Đánh thuế bất động sản thứ 2: Nếu không có lộ trình sẽ ảnh hưởng tiêu cực ngay lập tức đến thị trường
BÀI LIÊN QUAN
Bộ Xây dựng đề xuất đánh thuế BĐS: Giá nhà sẽ giảm?Đánh thuế cao người sở hữu nhiều nhà, đất: Nhiều vấn đề cần làm rõ!Đánh thuế tác động đến cả xã hội, không nên gấp gáp
UBND Thành phố Hồ Chí Minh vừa trình Chính phủ một số cơ chế, chính sách đặc thù muốn được thí điểm để tạo động lực phát triển. Trong đó có chính sách thuế thu bổ sung với quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản trên đất của bất động sản thứ hai trở lên.
Mục đích thí điểm chính sách thuế này nhằm tăng nguồn thu ổn định, hạn chế tình trạng đầu cơ và bỏ hoang nhà đất tại các dự án bất động sản hiện nay. Đồng thời, làm cơ sở để xây dựng chính sách chung về sau.
Sáng 8/12, trao đổi với PV, ông Nguyễn Thế Điệp-Phó Chủ tịch CLB Bất động sản Hà Nội cho hay: “Nhiều nước trên thế giới đã áp dụng chính sách này, giúp thị trường bất động sản phát triển ổn định”.
“Hiện nay, các nhà đầu tư của Việt Nam nói chung, những người có tiền cũng như đại bộ phận người dân đều có một đến hai miếng đất… Thế nên, việc đánh thuế đụng chạm đến rất nhiều tầng lớp, đến toàn xã hội. Theo tôi, đánh thuế là tất yếu nhưng cần có lộ trình. Nếu chúng ta làm gấp gáp quá sẽ có những phản ứng rất mạnh mẽ từ nhà đầu tư, người dân”, ông Điệp nêu quan điểm.
Bất động sản Hà Nội nói: “Việc đánh thuế là cần thiết, tất yếu phải làm nhưng phải có lộ trình rõ ràng 3 năm hay 5 năm để làm sao người dân vừa nhận thức được tầm quan trọng của việc đánh thuế bất động sản.
Sắc thuế này rất quan trọng với Việt Nam trong tương lai bởi vì nó sẽ thay thế tất cả những dòng nguồn thu khác, thay thế các sắc thuế khác. Khi chúng ta hòa nhập kinh tế, nhiều nhà đầu tư vào Việt Nam thì việc đánh thuế là cần thiết”, ông Điệp nhấn mạnh.
Trước đó, bàn về câu chuyện đánh thuế bất động sản, Phó hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) cho rằng cần có công cụ thuế để điều tiết thị trường bất động sản, tránh xảy ra sốt đất, gây hệ luỵ lớn đến kinh tế - xã hội.
Ông Hoàng Văn Cường nhìn nhận “sốt đất” chỉ mang lại lợi ích cho một nhóm nhỏ, còn về tổng thể xã hội thì gây ra nhiều hệ lụy nguy hiểm. Ông cho rằng một số người đầu cơ, trục lợi từ thị trường bất động sản. Từ đó, nhiều người khác bị hấp dẫn, cuốn theo “cơn lốc” đầu tư. Hệ lụy là nhiều người đã thua lỗ, vỡ nợ, bị chôn vốn, không thể thoái vốn khỏi các dự án được.
Nhìn tổng thể cả nền kinh tế, một lượng lớn tiền đổ vào bất động sản, mua đi - bán lại đang làm lãng phí nguồn lực phát triển. Ông cho rằng nếu lượng vốn đó đầu tư cho phát triển sẽ tạo ra giá trị gia tăng rất lớn. Trong khi đó, đất nước lại không thu được quá nhiều thuế từ hoạt động đầu cơ đất, mua đi - bán lại. “Cần đánh thuế thật mạnh để kiểm soát sốt đất. Chúng ta tạo ra một chính sách thuế tốt để làm sao người mua hay đầu cơ sẽ không hưởng lợi từ việc đó, thay vì thả nổi như hiện nay mới xử lý được vấn đề”, ông Cường nói.
Có luồng ý kiến cho rằng, giai đoạn hiện nay thị trường bất động sản đang “đóng băng" nên chính sách đánh thuế cũng không ảnh hưởng quá nhiều đến thị trường. Nếu chính sách này được ban hành vào thời điểm thị trường đang “sốt” mới có nguy cơ gây “sốc”.
Lo ngại ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường
Bên cạnh những ý kiến ủng hộ thì nhiều người lo ngại chính sách thuế mới này sẽ tác động tiêu cực đến thị trường bất động sản cũng như tâm lý nhà đầu tư.
