meeyland app
Meey Land
Cổng thông tin bất động sản xác thực 4.0
Tải ứng dụng

Nghề môi giới bất động sản có dễ làm giàu như “người ta nói”?

Thứ sáu, 10/06/2022-08:06
Môi giới bất động sản là nghề có sức hút cực lớn bởi có khi thu nhập cả trăm triệu một tháng, nhưng cũng có khi “đói” dài vì thị trường trầm lắng.

Môi giới bất động sản đang trở thành nghề trú chân mới của nhiều người.
Môi giới bất động sản đang trở thành nghề trú chân mới của nhiều người.

Nghề trú chân mới

Thời gian trở lại đây, nhiều yếu tố của nền kinh tế đang có biến động lớn, trong đó giá xăng dầu tăng cao kéo theo hàng loạt chi phí sống khác cũng “té nước theo mưa”, dân làm hành chính vì thế buộc phải chi nhiều hơn. 

Chị Thanh Hà (trú tại Cầu Giấy, Hà Nội) - một dân văn phòng chính hiệu chia sẻ: “Xăng lên giá. Bình thường tôi chỉ đổ tầm một trăm nghìn là đầy bình, nhưng nay phải đổ lên đến một trăm rưỡi. Vừa đi xe vừa xót ruột.

Buổi trưa hôm nào muốn ăn ngoài, chỉ cần tầm 25 đến 30 nghìn trong ví là được bát phở hay đĩa cơm rang ngon lành. Nay chủ quán xin thêm 5 nghìn một suất do cái gì cũng tăng. Mua hàng online thì các cuốc xe ôm công nghệ hầu như cũng đã tăng hơn so với thời điểm trước đây. Ra chợ mua hàng hóa thì những loại thiết yếu như dầu ăn, nước mắm, trứng, rau củ quả... đều tăng giá đến chóng mặt”.

Trong khi đó, lương hàng tháng của những người làm văn phòng không có dấu hiệu được nhích lên. Điều này buộc họ phải suy nghĩ đến những công việc phụ hoặc nghỉ hẳn để chuyển sang một công việc có mức lương cao hơn đủ trang trải cuộc sống.

Theo một báo cáo mới nhất của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, số người dự thi lấy chứng chỉ hành nghề toàn khu vực miền Nam trong năm tháng đầu năm tăng gấp 8 lần so với năm ngoái. Như vậy, môi giới bất động sản đang trở thành một nghề trú chân mới của rất nhiều người.

Một môi giới chân ướt chân ráo mới vào nghề chia sẻ: “Hiện tôi vẫn đang làm công việc hành chính cho một công ty về nội thất tại Hà Nội, lương cứng 10 triệu/tháng gọi là đủ chi phí nhà cửa, ăn uống. 

Nhưng bây giờ muốn có tiền tiết kiệm để phòng lúc nọ lúc kia hoặc để buôn bán sinh lời thì phải kiếm thêm. Tôi lựa chọn làm thêm nghề tay trái là môi giới bất động sản được khoảng hơn 2 tháng nay, cũng chưa được giao dịch nào nên chưa có hoa hồng, nhưng có lẽ cần kiên trì bởi dục tốc bất đạt”.

Cẩn trọng kẻo “vỡ mộng”


Môi giới bất động sản là nghề dễ gia nhập nhưng cũng rất dễ bỏ nghề. 
Môi giới bất động sản là nghề dễ gia nhập nhưng cũng rất dễ bỏ nghề. 

Cũng có nhiều người sau khi nghe tin người này, người kia giàu lên nhanh chóng vì buôn bất động sản thì “máu” kiếm tiền lại nổi lên, thậm chí không ít người bỏ luôn nghề chính - “cần câu cơm” của mình nhiều năm để đi làm môi giới. Thường, các nhân sự mới có đặc điểm là dịch chuyển từ ngành khác sang như: ngân hàng, bảo hiểm, kiến trúc, công nghệ thông tin...

Tuy nhiên, nghề môi giới người ngoài trông có vẻ rất dễ dàng nhưng sự thật bên trong lại vô cùng khắc nghiệt. Nhiều nhân sự môi giới “đầu hàng” chỉ sau chưa đầy một năm làm việc. 

Anh Hoàng Vũ từng là dân công nghệ thông tin ra “đầu quân” cho bất động sản nửa năm nay bộc bạch: “Từ khi chuyển qua làm môi giới bất động sản, tôi thường đi sớm, về khuya. Ngày nào cũng như ngày nào, ăn uống cơm nước đều qua loa cho xong vì có những khi khách gọi thì đang ăn cũng phải đi ngay. 

Tôi nhớ như in cảm giác mệt mỏi, uể oải khi đó, nó thường trực với tôi suốt nhiều tháng trời đằng đẵng, nhất là khi ốm đau bệnh tật mà trong người chỉ còn lại vài chục nghìn tiền lẻ. Chi phí gặp khách, xăng xe đi lại, tiền gọi điện thoại, mời khách café, ăn uống... tất cả mọi thứ hầu như đều do mình tự bỏ tiền túi ra, công ty hỗ trợ rất ít, thậm chí không hỗ trợ vì ban đầu vào tuyển dụng rất dễ dàng và mình cũng nghĩ rằng sẽ làm được.

