Ngày càng nhiều lô đất bị bỏ cọc sau khi được đấu giá quá cao
Cụ thể, chủ của 4 lô đất khu X4 tại phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Hà Nội sau hơn 90 ngày đấu giá đã bỏ cọc. Cơ quan chức năng hiện đang hoàn thiện hồ sơ, thủ tục để ra quyết định hủy quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá. Các lô đất trên đều được đấu giá rất cao, tuy nhiên vẫn chưa phải những lô có giá trúng cao nhất trong tổng số 25 lô đất Khu X4 được đấu giá vào tháng 10/2021.
Được biết, tổng diện tích của 25 lô đất gần 1.457 m2. Mỗi lô có diện tích từ 38,1 - 84,8 m2 với giá khởi điểm từ 104,7 - 182,3 triệu đồng/m2. Sau khi kết thúc phiên đấu ghi nhận kết quả trúng đấu giá các lô đều cao gấp 2 đến 2,6 lần giá khởi điểm. Giá trúng thấp nhất là 162,7 triệu đồng/m2 lô E23 có diện tích 59,9 m2, nằm ở mặt ngách rộng 5m, mức giá khởi điểm là 104,7 triệu đồng/m2. Lô B12 diện tích 44,5 m2 có giá trúng cao nhất là 364,3 triệu đồng/m2, ở vị trí lô góc của phố Dương Khuê.
Trước đó, Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã bỏ cọc hơn 600 tỷ đồng sau khi trúng đấu giá với mức 2,4 tỷ đồng/m2 khu đất tại Thủ Thiêm. Việc này đã kéo theo làn sóng các chủ đầu tư khác theo đó đã bỏ cọc khu đất này. Như vậy, việc đấu giá quá cao sau đó bỏ cọc đã ghi nhận tại nhiều địa phương trên cả nước, kéo theo nhiều hệ lụy về sau.
Cách đây ít ngày, UBND huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa) cũng phải ra quyết định hủy kết quả trúng đấu giá 46 lô đất tại xã Xuân Sinh do người trúng thầu đã quá hạn mà chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính. 46 lô đất tại huyện Thọ Xuân được đấu giá vào tháng 4/2021, diện tích mỗi lô là 125m2 với giá khởi điểm 250 triệu đồng/lô. Vào thời điểm mở bán đã thu hút hơn 2.000 bộ hồ sơ tham gia, chủ yếu là dân địa phương.
Vào ngày đấu giá đã có sự tham gia của các nhà đầu tư ở nơi khác đến, đấu giá cao khoảng 1,1 tỷ đến 1,4 tỷ đồng/ lô. Việc này khiến người dân địa phương không trúng được lô đất nào. Tuy nhiên, kể từ thời điểm trúng đấu giá đến nay, những người trúng vẫn chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính nên địa phương phải công nhận là đã bỏ cọc theo quy định.
Một trường hợp khác, lãnh đạo huyện Quảng Xương cho biết vừa ký hàng loạt quyết định hủy kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất đối với 35 lô đất do các nhà đầu tư trúng đấu giá 35 lô đất trên địa bàn huyện không nộp đủ số tiền trúng đấu giá.
Tại Huyện Yên Dũng tỉnh Bắc Giang, 77 lô đất có tổng giá trị trúng đấu giá gần 147 tỷ đồng đều bị các khách hàng bỏ cọc. Trong số đó, 38/66 lô đất thuộc khu dân cư thôn Xuân Đông, xã Xuân Phú; 21/42 lô đất thuộc khu dân cư thôn Huyện, xã Tiến Dũng; 18/88 lô đất thuộc khu đất ở và kinh doanh dịch vụ xã Nội Hoàng bị bỏ cọc.
Bộ Xây dựng xác nhận, thời gian qua xảy ra tình trạng trúng đấu giá quyền sử dụng đất với mức giá cao gấp vài lần giá khởi điểm. Đây là mức giá được sử dụng làm khung tham chiếu, xác định giá đất đã tạo ra một mặt bằng giá mới (thậm chí cao hơn nhiều lần) đối với khu vực xung quanh địa điểm đấu giá.
Đáng chú ý là, khi các lô đất bị đẩy giá quá cao sau đó bỏ cọc đã tạo nên mặt bằng giá "ảo" để thao túng thị trường. Việc mua đi, bán lại nhiều lô đất trúng đấu giá khác nhằm thu lợi bất chính đang xảy ra phổ biến trên địa bàn nhiều tỉnh, thành, không chỉ riêng cá nhân thực hiện mà còn mang tính tổ chức.
Đánh giá thực trạng trên, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh nhận định, việc khách hàng trúng đấu giá đất cao hơn nhiều lần so với giá khởi điểm sẽ gây ảnh hưởng tâm lý của nhà đầu tư. Từ đó kéo theo giá các sản phẩm nhà ở, bất động sản khu vực lân cận địa điểm đấu giá cũng bị tăng theo.
Cùng với đó, khi mặt bằng tăng giá quá cao, các chủ đầu tư, các doanh nghiệp sẽ không xây dựng được phương án đầu tư, kinh doanh hiệu quả. Như vậy sẽ không thu hút được nguồn vốn xây dựng và làm suy giảm, hạn chế nguồn cung trên thị trường trong tương lai.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh cho biết Bộ Xây dựng đã báo cáo thủ tướng Chính phủ về tình hình thực tế, những hệ lụy, tiêu cực xảy ra trong hoạt động đấu giá bất động sản. Đồng thời kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính tăng cường rà soát, kiểm tra lại các hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất. Theo đó, cần xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật, có yếu tố trục lợi trong đấu giá sử dụng đất.
Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng đã kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các đơn vị, cơ quan liên quan thực hiện nghiên cứu, bổ sung các quy định để phân tích trường hợp, khu vực tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất đối với các trường hợp đấu thầu dự án có sử dụng đất, đi kèm những điều kiện cụ thể dành cho các doanh nghiệp, tổ chức tham gia đấu thầu dự án,...
Theo ông Đào Trung Chính - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ TN&MT), cần bổ sung quy định cho người được công nhận trúng đấu giá là phải nộp ngay số tiền đặt cọc. Như vậy có thể đảm bảo họ thực hiện hợp đồng theo kết quả trúng đấu giá và phải tính theo giá trị kết quả trúng đấu giá. Tiếp đó cần thêm chế tài xử phạt, các trường hợp bỏ cọc có thể bị cấm tham gia các cuộc đấu giá trong khoảng thời gian nhất định.