Bàn về mục đích của việc đánh thuế bất động sản thứ hai đang thu hút dư luận,luật sư Phạm Tuấn Anh (Đoàn Luật sư Bắc Ninh) đánh giá: “Thị trường bất động sản Thành phố Hồ Chí minh nói riêng và cả nước nói chung đang ảm đạm, trên đà suy thoái, nếu tăng thêm một loại thuế trong giai đoạn hiện nay tôi e rằng sẽ làm xấu thêm cho thị trường hơn là giải pháp chống đầu cơ như mục tiêu mà UBND Thành phố Hồ Chí Minh đề ra. Đề xuất này sẽ khiến các nhà đầu tư hản ứng ngược về thời điểm áp dụng, nhất là khi thị trường đang rất khó khăn”.
Theo vị luật sư này, phía cơ quan chính sách hiện chưa đưa ra tiêu chí rõ ràng về luật định thế nào là đầu cơ bất động sản mà chỉ lấy định lượng sở hữu hai căn nhà hay hai tài sản là bất động sản trở lên là đầu cơ bất động sản, rồi áp thuế tăng cho căn thứ hai. Điều này cần phải tính toán kỹ lưỡng.
Ông Võ Hồng Thắng, Phó Giám đốc R&D của DKRA Vietnam cho rằng, điểm mấu chốt ở đây là phải có cơ sở dữ liệu quốc gia về quản lý đất đai, bao gồm “người sở hữu” và “định giá bất động sản”. Từ đó mới xác định được người sở hữu hai bất động trở lên và mức thuế họ phải nộp. “Việc thu thuế bất động sản thứ hai trở lên là bài toán phức tạp, cần tính toán chi tiết để tránh bất công bằng xã hội”, ông Thắng nói.
Cũng theo ông Võ Hồng Thắng, thời điểm hiện tại thị trường bất động sản đang khó khăn, việc thí điểm thu thuế bất động sản thứ hai trở lên có thể khiến cho thị trường bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh “ngủ đông”, mất nhiều thời gian để phục hồi.
Nhận định về sự tác động của việc đánh thuế bất động sản thứ hai đến thị trường bất động sản, Phó Chủ tịch CLB Bất động sản Hà Nội nhìn nhận: “Nếu áp thuế mà không có lộ trình sẽ ảnh hưởng tiêu cực ngay lập tức đến thị trường và bất động sản sẽ ảm đạm hơn cả hiện tại. “Cú sốc” vừa qua chưa phải là lớn, nếu đánh thuế thành hiện thực thì tác động lớn vì nó ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân, nhà đầu tư. Ngay như Luật Đất đai chưa điều chỉnh, người dân đã có nhiều ý kiến đấu tranh về quyền lợi rồi”.
Chuyên gia bất động sản Trần Khánh Quang cũng cho rằng, trong bối cảnh thị trường bất động sản đang gặp nhiều khó khăn như hiện nay thì việc đề xuất thí điểm thu thuế bất động sản thứ hai trở lên là chưa hợp lý.
Theo ông Quang, điểm chưa hợp lý đầu tiên là thị trường bất động sản chưa có sự minh bạch. Muốn minh bạch thì phải thực hiện số hoá bất động sản, có số liệu thống kê giao dịch cũng như giá trị giao dịch trên thị trường.
“Thu thuế bất động sản thứ hai trở lên chưa thể thực hiện được nếu không phân biệt được hạn mức số lượng bất động sản và giá trị bất động sản sở hữu. Như một bất động sản có giá trị gấp 10 lần bất động sản nhỏ, nếu đánh thuế theo số lượng bất động sản thì sẽ dẫn đến bất công với những người sở hữu bất động sản giá trị thấp”, chuyên gia Trần Khánh Quang phân tích.
Chuyên gia này nhận định, nếu chính sách này được áp dụng thì sẽ tác động mạnh đến thị trường bất động sản, đặc biệt là Thành phố Hồ Chí Minh. Khi đó, nhà đầu tư có xu hướng tìm cách “né thuế” và dòng tiền đầu tư vào bất động sản cũng sẽ “chạy khỏi” Thành phố.
Ông Quang phân tích, trước hết, phải xác định rằng thu thuế bất động sản thứ hai trở lên nhằm mục đích gì. Nếu để tăng nguồn thu cho ngân sách thành phố và tránh đầu cơ, đưa bất động sản về với giá trị thực thì phải cân nhắc kỹ. Nếu đề xuất này được thông qua mà không có chính sách thỏa đáng sẽ không đạt được các mục đích trên và có thể còn gây tác dụng ngược.
“Việc đánh thuế bất động sản này không thể hạn chế được tình trạng đầu cơ bởi tại Thành phố Hồ Chí Minh, sản phẩm bất động sản có tính tương đồng cao, đáp ứng nhu cầu ở thực nhiều. Khó đầu cơ vì không mua được sản phẩm này thì có sản phẩm khác. Với những tỉnh xa, các sản phẩm bất động sản có tính tương đồng thấp và có sự chênh lệch rõ về giá bán. Tình trạng đầu cơ ở những nơi này xuất hiện nhiều hơn Thành phố Hồ Chí Minh”, ông Quang nhấn mạnh.