Giúp doanh nghiệp giải bài toán "ngại" đầu tư nhà ở xã hội
Cung cầu lệch pha
Với tỉ lệ hơn 50% dân số tại đô thị, người có thu nhập thấp có nhu cầu sở hữu những căn hộ vừa túi tiền và được trả góp. Nhu cầu được mua nhà ở xã hội với diện tích nhỏ, giá khoảng 1 tỷ đồng (dưới 25 triệu đồng/m2) chiếm gần 80% nhu cầu nhà ở (theo khảo sát của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam). So với tỉ lệ 20% nhu cầu dành do phân khúc trung, cao cấp thì rõ ràng, nhu cầu về nhà ở xã hội là rất lớn.
Là công nhân tại khu công nghiệp Bắc Ninh, với thu nhập 7 triệu đồng/ tháng, chị Nguyễn Thu Phương bày tỏ: “Đã có nhiều khu nhà ở xã hội được xây dựng, đáp ứng nhu cầu của công nhân, bạn bè tôi đã có người mua được nhà. Tôi mong Nhà nước cho xây dựng nhiều khu nhà ở xã hội hơn nữa để những người lao động xa quê như chúng tôi có nơi “an cư lạc nghiệp".
Trên thực tế, phát triển nhà ở xã hội không chỉ giải quyết nhu cầu về nhà ở cho người thu nhập thấp, nhà ở cho công nhân, mà còn là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước. Từ nhiều năm nay, chủ trương này các bộ, ngành chức năng, chính quyền các địa phương phối hợp triển khai thực hiện.
Theo công bố của Bộ Xây dựng, tính đến thời điểm hiện tại, cả nước đã hoàn thành 275 dự án nhà ở xã hội với khoảng 147.000 căn hộ (tương đương 7,35 triệu m2 sàn). Đây là một con số đáng ghi nhận nhưng vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng của người dân.
Phó Cục trưởng Cục quản lý Nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) Hà Quang Hưng nhận định: "Tuy thu nhập của người dân ngày được nâng cao và chúng ta có tốc độ đô thị hóa nhanh, nhưng vẫn còn một lượng không nhỏ những người nghèo, người có thu nhập thấp. Trong khi đó, phân khúc nhà ở thương mại cao cấp, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng lại được các nhà đầu tư bất động sản quan tâm hơn. Việc xây dựng nhà ở xã hội chưa được quan tâm đúng mức gây nên sự thiếu hụt lớn về ngồn cung, tạo sự mất cân đối trong thị trường".
“Nếu việc đầu tư xây dựng nhà ở xã hội không được quan tâm đúng mức sẽ gây ảnh hưởng đến chính sách an sinh xã hội mà Chính phủ đã đặt ra", ông Hưng cho biết.
Bàn về nhân của tình trạng này, ThS. Nguyễn Trần Minh Triết (Viện Kinh tế và Chính trị thế giới, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) lý giải: Các dự án phát triển nhà ở xã hội, nhất là nhà ở bán trả góp và cho thuê không được nhiều ngân hàng và các chủ đầu tư chưa thực sự mặn mà. Nguyên nhân do tỷ suất lợi nhuận đầu tư vào dự án nhà ở xã hội thường thấp hơn các bất động sản khác (tỷ suất lợi nhuận khoảng 10-15% - PV). Các doanh nghiệp nhìn thấy lợi nhuận không cao nên còn e dè. Chưa kể quy trình, thủ tục còn nhiều vướng mắc. Bên cạnh đó là chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước để giảm giá thành và thủ tục mua nhà của người dân. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng còn khó khăn trong việc xử lý tranh chấp do đứt gãy quá trình thanh toán. Đó là còn chưa để đến sự thiếu đồng bộ trong cơ chế, pháp lý làm cho thời gian thực hiện dự án kéo dài, làm tăng chi phí vốn.
Tháo gỡ nút thắt
Về phía doanh nghiệp, ông Phạm Tiến Dũng, Chủ tịch HĐQT Dự án Nhà ở xã hội Cát Tường, Bắc Ninh bày tỏ: “Để thu hút đầu tư cho nhà ở xã hội, chúng tôi mong muốn có được những quỹ đất sạch và hạ tầng xung quanh phải được quy hoạch đồng bộ để cư dân sống trong các dự án được đảm bảo hưởng đầy đủ các công trình phúc lợi xã hội như các dự án đô thị khác”.
Thấu hiểu tình trạng này, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết: “Trong năm 2022, Bộ Xây dựng sẽ rà soát triển khai 278 dự án với khoảng 274.000 căn hộ trong đó có khoảng 100 dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân với khoảng 134.000 căn hộ. Cùng với đó là tiếp tục tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển mạnh hơn nữa nhà ở xã hội cho công nhân trong thời gian tới".
Nhiều giải pháp cụ thể đã được đưa ra tại chương trình “Gỡ nút thắt phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân” diễn ra gần đây. Theo đó, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục làm việc với chính quyền địa phương để đôn đốc hướng dẫn triển khai 2 gói hỗ trợ của Nghị quyết số 11 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình. Giải pháp hỗ trợ tín dụng đối với nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và cải tạo xây dựng lại chung cư được đề cập cụ thể trong Nghị quyết này. Đó là gói hỗ trợ 15.000 tỷ đồng thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội cho các cá nhân vay mua, thuê mua và cải tạo nhà ở với lãi suất ưu đãi 4,8%/năm. Đối với chủ đầu tư xây nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư có gói hỗ trợ lãi suất 2%, thực hiện qua hệ thống ngân hàng thương mại với quy mô khoảng 40.000 tỷ đồng cấp bù lãi suất.
Ngoài ra, theo quy định tại Nghị định 49 và thông tư 09 năm 2021 của Bộ Xây dựng về dự án nhà ở xã hội, địa phương phải nghiêm túc dành quỹ đất trong các dự án nhà ở xã hội với tỉ lệ 20% quỹ đất trong các dự án nhà ở thương mại.
Bên cạnh đó, chính sách về nhà ở xã hội, nhà ở cho thuê đang dần hoàn thiện song song với những chính sách phát triển nhà ở nói chung nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững của thị trường bất động sản, góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội.
Bộ Xây dựng cũng đã có công văn gửi các địa phương đề nghị tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh nhà ở xã hội nhằm tránh tình trạng lợi dụng chính sách ưu đãi của Nhà nước, đảm bảo xét duyệt đúng đối tượng được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội. Đồng thời xác định các trường hợp không sử dụng hoặc sử dụng không đúng mục đích của các đối tượng đã được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội.