Bộ Xây dựng đề xuất đánh thuế BĐS: Giá nhà sẽ giảm?
BÀI LIÊN QUAN
Đánh thuế cao người sở hữu nhiều nhà, đất: Nhiều vấn đề cần làm rõ!Bản tin BĐS 30/9/2022: Dự thảo đánh thuế người sở hữu nhiều bất động sảnĐánh thuế cao liệu có “chặn” được đầu cơ bất động sản?Đánh thuế sẽ giúp giá nhà giảm
Trong cuộc họp giữa đại diện Chính phủ với các doanh nghiệp, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam và Bộ Xây dựng vừa qua, nhiều kiến nghị đã được các cơ quan chức năng và đại diện doanh nghiệp đưa ra để tháo gỡ tình trạng khó khăn đối với thị trường bất động sản. Về phía doanh nghiệp, hầu hết các tập đoàn địa ốc lớn đều than khó khi không thể tiếp cận với nguồn tín dụng. Các kênh thu hút tín dụng của doanh nghiệp bất động sản hầu như bị bịt kín từ vốn vay tín dụng đến phát hành trái phiếu… Doanh nghiệp bất động sản đang ngồi trên đống lửa và loay hoay tìm cách tồn tại, kể cả đó là những tập đoàn lớn.
Về phía Bộ Xây dựng, dưới góc nhìn vĩ mô, trong buổi làm việc với Phó thủ tướng Lê Văn Thành, đại diện bộ này đã đưa ra đề kiến nghị nghiên cứu, hoàn thiện chính sách thuế phù hợp với thị trường bất động sản. Việc này được hiểu nôm na là, Bộ Xây dựng kiến nghị đánh thuế đối với việc sở hữu bất động sản thứ 2 nhằm hạn chế tình trạng đầu cơ. Bộ Xây dựng đánh giá, việc đầu cơ bất động sản lâu nay đang khiến cho giá nhà tăng cao. Nếu không đánh thuế, việc sử dụng nhà, đất của nhiều người sẽ không hiệu quả và gây thất thu ngân sách Nhà nước.
Báo cáo Phó thủ tướng, Bộ Xây dựng cho biết, hiện nay giá nhà vẫn đang ở mức cao so với thu nhập người dân. Những người sinh sống tại các thành phố lớn có thu nhập thấp, công nhân tại các khu công nghiệp chưa thể tiếp cận được chỗ ở do giá nhà neo cao. Bên cạnh đó, việc giao dịch bất động sản chưa minh bạch, vẫn còn tình trạng trốn thuế từ việc bán nhà kê 2 giá. Hiện nay, nguồn cung bất động sản sụt giảm nghiêm trọng so với năm 2021. Giá nhà dưới 30 triệu đang thiếu nhưng phân khúc trung cấp và hạng sang lại dư thừa. Chưa dừng lại ở đó, tình trạng đầu cơ biệt thự, nhà phố, chung cư cao cấp, đất nền để găm hàng, giữ tài sản vẫn diễn ra phổ biến.
Một báo cáo của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho thấy bất động sản tại thị trường Việt Nam đang liện tục tăng giá. Theo đó, từ năm 2014 đến nay, giá bất động sản liên tục giữ đà tăng, với mức tăng bình quân hàng năm trên 10%/năm, thậm chí, nhiều dự án tăng trên 20%/năm.
Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam từng khẳng định, tình trạng găm đất, hoạt động mua đi bán lại của các nhà đầu tư là nguyên nhân dẫn đến việc thổi giá, đẩy giá khiến thị trường bị lũng đoạn. Đây không phải là các mua bán xuất phát từ nhu cầu thực của người dân. Vị này cho rằng, cần phải đánh thuế việc sở hữu bất động sản thứ 2. Và nhiều nước trên thế giới đã coi việc đánh thuế bất động sản là công cụ để điều tiết thị trường. Thực tế cho thấy, công cụ này đã phát huy hiệu quả ở nhiều quốc gia những Việt Nam chưa áp dụng.
