meeyland app
Meey Land
Cổng thông tin bất động sản xác thực 4.0
Tải ứng dụng

Người lao động băn khoăn trước đề xuất doanh nghiệp xây nhà ở xã hội cho thuê

Thứ sáu, 06/05/2022-07:05
Hiệp hội BĐS TP.HCM cho rằng, việc xây nhà ở xã hội theo dạng cho thuê sẽ giúp người lao động được sống trong các căn phòng khang trang, tiện nghi hơn. Tuy nhiên, không ít lao động tỏ ra băn khoăn, lo lắng về giá cho thuê.

Đề xuất cho doanh nghiệp xây dựng nhà trọ

Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) vừa gây chú ý khi có đề xuất lên Bộ Xây dựng xem xét sửa đổi Luật Nhà ở 2014. Theo đó, HoREA đề xuất cho phép các doanh nghiệp được xây dựng nhà ở xã hội theo hướng cho thuê dạng phòng trọ, nhà trọ.

HoREA giải thích, sở dĩ có đề xuất như vậy vì hiện nay nguồn cung nhà trọ, phòng trọ tại các đô thị lớn vô cùng quan trọng đối với người thu nhập thấp. Đây đều là những đối tượng chưa đủ tiền để mua nhà.


Nhiều người lao động không dám mơ đến việc sở hữu một căn nhà ở xã hội. Ảnh minh họa.
Nhiều người lao động không dám mơ đến việc sở hữu một căn nhà ở xã hội. Ảnh minh họa.

Bên cạnh đó, Luật Nhà ở 2014 và Nghị định 100 không cho phép doanh nghiệp được xây loại hình nhà ở xã hội riêng lẻ, trong đó có các phòng trọ, nhà trọ mà chỉ hộ gia đình, cá nhân mới được xây dựng. Điều này dẫn đến các khu nhà trọ không đủ, xuống cấp, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Đặc biệt, nhân cơ hội khan hiếm nhà trọ, nhiều người còn tăng giá, chèn ép người thuê nhà.

“HoREA đề xuất cần phải sửa đổi luật để doanh nghiệp được đầu tư loại dự án nhà trọ, phòng trọ đáp ứng nhu cầu của người lao động. Bên cạnh đó, đến nay, Bộ Xây dựng cũng chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể thiết kế, điều kiện xây dựng nhà ở xã hội riêng lẻ dẫn đến các địa phương lúng túng trong thực hiện”, đại diện HoREA nói.

Vị này cũng nói thêm, nếu để doanh nghiệp làm chủ đầu tư các dự án nhà ở xã hội dạng phòng trọ, nhà trọ cho thuê sẽ xóa đi cảnh các khu ô chuột nhếch nhác, những căn nhà trọ dột nát gây mất mỹ quán đô thị.

Thực ra, đề xuất của HoREA cũng không phải là không có lý. Bởi thực tế tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, hoặc một số tỉnh thành có nhiều khu công nghiệp lớn hiện nay, tình trạng khan hiếm nhà trọ diễn ra vào nhiều thời điểm, nhất là lúc sinh viên tựu tường. Bên canh đó, nhiều người lao động cũng thường “kêu trời” vì bị chủ nhà trọ ép giá, tăng giá và bị tăng giá điện, nước vô tội vạ.

Một khảo sát của Liên đoàn Lao động TP.HCM mới đây cho thấy, tại TP.HCM, có khoảng gần 1,3 triệu công nhân, người lao động có nhu cầu nhà ở. Trong khi đó, chỉ có 3% số này, tương đương với khoảng 40.000 công nhân được sống tại các khu ký túc xá. Số còn lại hầu hết là đi thuê nhà trọ.

Ông Nguyễn Đình Khang, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam từng chia sẻ, nhà ở là vấn đề bức xúc của công nhân. Thực tế cho thấy, ở không ít tỉnh, công nhân phải sống trong các nhà trọ chật chội, ẩm thấp. Thậm chí, tại nhiều địa phương, một thôn có số dân 1.000 nhưng có đến 10.000 công nhân làm việc tại các khu công nghiệp gần đó đến thuê trọ.

Người lao động “ngại” giá thuê cao

Trao đổi với Phóng viên, chị Nguyễn Thị Dự, quê Thanh Hóa, công nhân công ty may tại Khu công nghiệp Thạch Thất – Quốc Oai (Hà Nội) cho biết, 3 năm nay, vợ chồng chị và 2 người con đang thuê nhà trọ tại thôn Đình Tổ (thị trấn Quốc Oai). Căn nhà gồm 3 tầng, chia thành 4 phòng trọ cho thuê. Tầng 1 là nơi để xe máy cũng là không gian chung của những người thuê trọ. Trong khi đó tầng 2 và 3 được chia thành 4 phòng trọ, mỗi phòng chỉ khoảng 30m2, nhà vệ sinh dùng chung.


Ưu tiên của công nhân, người lao động là các căn nhà trọ giá rẻ.
Ưu tiên của công nhân, người lao động là các căn nhà trọ giá rẻ.

“Mặc dù chỉ 30m2 nhưng chúng tôi phải đặt bếp trong nhà để nấu nướng. Nhà có 1 nhà vệ sinh, chúng tôi phải ngăn đôi phòng ra thành 1 phòng ngủ và 1 phòng cho các con học. Mỗi phòng trọ có giá 1,2 triệu đồng/tháng, chưa kể điện nước. Căn nhà này được xây nhiều năm rồi nên bờ tường bong tróc, ẩm mốc khắp nơi. Chúng tôi cứ dán giấy vào tường được một thời gian thì tự bung”, chị Dự nói.

