Ngăn chặn “bán lúa non”, phân lô, bán nền đất ven sông, biển bằng cách nào?
BÀI LIÊN QUAN
Phong cách đồng quê ven biển Mỹ bên trong căn hộ giữa lòng đô thị mới ở Hưng Yên Bất động sản ven biển ‘phất’ lên như diều gặp gióNáo loạn thị trường bất động sản ven biển, miền núiVay “nóng” để kịp mua dự án ven biển
Tin vào lời mời gọi mua đất phân lô tại các dự án ven biển, ven sông ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, Đà Nẵng… nhiều người dân tá hoả khi phát hiện bị lừa. Nhiều người vay mượn hàng tỷ đông mua đất phân lô của dự án “ma” giờ đứng ngồi không yên.
Ông Lê Tấn Đạt (48 tuổi ở Phú Yên) cho biết, không chỉ ông mà nhiều người khác đã đóng số tiền lớn một công ty chuyên kinh doanh bất động sản. Đến khi chính quyền địa phương ra cảnh báo khu vực này không có dự án khu đô thị thì mọi người mới kéo nhau đến trình báo cơ quan công an. Tuy nhiên lúc này ông chủ đã cao chạy xa bay còn trụ sở công ty chỉ là nơi thuê tạm, giờ đã trả mặt bằng.
“Chúng tôi nghe tiềm năng đất ven biển sẽ tăng trưởng mạnh trong thời gian tới nên ai cũng ham. Nhiều người còn vay tiền nóng với lãi suất cao để kịp ký hợp đồng mua bán. Giờ thì không biết bấu víu vào đâu”, ông Đạt ngậm ngùi.
Cơn sốt đất ven biển tại tại Lâm Đồng đầu năm 2022 chưa hạ nhiệt thì giờ đây nhiều người dân đứng trước nguy cơ gia sản đội nón ra đi do tin và đầu tư các dự án phân lô, bán nền ven biển ở Quảng Nam, Phú Yên, Đà Nẵng… Đặc điểm chung của những người này là muốn kiếm lời thật nhiều, thật nhanh qua các dự án bất động sản.
“Nhân viên môi giới bảo rằng đất nền nghỉ dưỡng, ven biển có mua xong để không thì sau một năm cũng tăng lời gấp 2 đến 3 lần. Họ nói rằng sau dịch Covid-19 thì đây là kênh đầu tư tốt nhất, dự án mới phải chốt nhanh chứ ít nữa khi các thông tin quy hoạch phát triển khu đô thị, khu nghỉ dưỡng thì giá đã tăng cao lắm rồi”, chị Lê Thị Lan (36 tuổi ở Phú Yên) mếu máo khi mất số tiền 2,6 tỷ đồng mua đất mà sau một năm vẫn là khu đất trống, cỏ mọc um tùm, xung quanh không có dân cư hay xây dựng hạ tầng.
Phân lô, bán nền tràn lan làm phá vỡ không gian biển
Hiện tượng “phân lô, bán nền” mặt tiền biển cũng nhận được sự quan tâm của trung ương và địa phương. Nhiều hội thảo được tổ chức để bàn giải pháp xây dựng đô thị ven biển, ven sông theo hướng mô hình sinh thái và phát triển bền vững.
TS Đặng Việt Dũng, Chủ tịch Tổng Hội xây dựng Việt Nam đánh giá sự phát triển của đô thị ven biển đúng hướng sẽ tạo ra động lực răng trưởng vô cùng lớn cho địa phương. Tuy nhiên, cần phải xác định không gian phát triển hợp lý, tránh chồng lấn và ảnh hưởng đến các ngành kinh tế khác cũng như bảo đảm cảnh quan và trong sạch của môi trường biển.
TS Đặng Việt Dũng cũng chỉ ra những bất cập trong quá trình phát triển đô thị ven biển ở một số địa phương mà nổi cộm lên là hiện tượng phân lô, bán nền. Đây là tư duy “bán lúa non”, kiếm lợi kiểu “hớt váng” làm phá vỡ không gian biển, không gian công cộng và quy hoạch đô thị.