Nhiều chuyên gia cho rằng, tài nguyên đất phải được sử dụng đúng mục đích, hiệu quả cao nhất. Các khu đất phải được xây dựng nhà ở, khai thác triệt để để phục vụ đời sống người dân. Từ đó, nhà nước mới thu được những khoản thuế tương xứng và nền kinh tế được kích thích phát triển. Trong khi đó tại Việt Nam, nhiều khu đất đang bị bỏ hoang do hoạt động đầu cơ, găm hàng. Cả nhà nước và người dân đều không có lợi trong việc các đối tượng găm hàng dẫn đến thiếu hụt nguồn cung.
Thời điểm nào nên đánh thuế BĐS?
Là người đưa ra đề xuất đánh thuế bất động sản từ rất sớm, GS Đặng Hùng Võ cho rằng, cần phải đánh thuế bất động sản mới kìm hãm được tình trạng đầu cơ và giúp giảm giá nhà đất. Đây là việc Nhà nước phải làm.
Ông Võ nói thêm, thực tế hàng chục năm qua, nhà đất liên tục tăng giá nhưng nhà nước vẫn bị lọt nguồn thu. Nhiều đối tượng trục lợi từ việc giá nhà đất tăng chóng mặt nhưng người dân không được lợi và Nhà nước cũng không thu được tiền thuế tương xứng với đà tăng đó. “Theo tôi, toàn bộ hệ thống chính trị cần vào cuộc để thông qua Luật Thuế tài sản. Đây chính là chìa khóa cho việc tránh thất thu ngân sách. Thực tế cho thấy, tại nhiều quốc gia trên thế giới, thuế bất động sản là nguồn thu rất lớn. Vì thế, Việt Nam không thể trì hoãn việc này mãi được. Cần phải làm toàn diện và nhanh chóng”, ông Võ chia sẻ.
Cùng quan điểm, Tiến sĩ Kinh tế Trần Khắc Tâm cho rằng, việc đánh thuế đối với bất động sản là điều nên làm. Đây là một trong những liều thuốc rất mạnh để ngăn chặn tình trạng đầu cơ, găm đất để thổi giá. Bao năm qua, các cơ quan chức năng mặc dù biết có tình trạng đầu cơ đất đai nhưng chưa thể tìm cách xử lý được. TS.Trần Khắc Tâm đề xuất, đối với những cá nhân, tổ chức sở hữu nhiều bất động sản nhưng không ở, không đưa vào sản xuất, kinh doanh thì cần đánh thuế lũy tiến.
Bên cạnh đó, cũng để hạn chế đầu cơ, TS.Trần Khắc Tâm kiến nghị áp dụng mức thuế suất rất cao đối với việc mua đi bán lại bất động sản. Nghĩa là, đánh thuế “rất cao” với việc bán bất động sản trong năm đầu tiên và mức thuế cao đối với năm thứ 2 và thứ 3. Bởi những người mua xong bán lại luôn là những đối tượng mua bán lướt sóng kiếm lời. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến giá đất tăng nhanh trong thời gian ngắn.
Về thời điểm đánh thuế, TS.Trần Khắc Tâm cho rằng vấn đề này cũng cần phải được nghiên cứu một cách cẩn trọng. Bởi hiện nay, thị trường bất động sản đang đối mặt với rất nhiều khó khăn. Với những khó khăn nhiều mặt lại kéo dài, có thể thị trường bất động sản sẽ rơi vào suy thoái. Vì thế, các doanh nghiệp bất động sản đang rất cần các biện pháp hỗ trợ của Chính phủ. Vì thế, thời điểm này nếu tiếp tục ban hành các chính sách về đánh thuế sẽ khiến cho thị trường thêm khó khăn.
“Chính phủ đã có cuộc họp với Bộ Xây dựng và một số các doanh nghiệp để lắng nghe những khó khăn, tồn tại của thị trường bất động sản. Vì thế, với chính sách điều hành rất linh hoạt và sát sao của Chính phủ, chúng ta đều có thể tin tưởng rằng những khó khăn sẽ có phương án giải quyết sớm. Đến khi thị trường bất động sản phục hồi, đi vào ổn định thì việc đánh thuế bất động sản để hạn chế đầu cơ hoàn toàn có thể được áp dụng. Và khi đánh thuế việc sở hữu bất động sản thứ 2,3… chắc chắn giá nhà sẽ giảm, nhiều người lao động có mức thu nhập thấp, trung bình có nhiều cơ hội để sở hữu nhà hơn ”, TS. Trần Khắc Tâm chia sẻ.