Vì sao Thanh Oai bất ngờ dừng đấu giá đất?
BÀI LIÊN QUAN
Thấy gì từ việc nợ vay của doanh nghiệp bất động sản liên tục “phình to”?Tín dụng bất động sản tăng trưởng mạnh thời gian qua chủ yếu do đảo nợCần sớm đánh thuế bất động sản để “ghìm cương” giá nhàHoãn đấu giá chờ kết quả kiểm tra
Theo kế hoạch, trong tháng 9 này, huyện Thanh Oai (Hà Nội) sẽ tổ chức 2 phiên đấu giá với 114 thửa đất tại khu vực Đầm, thôn Mục Xá, xã Cao Dương. Trong đó, phiên đầu tiên sẽ diễn ra vào ngày 8/9 với 57 lô, diện tích các lô đất dao động từ 74 – 135m2 có giá khởi điểm 8,8 triệu đồng/m2.
Tuy nhiên, UBND huyện Thanh Oai đã đề nghị các công ty đấu giá tạm dừng tổ chức các cuộc đấu giá này và thông báo khách hàng nhận lại tiền mua hồ sơ (nếu có). Cơ quan này cho biết, sẽ thông báo tổ chức lại cuộc đấu giá sau khi rà soát pháp lý, điều kiện, đảm bảo theo đúng quy định pháp luật.
Phiên đấu giá dự kiến ngày 8/9 này, đáng ra sẽ được tổ chức trong tháng 8 nhưng đã dừng để xác định lại mức giá khởi điểm. Ngay sau đó, Công ty đấu giá hợp danh Việt Nam đã thông báo tổ chức lại phiên đấu giá này với mức giá khởi điểm tăng từ gần 8 triệu đồng/m2 lên 8,8 triệu đồng/m2.
Cách đây ít ngày, dù mức giá trúng tại các phiên đấu giá đang gây nhiều nghi vấn nhưng đại diện Trung tâm Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Thanh Oai cho biết, phiên đấu giá vẫn diễn ra bình thường.
Đáng chú ý, diễn biến này diễn ra trong thời gian chờ đoàn kiểm tra của Bộ Tài nguyên và Môi trường xác minh các vấn đề liên quan. Bên cạnh đó, UBND TP Hà Nội cũng có văn bản về việc kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm pháp luật liên quan đến kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất cao bất thường trên địa bàn Hà Nội.
Theo lộ trình, ngày 10/9 tới đây, sẽ là ngày các lô đất trúng đấu giá lần trước tại huyện Thanh Oai phải nộp đủ tiền theo quy định. Trước đó, huyện Hoài Đức cũng đã thông báo hoãn 2 phiên đấu giá hơn 50 thửa đất tại xã Tiền Yên.
Trong khi huyện Thanh Oai và Hoài Đức phải dừng các cuộc đấu giá thì ngày 12 - 13/9 tới đây, huyện Mỹ Đức cho biết sẽ tổ chức đấu giá 43 thửa đất tại thôn Thượng Tiết (xã Đại Hưng). Các thửa đất có diện tích từ 92 - 183 m2/thửa với mức giá khởi điểm chỉ hơn 4,2 triệu đồng/m2. Huyện Mê Linh cũng tiến hành tổ chức đấu giá 32 thửa đất ở tại thôn Bạch Đa (xã Kim Hoa) với diện tích 73,5 - 187,5 m2/thửa, giá khởi điểm từ 21,7 - 32,8 triệu đồng/m2.
Sau đấu giá có thêm “đất đột biến”
Thời gian gần đây một số quận, huyện ở ngoại thành Hà Nội đã tổ chức nhiều cuộc đấu giá đất, nằm trong kế hoạch dự kiến tạo nguồn thu ngân sách 32.000 tỷ đồng từ đấu giá đất năm 2024 của thành phố Hà Nội.
Những cuộc đấu giá này đã mang lại sự sôi động cho thị trường bất động sản và cơ hội đầu tư với người dân. Một số địa phương đã tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất đạt kết quả, góp phần bổ sung nguồn thu cho ngân sách địa phương. Tuy nhiên, điều đáng bàn chính là hiện tượng đất làng nhưng có mức giá cao chạm ngưỡng đất trung tâm thành phố lại là sự bất thường.
Theo chuyên gia pháp lý bất động sản Dương Minh Thông - Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn và Dịch vụ bất động sản Dương Minh, không khó để nhận ra “diễn viên” chính của 2 cuộc đấu giá vừa qua là nhà đầu cơ. Bởi thực chất, các phiên đấu giá không có nhiều thay đổi ngoài mức giá đấu thành công, về cơ bản là “bổn cũ soạn lại”.
Cũng theo ông Thông, chiêu bài của các hội nhóm đầu cơ chuyên nghiệp đó là chia nhau tham gia trả giá. Giả sử, họ tham gia đấu giá 7 lô, sẵn sàng bỏ cọc 2 lô có vị trí không đẹp, đấu lấy 5 lô “hoa hậu” rồi sau đó đẩy giá lên cao, “lướt sóng” hưởng chênh lệch.
Cùng góc nhìn, đại diện một công ty bất động sản tầm trung tại Hà Nội đánh giá, nhìn vào các cuộc đấu giá, nhất là trường hợp Thanh Oai, có thể dễ dàng nhận ra thực tế câu chuyện “sốt ảo”, khi mức giá khởi điểm quá thấp, giới đầu cơ sẵn sàng vào cuộc bởi số tiền cọc có khi bằng hoặc thấp hơn nhiều số tiền nhà đầu cơ thu được sau khi bán chênh ở phiên đấu giá.
Nhiều người đang gọi đất đấu giá bằng tên gọi khác là “đất đột biến” bởi có phần giống với hiện tượng “lan đột biến” khi dân buôn thi nhau đẩy mức giá “lên trời” giúp nhiều người giàu nhanh bất thường, cũng khiến không ít người “khuynh gia bại sản” chỉ sau 1 đêm.
Giá đất trúng bị thổi giá, đầu cơ cao bất thường khiến những người có nhu cầu ở thật, đặc biệt là những người dân địa phương rất bức xúc bởi khả năng khó tiếp cận sở hữu một mảnh đất tại chỗ để an cư và lập nghiệp lâu dài.
Cùng với đó, đẩy mặt bằng giá của các lô đất khu vực hiện hữu xung quanh đã được giới đầu cơ găm giữ có cơ hội “thoát hàng”. Nếu các nhà đầu tư bỏ cọc còn tạo tác động ngược, khiến địa phương phải tổ chức đấu giá lại, tốn kém thời gian, công sức, nguồn lực, cũng như làm giảm khả năng thu ngân sách thành phố.