Náo loạn thị trường bất động sản ven biển, miền núi
Gom đất để làm gì?
Theo NLĐ, tại huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi vừa qua ghi nhận làm sóng tăng giá đất mạnh, đến đâu cũng thấy người dân nói chuyện bán đất, hỏi mua đất, Ông P.V.M - Một người dân bản địa tại Lý Sơn cho biết: “Giá đất khu này đã tăng lên vài ba lần mà cứ hở ra miếng nào là có người mua miếng ấy”.
Cơn sốt đất này mới xuất hiện gần đây nhưng đã làm người dân trên đảo quay cuồng theo các giao dịch mua bán. Cứ nhà nào treo biển bán đất kèm số điện thoại thì mỗi ngày cũng phải nhận được chục cuộc gọi hỏi giá đất, vị trí, hẹn đến xem đất. Theo ông M, giờ nhà ai có lô đất mặt tiền đường cơ động quanh đảo thì có thể bán được giá hơn 4 tỷ đồng cho khoảng 100m2, giá này đã tăng gấp 3 lần so với năm 2021. Dù giá đắt nhưng có mảnh nào rao bán là sẽ có người mua ngay. “Mỗi ngày có hàng chục, thậm chí cả trăm người từ các tỉnh thành đến hỏi mua đất. Trong đó chủ yếu là người từ Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng và các tỉnh Tây Nguyên vào đây để mua. Đất đai trên đảo vốn đang yên ắng, giờ lại trở nên sôi sục như vậy” - ông M nói.
Không chỉ có sự bận rộn của các chủ nhà và người bán đất, Lý Sơn những ngày qua cũng xuất hiện hàng trăm “cò” và vẫn tăng theo cấp số nhân. Anh Thuyến - Một môi giới giới thiệu: “Thấy ai cung râm ran mua mua bán bán nên mình cũng quyết theo nghề môi giới này được 3 tháng nay rồi. Đây là lô đất đứa em tôi ở Quảng Ngãi mới mua đầu năm nay, giờ cần tiền mới bán để xử lý nợ ngân hàng. Chú mua đi, giá này là tốt lắm rồi…”. Anh Thuyết cũng chia sẻ, nếu bán được lô đất này thì anh sẽ lời được khoảng 30 triệu đồng.
Cũng tại Quảng Ngãi, một số vùng ven biển trước nay chưa từng được ai để ý, thị trường bất động sản thì im lìm như biển Châu Tân (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn) hay đất tại xã Tịnh Kỳ, Tịnh Khê (TP Quảng Ngãi),... hiện tại đã bị đẩy giá lên rất cao. Chẳng hạn, vùng biển Châu Tân trước đây khá hẻo lánh thì nay đất được chào bán với giá từ 30 - 40 triệu đồng/m2; Với đất ven biển Tịnh Kỳ, Tịnh Khê cũng nhảy vọt lên khoảng 20 - 30 triệu đồng/m2. Tình trạng hiện nay tại những khu vực này đều giống nhau, cứ có người rao bán là chỉ vài ngày sau thửa đất đó đã được sang tên đổi chủ.
Còn tại Bình Thuận, cơn “sốt” đất ven biển đã diễn ra trong một thời gian không ngắn. Chính quyền trước đó cũng liên tục khuyến cáo về tình trạng giá đất đang tăng chóng mặt. Theo ghi nhận, đất nông nghiệp thuộc xã ven biển như Tiến Thành (TP. Phan Thiết), Hòa Thắng, Hồng Thái (huyện Bắc Bình)... đang tiếp đón rất nhiều nhà đầu tư khắp nơi đổ về. Ông Nguyễn Văn Tư (trú tại xã Hồng Thái, huyện Bắc Bình) cho hay: “Giá đất nơi này này đợt trước còn chưa đến 100.000 đồng/ m2 mà nay lại tăng đến vài trăm ngàn đồng/m2. Có những khu đất nông nghiệp nằm sâu bên trong làng, đường vào xấu những khi rao bán là có người đến hỏi mua rồi đặt cọc ngay”. Ông Tư cũng nhận xét, những người đến đặt cọc hầu như là nhân viên môi giới “họ làm ăn hay lắm, chỉ trong vài ngày là dẫn người tới xem rồi “chốt” luôn, người bán còn không tin đấy là thật”.
Dân địa phương bán đất, bán nhà
Tại Nghệ An, một vài địa phương có biển như thị xã Cửa Lò, thị xã Hoàng Mai, huyện Nghi Lộc, Quỳnh Lưu, Diễn Châu,... thời gian qua người dân đã bán hết đất quanh biển, chuyển nhà tới nơi khác sinh sống. Cũng vì giá đất nơi đây đã tăng khá nhanh và rất nhiều nhà đầu tư hỏi mua. Cụ thể, tại xã Sơn Hải (huyện Quỳnh Lưu); các xã Nghi Thái, Nghi Phong, Nghi Xuân, Phúc Thọ (huyện Nghi Lộc); các phường Nghi Hương, Nghi Hòa, Nghi Hải (thị xã Cửa Lò),... với các khu đất ở vị trí đẹp hiện có giá lên đến 70 triệu đồng/m2, so với năm năm 2019 đã tăng gấp 2 lần.
