Năm mới 2023, chuyên gia đề xuất tiếp tục áp dụng thuế VAT 8% để hỗ trợ nền kinh tế
BÀI LIÊN QUAN
Thu thuế bất động sản thứ hai không dễ áp dụng trong “một sớm một chiều” Giải pháp hợp tình hợp lý cho việc thu thuế bất động sản thứ haiĐánh thuế bất động sản thứ 2: Nếu không có lộ trình sẽ ảnh hưởng tiêu cực ngay lập tức đến thị trường“Ghìm cương” lạm phát nhờ giảm thuế
Theo diendandoanhnghiep.vn, để hiện thực hóa Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội, cuối tháng 1/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 15/2022/NĐ-CP quy định chính sách miễn, giảm thuế.
Theo đó, kể từ ngày 1/2/2022 đến 31/12/2022, thuế VAT đã được giảm từ 10% xuống còn 8% đối với hầu hết nhóm hàng hóa dịch vụ. Chính sách này ngay từ khi ban hành đã được dư luận đồng tình, được các chuyên gia kinh tế đánh giá là một quyết sách kịp thời nhằm hỗ trợ nền kinh tế phục hồi.
Sau gần một năm thực hiện chính sách miễn, giảm thuế này đã có những tác động tích cực và hiệu quả đến nền kinh tế, góp phần trực tiếp và gián tiếp tạo nên những điểm sáng cho kinh tế Việt Nam trong năm 2022. Từ mỗi người dân, mỗi doanh nghiệp và chính quyền đều được hưởng lợi từ chính sách này.
Với người dân, cứ 100 đồng tiêu dùng thì tiết kiệm được 2 đồng. Trong bối cảnh điều kiện kinh tế khó khăn, thu nhập giả, nhiều người mất việc làm thì 2 đồng tiết kiệm này vô cùng quý giá. Đồng thời, với cùng một số tiền bỏ ra có thể mua được nhiều sản phẩm hơn nên tâm lý tiêu dùng ổn định, chất lượng cuộc sống được nâng cao hơn.
Với doanh nghiệp, chính sách giảm thuế VAT giúp giảm giá cả đầu vào và đầu ra. Giá đầu vào giảm giúp doanh nghiệp tiết giảm được chi phí sản xuất giúp doanh nghiệp có thêm vốn để tái đầu tư, tăng khả năng mở rộng sản xuất. Giá đầu ra của sản phẩm giảm khiến doanh nghiệp không được lợi trực tiếp nhưng lại thu lợi gián tiếp nhờ tăng doanh số, đẩy mạnh quy mô kinh doanh.
Với chính quyền, việc áp dụng chính sách giảm thuế VAT là sự hy sinh về thu ngân sách nhưng kết quả đem lại ngoạn mục, đặc biệt là sau hơn 2 năm đại dịch Covid-19. Giảm thuế VAT khiến nguồn thu ngân sách giảm khoảng 50.000 tỷ đồng, nhưng nhờ tác động tích cực từ chính sách này và thêm nhiều chính sách khác, thu ngân sách hiện đã tăng hơn 270.000 tỷ đồng, cao hơn rất nhiều con số bị hụt do giảm thuế VAT.
Nhờ chính sách giảm thuế VAT đã giúp hàng hóa dịch vụ của Việt Nam có mức giá không tăng quá cao, chỉ số lạm phát ở mức khá tốt so với nhiều quốc gia khác trong khu vực và trên thế giới. Chính sách đúng đắn này đã góp phần ổn định an sinh xã hội, tạo động lực cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Mong muốn tiếp tục thực hiện trong năm 2023
Từ những lợi ích của chính sách giảm thuế VAT tới đời sống kinh tế - xã hội của Việt Nam, các chuyên gia khuyến nghị tiếp tục chính sách này đặc biệt trong bối cảnh dự báo kinh tế toàn cầu trong năm mới 2023 khó khăn nhiều hơn thuận lợi và có khả năng đi vào suy thoái. Với một nền kinh tế mở như Việt Nam những thay đổi của kinh tế thế giới sẽ có tác động không hề nhỏ.
Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV) thuộc Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính trong quá trình phục hồi kinh tế hậu đại dịch đã có những nghiên cứu tìm kiếm các giải pháp tháo dỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp và đề xuất lên Thủ tướng Chính phủ.
Ban IV có đề xuất Chính phủ xem xét kéo dài một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã phát huy hiệu quả trong giai đoạn dịch Covid-19 cho tới nay. Điển hình như chính sách giảm 2% thuế VAT; các chính sách tín dụng như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ; chính sách giãn, hoãn áp dụng biểu giá thuê đất mới theo Nghị định số 96/2019/NĐ-CP ngày 19/12/2019…
Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Ngô Trí Long nhận định những gói tài trợ tài khóa trong hơn hai năm qua đã thực sự đi vào cuộc sống, phát huy tác dụng. Có thể thấy rõ ràng nền kinh tế tăng trưởng trở lại với mức thu ngân sách nhà nước được cải thiện, điều này có được do các doanh nghiệp phục hồi, đóng góp vào nguồn thu. Mặc dù vậy, trong năm 2023 sắp tới được dự báo vẫn còn nhiều thách thức, do đó gói hỗ trợ nào thực sự đã phát huy hiệu quả và vẫn cần thiết thì nên được nghiên cứu để tiếp tục triển khai hoặc điều chỉnh cho phù hợp với tình hình mới.
Theo Phó Tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), ông Đậu Anh Tuấn một trong những chính sách cần được tiếp tục trong năm 2023 chính là hoạt động giảm thuế 2% theo Nghị định số 15/2022/NĐ-CP. Bởi doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn và đang phải đối mặt với những thách thức rất lớn trong thời gian tới.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh ông đánh giá chính sách hỗ trợ thuế, phí được ban hành và thực thi một cách nhanh nhất, kịp thời nhất đã hỗ trợ tốt cho người dân và doanh nghiệp. Điển hình như chính sách giảm 2% thuế VAT được áp dụng từ ngày 1/2/2022, đã góp phần giảm giá bán hàng hóa trên thị trường, qua đó thúc đẩy sức chi tiêu của khách hàng, từ đó tạo điều cho doanh nghiệp tiếp tục sản xuất và mở rộng hoạt động. Đồng thời, việc giảm giá hàng hóa do giảm thuế VAT còn làm giảm áp lực lạm phát.
Như vậy, chính sách giảm thuế VAT có tác động kép, vừa kích thích tăng trưởng sản xuất, vừa góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, giảm áp lực lạm phát.
Có thể thấy, chính sách giảm 2% thuế VAT chính là giải pháp căn cơ, “liều thuốc bổ” cho người dân và doanh nghiệp sau những tổn thương do đại dịch gây ra. Do đó, hy vọng chính sách này sẽ được tiếp tục duy trì và phát huy hiệu quả hơn nữa trong năm mới 2023.