Sau đó, không chịu được áp lực, tôi quyết định nghỉ việc, quay về nghề cũ. May mắn là tôi cũng chỉ mới nghỉ nửa năm, nếu nghỉ lâu rồi có khi lại quên nghề thì đúng là khóc hết nước mắt”.

Rõ ràng, khi thị trường nóng sốt thì không nói, nhưng khi thị trường trầm lắng, không có giao dịch cũng là lúc nhiều môi giới tự giã nghề. Vậy là nghề cũ đã bỏ, nghề mới cũng chỉ làm được một thời gian ngắn, lực lượng lao động này sẽ rơi vào tình trạng thất nghiệp, gây lãng phí nguồn lao động.

Một vị chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản chia sẻ, hiện nay, nghề môi giới bất động sản đang rất khát nhân sự khi sàn nào cũng tuyển số lượng cực lớn. Thế nhưng, điều dễ nhận thấy của việc tuyển dụng ồ ạt là không có yêu cầu cao về chất lượng nhân sự và hoạt động dựa trên cơ chế hoa hồng.

Theo quy định, nhân viên môi giới bất động sản buộc phải có chứng chỉ hành nghề và phải qua sát hạch. Dù đã có quy định và có chế tài nhưng thiếu kiểm soát và thiếu tính răn đe nên việc bất kỳ ai cũng có thể môi giới bất động sản đang trở nên phổ biến, chỉ cần có chút thông tin về bất động sản, gặp người có nhu cầu là trở thành nhân viên môi giới.

Việc gia nhập nghề có vẻ dễ dàng, tuy nhiên thiếu kiến thức, thiếu kỹ năng, thậm chí không có tư duy môi giới nên nhân sự trong nghề biến động liên tục, luôn có người mới vào nghề, và cũng có rất nhiều người phải bỏ nghề, luôn có nhân sự di chuyển từ đơn vị này qua đơn vị khác hoặc từ dự án này qua dự án khác.

Ông Nguyễn Minh Hoàng, chuyên gia tài chính bất động sản cũng từng đưa ra cảnh báo: Đừng nhìn vào vẻ bề ngoài bảnh bao của một số nhân viên môi giới bất động sản mà nghĩ rằng nghề này dễ “hốt” tiền. Mức lương cứng sàn trả cho môi giới trung bình chỉ từ 2 - 4 triệu đồng/tháng, một số ít đơn vị trả 7 - 10 triệu/tháng. Điều này đồng nghĩa với việc, nếu trong tháng không bán được hàng, thì môi giới khó lòng sống ổn. Nếu kéo dài đến vài tháng thì khả năng sống bằng tiền vay mượn là cao và sự chia tay với sàn là điều chắc chắn. 

Ngược lại, cũng phải nhìn nhận rằng, có áp lực, khó khăn, bấp bênh nhưng môi giới bất động sản sẽ không là một lựa chọn tồi đối với những người có kỹ năng, kiến thức, năng động và có mong muốn đạt thu nhập cao. Thực tế vẫn có những môi giới bất động sản thực sự thành công với nghề. Và để đạt được điều đó, các chuyên gia trong ngành môi giới bất động sản đều cho rằng, người môi giới sẽ phải nỗ lực rất nhiều. 

Bối cảnh hiện nay đã khác xa nên đòi hỏi môi giới có một tư duy mới, kiến thức mới và nhận thức mới để tiếp tục theo nghề. Đồng thời, 4 phẩm chất mà một môi giới cần có để thành công bền vững đó là đam mê, trung thực, giỏi nghề, và kiên trì. 

Thanh Tùng
Theo: Reatimes.vn
Copy link
Chia sẻ:

Cùng chủ đề

Thấy gì từ gần 26.000 sản phẩm tồn kho của doanh nghiệp bất động sản?

Thí điểm mở rộng đất xây dựng nhà ở thương mại: Tránh tạo cơ chế xin cho

Sân pickleball mọc lên ồ ạt, đầu tư không còn “hái ra tiền”

Thúc đẩy chuyển đổi dự án để tăng nguồn cung NOXH

Huyện Hoài Đức tiếp tục đấu giá đất tại khu Lòng Khúc: Kịch bản nào sẽ xảy ra?

Chuyên gia dự báo, thị trường bất động sản sẽ bật lên sau 3-4 năm nữa

Đề xuất đánh thuế bất động sản thứ hai: Lo ngại những "phản ứng ngược"!

Dự án NOXH đầu tiên tại Quảng Ninh có mức giá "dễ chịu", nhiều căn dưới 600 triệu đồng

Tin mới cập nhật

"Nhập cuộc" đường đua NOXH, Nam Định sắp có dự án hơn 900 tỷ đồng với 1.100 căn hộ

14 giờ trước

Thấy gì từ gần 26.000 sản phẩm tồn kho của doanh nghiệp bất động sản?

14 giờ trước

Thí điểm mở rộng đất xây dựng nhà ở thương mại: Tránh tạo cơ chế xin cho

14 giờ trước

Kết thúc đấu giá đất Hoài Đức: 2 lô đắt nhất 15 tỷ đồng/lô, gấp 14 lần khởi điểm

14 giờ trước

Công nghệ đang định hình tương lai cho người mua nhà lần đầu như thế nào?

1 ngày trước