“Dạo gần đây, dù giá đất đang ở mức khá cao nhưng khi có người dân rao bán nhà thì lập tức có người đến mua ngay. Thời lượng giao dịch cũng rất nhanh, có chỗ chỉ diễn ra trong vài giờ, người mua còn không cần trả giá” - anh N.V.H (trú tại TP. Vinh, tỉnh Nghệ An) - Chuyên môi giới đất khu vực này kể. Theo anh H, tại những khu vực kể trên, dân địa phương cố trụ lại còn khá ít, bởi đa số đều bán nhà lấy tiền khi giá đất được đẩy lên cao.
Điều người dân Quảng Nam không thể tin được là chứng kiến những gì đang xảy ra trên thị trường bất động sản tại các làng chài ven biển xã Tam Tiến, huyện Núi Thành trước đó luôn bình lặng nay lại sôi động một cách bất ngờ. Theo đó, các ngư dân ven biển cũng đua nhau bán nhà, bán đất và thu về tiền tỷ.
Bà Nguyễn Thị Đ. (69 tuổi, trú tại thôn Hà Lộc, xã Tam Tiến, huyện Núi Thành) có nhà chỉ cách bờ biển vài bước chân. Bà Đ cho biết, gia đình có một thửa đất rộng 725m2 bao gồm 300m2 đất ở và một căn nhà cấp 4 trên đất đã xây dựng cách đây hàng chục năm. Mới tháng trước, gia đình bà quyết định bán mảnh đất kèm ngôi nhà với giá lên đến 7,6 tỷ đồng. Theo đó, ngay từ những tháng đầu năm 2022 đến nay, chủ yếu là người Hà Nội và các tỉnh lân cần phía Bắc đã tới địa phương hỏi mua đất, do đó giá đất cũng tăng chóng mặt. Trước đây, giá đất tại thôn này chỉ khoảng 5 triệu đồng/m2, nhưng tới nay đã tăng đến 10 - 11 triệu đồng/m2.
“Sau khi bán đất, gia đình dự định sẽ vào làng mua mảnh đất mới với giá khoảng 1 tỷ đồng rồi xây nhà. Số tiền còn lại chia cho 4 người con, còn một ít thì để hai vợ chồng dưỡng già” - bà Đ nói. Bà cũng chia sẻ, người dân có nhà gần biển hầu như đã bán hết, nhiều nhà thu về gần 10 tỷ đồng. Hiện rất ít nhà còn trụ lại, còn bà con đã chuyển hết vào phía trong làng, mua đất và xây nhà mới mà vẫn còn dôi ra một số tiền khá lớn.
Với những địa phương có biển thuộc tỉnh Quảng Trị, đất nền khu vực đó cũng được đẩy giá cao gấp 2 - 3 lần. Chẳng hạn tại xã Triệu An, huyện Triệu Phong được xem là “cửa ngõ” Khu Kinh tế Đông Nam Quảng Trị, giá những thửa đất đẹp, gần biển được chào bán khoảng 180 triệu đồng/ m2. Ông Phan Bội Châu - Phó trưởng Ban Công tác mặt trận thôn Hà Tây, xã Triệu An cho biết: “Đã có khoảng thời gian mà “cò đất”, ô tô rầm rộ xếp thành hàng dài ngoài đường, việc đặt cọc hay “chốt” đất diễn ra một cách nhanh chóng. Nhà và đất những nơi này đã trải qua đợt chuyển đổi, thay tên đổi chủ lớn chưa từng thấy.
Đất miền núi cũng bị đẩy giá cao
Tại thành phố Đà Nẵng, hàng loạt các tin rao bán nhà đất được đăng tải trên các trang mạng xã hội mà ai cũng có thể dễ dàng tìm đọc. Theo đó, mức giá tăng cao ghi nhận tại huyện Hòa Vang. Một số tin cơ bản như "Mình mới chốt được lô đất có diện tích 172m2 đã bao gồm 125m2 đất ở tại nông thôn Hòa Thọ, xã Hòa Phú với giá 900 triệu đồng nhé", hay "Khu đất 1.000m2 với 300m2 đất ở tại xã Hòa Phú, rất thích hợp để xây biệt thự nhà vườn, nghỉ dưỡng đã được chốt với giá 3 tỷ đồng",...
Thực tế, bà Nguyễn Thị Huệ (trú tại xã Hòa Phú) chia sẻ, tất cả mọi người trong xã rất bất ngờ vì đất trên địa bàn đang được rao bán tràn lan trên mạng với mức giá cao gấp nhiều lần thực tế. “Nơi này vốn thuộc vùng núi, giá đất trước nay không cao như họ rao bán, người dân cũng không có nhu cầu mua bán gì. Chỉ một số người là muốn tách thửa và sang tên cho con cháu chứ không ai mua bán rầm rộ như trên mạng cả”.
Tương tự tình trạng trên, ở một số địa phương tại Tây Nguyên, ngay khi thông tin về dự thảo quy hoạch vừa công bố thì đã xuất hiện hàng loạt các công ty bất động sản, môi giới, "cò" đất lợi dụng việc này để tung tin đồn thổi, sai sự thật nhằm đẩy giá đất tăng cao rồi trục lợi.
Từ cuối năm 2021 đến nay, từ khi có thông tin về các dự án của các tập đoàn, doanh nghiệp lớn khảo sát trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột tỉnh Đắk Lắk và các huyện lân cận đã khiến giá đất tăng không ngừng. Dẫn tới tình trạng phân lô, bán nền, cắt bớt đất nông nghiệp ngày càng phổ biến trong khu vực. Có những giai đoạn, đi bất kỳ đâu cũng nghe được các câu chuyện về việc "nhà nhà, người người" làm "cò" đất, lướt "sóng".