Theo Chủ tịch Tổng Hội xây dựng Việt Nam, sự phát triển nhanh chóng của các loại hình bất động sản ven biển dẫn đến xuất hiện nhiều dự án “ma”, loại hình căn hộ du lịch lai ghép (kết hợp giữa căn hộ và phòng khách sạn nghỉ dưỡng) gây áp lực về hạ tầng và sau lệch quy hoạch khu du lịch ban đầu.
“Hệ luỵ của địa phương, của ngành du lịch là không khai thác được nguồn lợi từ văn hoá bản địa, thiếu kết nối về quy mô phát triển du lịch phân vùng. Từ đó, việc đảm bảo hiệu quả kinh tế, bảo vệ môi trường và bảo vệ kế sinh nhai của người dân địa phương bị ảnh hưởng”, TS Đặng Việt Dũng nói.
Gắn trách nhiệm cụ thể, xử lý nghiêm vi phạm
Đại diện các địa phương cho rằng, tỉnh Quảng Nam, Phú Yên, Đà Nẵng có những đô thị hiện hữu mang tính chất đặc thù, cơ hội khai thác quy đất ven sông, biển vô cùng rộng lớn. Tuy nhiên, tình hình sốt đất, giao dịch “nóng” trong thị trường bất động sản trong thời gian qua khá phức tạp. Nhiều cá nhân, công ty thu gom đất vườn, đất ở, đất nông nghiệp để vẽ dự án phân lô, tách thửa gây khó khăn trong quản lý quy hoạch, làm gia tăng chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng khi thực hiện các dự án đầu tư công.
Qua ghi nhận đơn thư khiếu kiện về đất đai của người dân cho thấy, còn nhiều dự án bất động sản chưa được cấp phép nhưng vẫn rao bán tràn lan. Bất chấp những khu vực không đủ hồ sơ pháp lý nhưng các giao dịch đất được mua bán lòng vòng cùng với nạn bạt đồi, lấp sông suối làm dự án để phân lô bán nền. Dù cơ quan chức năng liên tục ra văn bản cảnh báo thế nhưng việc mua bán đất, giao dịch trái pháp luật vẫn chưa thuyên giảm.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, việc siết chặt phân lô, tách thửa ven sông biển chỉ là biện pháp tình thế, ngắn hạn để kiểm soát tình hình. Về lâu dài, các địa phương cần làm tốt công tác quy hoạch, công khai kế hoạch sử dụng đất từng giai đoạn để người dân được biết.
Theo ông Phong, quá trình thanh kiểm tra và xử lý vi phạm phải thực hiện nghiêm minh và triệt để. Nếu lãnh đạo địa phương nào để xảy ra việc mua bán dự án “ma”, phân lô bán nền mặt sông biển trái quy định thì phải kỷ luật nặng từng cá nhân cụ thể.
“Loạn giá đất ven biển không chỉ ảnh hưởng đến phát triển đô thị mà còn gây khó khăn cho người dân có nhu cầu kinh doanh và ở thực sự. Đã đến lúc chúng ta cần siết chặt quản lý từ cấp xã phương đến cấp tỉnh, cao hơn nữa là trung ương. Những trường hợp cố tình vi phạm, cố ý mua gom đất để phân lô bán nền trái quy định nhằm chiếm dụng vốn của người mua thì có thể xử lý hành chính, sau đó xem xét mức độ vi phạm để chuyển sang cơ quan công an xử lý hình sự. Ngoài ra phải kiên quyết xử lý các trường hợp cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất không có trong quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất để hoạt động này đi vào khuôn khổ”, vị chuyên gia nói thêm.
Ông Nguyễn Minh Phong cũng chia sẻ, đất đai là nguồn tài nguyên quý, đặc biệt là những khu vực ven sông biển. Do vậy cũng cần tuyên truyền đến người dân biết cách dựa vào lợi thế thiên nhiên để làm ăn, tạo ra sản phẩm cụ thể, thúc đẩy phát triển kinh tế thay vì chỉ chăm chăm đi buôn đất, lướt sóng kiếm lời rồi ôm “trái đắng”.