Khi Phóng viên đặt câu hỏi về đề xuất doanh nghiệp xây nhà ở xã hội cho công nhân thuê trọ, chị Dự chia sẻ: “Với vợ chồng tôi cũng như nhiều công nhân khác, việc mua cho mình một căn nhà riêng là điều rất xa vời. Lương thấp, giá các mặt hàng sinh hoạt ngày càng tăng lại thêm con cái học hành, chúng tôi xác định phải sống tiết kiệm và chưa nghĩ tới việc mua nhà. Việc doanh nghiệp xây nhà trọ mới, khang trang chắc chắn sẽ giúp chúng tôi cải thiện cuộc sống. Tuy nhiên, chúng tôi lo lắng giá nhà cho thuê sẽ cao mà người lao động không kham nổi”.

Chị Dự nói rằng, việc doanh nghiệp xây dựng nhà trọ chắc chắn sẽ bỏ ra số tiền rất lớn và cũng muốn thu hồi nhanh hơn. Bên cạnh đó, họ còn phải chi tiền ra cho đội ngũ vận hành. Tất cả số tiền này sẽ được tính vào giá thuê nhà.

Anh Trần Văn Tuyến (quê Nam Định, công nhân doanh nghiệp bánh kẹo tại KCN Quang Minh, Hà Nội) cho rằng, việc ở trọ trong những căn chung cư mini sạch sẽ, hiện đại là ước mơ của nhiều người lao động. “Nếu giá thuê quá cao, chúng tôi sẽ không dám vào những phòng trọ, chung cư mini như thế”, anh Tuyến nói.

Anh này nói rằng, đất đắc dĩ công nhân mới phải ở trong những căn nhà trọ cấp 4 ọp ẹp, cứ hễ mưa là ngập. Tuy nhiên, lương công nhân ba cọc ba đồng, nếu không ở trong những căn nhà dột nát như vậy thì không sống nổi ở chốn thành thị, cứ hễ động vào đâu cũng mất tiền. Thế nên, nếu Nhà nước cho doanh nghiệp xây dựng chung cư mini, nhà ở xã hội cho thuê họ rất mừng. Tuy nhiên, giá thuê ở mức nào để người lao động chịu đựng được cũng là một vấn đề lớn.

Về vấn đề này, trao đổi với phóng viên, Chuyên gia Kinh tế Nguyễn Nam Thắng cho rằng, lo lắng của người dân là đều hết sức bình thường và có cơ sở. Bởi khi xây dựng, chủ đầu tư là các doanh nghiệp phải có quỹ đất sau đó là đến hạng mục xây dựng. Nếu cho thuê với giá quá thấp thì không biết đến khi nào chủ đầu tư mới thu hồi được vốn và có lãi. Ngược lại, nếu thuê với giá cao, chắc chắn người lao động sẽ không vào ở.

“Đối với người lao động, giá rẻ là ưu tiên hàng đầu đối với họ. Bởi chỉ có ở nhà thuê giá rẻ họ mới đủ tiền trang trải cuộc sống và để dư một tiền phòng thân. Chính vì vậy, để đề xuất của HoREA thành hiện thực thì Nhà nước phải có cơ chế chính sách ưu tiên rất lớn cho các doanh nghiệp tham gia vào các dự án này về vốn cũng như quỹ đất. Như vậy các doanh nghiệp mới dám vào thực hiện”, chuyên gia Nam Thắng nói.

Vị này cũng cho rằng, việc để doanh nghiệp vận hành các chung cư mini, nhà ở xã hội cho thuê sẽ giúp cho cuộc sống người lao động tốt hơn, quy củ hơn và an toàn hơn. Bên cạnh đó, tránh được tình trạng tăng giá nhà, điện, nước theo kiểu “ngẫu hứng” mà người lao động phải chịu đựng nhiều năm qua. Chuyên gia Nam Thắng nhấn mạnh: “Tôi xin nhắc lại, điều quan trọng nhất vẫn là làm sao giá thuê phải rẻ hoặc bằng các căn phòng trọ bên ngoài thì mới hút được người lao động đến ở”.

Mã Tiến An
Theo: Reatimes.vn
Copy link
Chia sẻ:

Cùng chủ đề

Kết thúc đấu giá đất Hoài Đức: 2 lô đắt nhất 15 tỷ đồng/lô, gấp 14 lần khởi điểm

Người dân TP.HCM vẫn thấp thỏm chờ kết quả khi nộp hồ sơ đất đai trước giờ G

Nhiều quy định phòng cháy chữa cháy mới có thể “làm khó” loại hình nhà ở kết hợp kinh doanh

Giá bất động sản tăng vọt do thiếu cạnh tranh?

Nên tách nhà ở xã hội khỏi dự án thương mại

Một số địa phương không có dự án NOXH nào được khởi công từ năm 2021 đến nay

Không nên chỉ cho thuê NOXH do công đoàn đầu tư

Bộ Tài nguyên và Môi trường yêu cầu Hà Nội khẩn trương xây dựng bảng giá đất mới

Tin mới cập nhật

"Nhập cuộc" đường đua NOXH, Nam Định sắp có dự án hơn 900 tỷ đồng với 1.100 căn hộ

12 giờ trước

Thấy gì từ gần 26.000 sản phẩm tồn kho của doanh nghiệp bất động sản?

12 giờ trước

Thí điểm mở rộng đất xây dựng nhà ở thương mại: Tránh tạo cơ chế xin cho

12 giờ trước

Kết thúc đấu giá đất Hoài Đức: 2 lô đắt nhất 15 tỷ đồng/lô, gấp 14 lần khởi điểm

12 giờ trước

Công nghệ đang định hình tương lai cho người mua nhà lần đầu như thế nào?

1 ngày trước