Người dân tại các điểm "nóng" đấu giá: Khó tiếp cận đất đai ở chính nơi chôn rau cắt rốn
BÀI LIÊN QUAN
Vì sao Thanh Oai bất ngờ dừng đấu giá đất?Hậu các phiên đấu giá, đất xung quanh khu vực bắt đầu rục rịch tăngYêu cầu nhà đầu tư chứng minh năng lực tài chính, hạn chế thời gian giao dịch để “dẹp loạn” đấu giá đấtTrong thời gian qua, 2 cuộc đấu giá tại các huyện Thanh Oai, Hoài Đức (Hà Nội) đã làm nóng dư luận khu mức giá trúng cao hơn trung bình khoảng 10 lần so với giá khởi điểm, thậm chí cao gấp 2- 4 lần giá rao bán bình quân cùng khu vực. Tại những cuộc đấu giá này, cũng có nhiều người dân địa phương tham gia, nhưng số lượng thành công rất nhỏ.
1m2 đất có giá trị bằng 1,5 lượng vàng
Theo đó, tại phiên đấu giá 68 lô đất tại xã Thanh Cao (huyện Thanh Oai), tất cả các lô đất đều được bán với giá cao, trong đó cao nhất lên tới hơn 100 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, dù thu hút hàng nghìn người tham dự, nhưng chỉ có 2 người trúng đấu giá là ở huyện Thanh Oai, còn 66 lô đất còn lại đều thuộc về người của các địa phương khác.
Theo bà Hương (ngụ tại xã Thanh Cao, huyện Thanh Oai) – một người tham gia đấu giá, người dân trong làng chỉ đấu đến khoảng 60 -70 triệu đồng/m2 chứ không thể theo nổi các nhà đầu tư khác. Với mức giá lên đến hơn 100 triệu đồng/m2 rất khó mua, tính ra giá trị mỗi m2 đất bằng 1,5 lượng vàng.
Tương tự, chị Thủy (Thanh Oai) chia sẻ, nhiều gia đình tại địa phương có công ty riêng nên nhu cầu sử dụng đất khá lớn. Nhiều nhà đăng ký đấu giá 3 – 4 lô cùng 1 lúc, nhưng chỉ có 2 người “may mắn” đấu giá thành công 2 lô diện tích 80m2/lô.
Không chỉ tại Thanh Oai, trong số hàng trăm người tham dự phiên đấu giá xuyên đêm tại huyện Hoài Đức, cũng có không ít người dân địa phương. Tuy nhiên, nhiều người cho biết, cao nhất họ đấu đến vòng thứ 6 là “bỏ cuộc” bởi mức giá đã lên quá cao, không thể theo kịp.
Người dân tại các địa phương này cho rằng, đất ở khu vực đều có vị trí đẹp, nằm cạnh đường lớn, có lợi thế về hạ tầng nhưng với mức giá lên đến hàng trăm triệu m2 đã vượt dự tính và khó có thể mua được. Đặc biệt, sau các phiên đấu giá này, đất nền khu vực lân cận cũng tăng theo, tạo nên một mặt bằng giá mới.
Như trường hợp ông Nguyễn Thanh Bình (60 tuổi, xã Đông La, huyện Hoài Đức) cho biết, trước đây, giá đất khu vực trong xã chỉ khoảng 50 – 60 triệu đồng/m2, nhưng sau 2 cuộc đấu giá vừa qua đã lên đến 100 triệu đồng/m2. Với mức giá này thì người dân trong làng muốn mua nhà cho con cái ở gần cũng không có điều kiện.
Mất cơ hội sở hữu đất ở của người dân địa phương
Ông Nguyễn Văn Đỉnh, chuyên gia pháp lý bất động sản nhận định, hiện tượng phổ biến thời gian gần đây là khi Nhà nước tổ chức đấu giá đất nền thì người tham gia đấu giá, người trúng đấu giá chủ yếu từ các tỉnh lân cận. Điều này đã đi lệch mục tiêu ban đầu là giải quyết nhu cầu ở của người dân địa phương.
Các cuộc đấu giá đất lại vô tình trở thành công cụ thỏa mãn nhu cầu đầu tư, thậm chí là đầu cơ, găm giữ đất của các “cá mập”. Chưa kể, nhiều trường hợp người trúng đấu giá là các “đầu nậu”, “cò đất” đã sử dụng các chiêu kích giá, là nguồn gốc của các đợt sốt đất.
Cũng theo ông Đỉnh, ở góc độ nào đó, nhu cầu đầu tư của người dân là chính đáng nhưng khi hiện tượng này ở mức độ cao sẽ làm méo mó thị trường, gây hoang hóa đất đai, làm lãng phí nguồn lực đất đai.
Thực tế, cũng có nhiều địa phương đã từng “sốt nóng” một thời nhưng đến nay đều không có nhà ở, bỏ hoang để cỏ dại mọc. Đơn cử như phiên đấu giá 32 thửa đất tại xã Ngọc Mỹ (huyện Quốc Oai) cách đây 3 năm cũng đã từng gây xôn xao dư luận khi có người trả tới gần 100 triệu đồng/m2.
Khu đất này nằm cách trung tâm Hà Nội 30km, giá khởi điểm ở mức 25 – 47 triệu đồng/m2 tùy theo từng vị trí nhưng giá trúng lên đến 63 – 67 triệu đồng. Cá biệt, có khách hàng ở Hà Đông (Hà Nội ) trả đến 13,3 tỷ đồng cho lô đất 134m2, gấp đôi giá khởi điểm, đồng thời trúng thêm 2 lô khác có giá 9 tỉ đồng và 5 tỉ đồng. Một khách hàng khác có địa chỉ ở huyện Đông Hưng - Thái Bình trúng đấu giá 4 lô với tổng số tiền lên đến 17,7 tỷ đồng.
Tại huyện Thanh Oai, khu đất đấu giá Rặng Sắn, xã Cao Dương nằm sát khu dân cư đông đúc nhưng 104 thửa đất đã đấu giá từ năm 2021 chưa hề có hộ dân nào xây nhà để ở. Khu vực này được đầu tư hạ tầng đồng bộ, vỉa hè lát gạch, đường đổ bê tông, nhưng đang trở thành nơi đổ hàng trăm, hàng nghìn m3 bùn đất thải.
Trước tình trạng này, luật sư Trần Đại Nghĩa - chuyên gia pháp lý dự án bất động sản, Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn và Đầu tư FII Việt Nam cho rằng, cần kiểm soát ngay từ vòng hồ sơ, đấu giá tại khu vực nào thì chỉ người tại địa phương đó được tham gia. Bởi lẽ, việc cung cấp lượng đất “sạch” của địa phương nhằm giải quyết chỗ ở cho người dân, nên chỉ dành cho người có thường trú tại nơi đó tham gia, tránh trường hợp những người ở nơi khác đến làm “loạn giá”, mất cơ hội của những người có nhu cầu thực.