bản dừng các hoạt động phân lô bán nền. Ngoài ra, thay đổi nhận thức của nhà đầu tư cũng khiến thị trường bất động sản kém sôi động.
Theo báo cáo, hiện tại giá bất động sản đã bị đẩy lên quá cao ở nhiều địa phương. Hơn nữa, trải qua nhiều cơn sốt đất, nhiều nhà đầu tư đã thận trọng hơn trong việc ra quyết định đầu tư đã khiến cho thị trường hạ nhiệt so với cùng kỳ năm 2021.