Năm 2022, EVN cam kết không tăng giá điện
BÀI LIÊN QUAN
VinFast đầu tư 4 tỷ USD để xây nhà máy ô tô điện tại MỹCác nhà sản xuất xe điện cũng đã đến lúc lo sợ vì giá niken Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị đón nhận các dự án điện khí trị giá hơn 2,6 tỷ USDNgành điện chịu áp lực do giá đầu vào tăng
Theo VnExpress, tại hội thảo “Khơi thông dòng vốn đầu tư vào ngành điện” tổ chức vào ngày 8/4, ông Nguyễn Tài Anh, Phó Tổng giám đốc EVN cho biết giá nhiên liệu sơ cấp cho sản xuất điện như than, dầu, khí tăng mạnh do xung đột Nga - Ukraine tình hình biến động địa chính trị thế giới khiến.
Cụ thể, giá than nhập khẩu đã tăng gấp 3 lần, giá than trước đây khoảng từ 60 - 70 USD/tấn, hiện nay mức giá đã tăng hơn 220 USD/tấn. Giá khí LNG cũng tăng gấp 3, từ 6 - 8 USD/triệu BTU nay đã lên 18 - 20 USD/triệu BTU. Giá sắt thép vật liệu xây dựng để thực hiện các dự án nguồn, truyền tải điện cũng tăng. Những nguyên liệu đầu vào ngày càng tăng giá khiến ngành điện đang chịu nhiều áp lực, tuy nhiên 3 năm qua mức giá bán ra của ngành chưa được điều chỉnh.
Phó Tổng giám đốc EVN cho biết, sau khi cân đối các nguồn phát điện, tập đoàn cam kết với Chính phủ sẽ không thực hiện tăng giá điện trong năm 2022, nhằm đảm bảo đủ điện cho phục hồi kinh tế đất nước sau đại dịch Covid-19.
"Năm nay chúng tôi cố gắng cân đối, thậm chí chấp nhận lợi nhuận bằng 0 để không tăng giá điện", ông Tài Anh khẳng định.
Tuy nhiên ông cho biết thêm, nếu tình hình giá nhiên liệu sơ cấp vẫn leo thang như hiện nay thì việc cân đối đầu vào và bán điện sẽ "cực kỳ khó khăn".
"Lợi nhuận năm nay bằng 0 thì có thể cân đối, nhưng nếu các năm sau mà tiếp tục lợi nhuận bằng 0, cùng giá nhiên liệu, chi phí đầu vào tiếp tục tăng thì EVN sẽ không thể cân đối được", Phó Tổng giám đốc EVN cho hay.
Thời điểm đó, Chính phủ, các bộ ngành tính toán để có giải pháp đảm bảo hài hoà lợi ích của doanh nghiệp, người dân, để giá điện ở mức hợp lý, nền kinh tế chịu đựng được.
Giống như Việt Nam, một số quốc gia khác trong khu vực cũng đang chịu những áp lực về nguyên liệu đầu vào cho quá trình sản xuất và kinh doanh điện. Tại Singapore, từ đầu tháng 4, quốc gia này đã phải tăng thêm 30% giá bán lẻ điện do giá LNG tăng vọt (mức giá trước khi thay đổi là 26 xent SGD/kWh).
Ảnh hưởng thu hút đầu tư vào ngành điện
Hiện tại giá nhiên liệu đầu vào của ngành điện đã tăng cao tuy nhiên trong 3 năm qua giá bán lẻ điện bình quân chưa được tăng, theo các chuyên gia, điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới việc thu hút đầu tư vào ngành điện trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Cục phó Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho biết, đến năm 2030, tổng vốn đầu tư phát triển điện là gần 142,6 tỷ USD. Như vậy, tính bình quân mỗi năm nước ta sẽ cần 14 tỷ USD đầu tư vào nguồn và lưới điện. Trong đó, 75% dành cho nguồn, 25% còn lại dành cho lưới điện.
Mỗi năm mức tăng trưởng điện là 8-10%, số vốn cần huy động đầu tư vào các dự án điện (gồm nguồn và lưới) khoảng 8-9 tỷ USD/năm. Trong đó, EVN chỉ chiếm 1/3 tỷ trọng nguồn điện phát cả nước
Với mức tăng trưởng điện hiện là 8-10% mỗi năm, số vốn cần huy động đầu tư vào các dự án điện (nguồn, lưới) khoảng 8-9 tỷ USD một năm. EVN chỉ chiếm 1/3 tỷ trọng nguồn điện phát cả nước, 2/3 nguồn điện còn lại thuộc về các tập đoàn khác như PVN, TKV hay các doanh nghiệp tư nhân tham gia đầu tư vào năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời).
EVN nỗ lực ở mức cao nhất để đảm bảo tiến độ của các dự án nguồn điện, đưa vào vận hành đúng kế hoạch để đáp ứng điện cho phục hồi phát triển kinh tế. Do đó, cần 14 tỷ USD đầu tư cho ngành điện trong một năm, ông Tài Anh cho rằng: "EVN chỉ là một phần, chúng tôi không đủ khả năng chịu đựng nguồn vốn lớn như vậy, mà cần sự tham gia của các thành phần kinh tế khác".
Hiện mỗi năm tập đoàn EVN đầu tư khoảng 86.000 tỷ đồng (tương đương 3,5 tỷ USD) vào nguồn và lưới điện.
Do đó việc thu hút vốn tư nhân vào ngành điện Việt Nam là cần thiết. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nếu không có sự phối hợp chặt chẽ trong chính sách thì sẽ khó có thể thực hiện việc thu hút vốn.
Các đơn vị tư nhân sẽ quan tâm nhiều hơn đến lợi nhuận của các dự án do đó, nếu chi phí điện còn tăng thì về lâu về dài sẽ ảnh hưởng đến thu hút nguồn vốn đầu tư đến từ trong nước và nước ngoài vào ngành điện Việt Nam.
Thiếu điện tại miền Bắc vào mùa khô
Theo ông Nguyễn Quốc Trung, Phó giám đốc Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia cho biết: “Từ đầu năm 2022, nhu cầu sử dụng điện đã tăng 7%, đây là tiền đề cho quá trình phục hồi kinh tế”.
Phó giám đốc Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia cho biết đơn vị sẽ đảm bảo đủ nguồn điện tháng 4/2022 và cho đến hết mùa khô, nhằm phục vụ phát triển kinh tế. Tuy nhiên, việc này tương đối khó tại khu vực miền Bắc, vào cuối mùa khô khó đáp ứng được khoảng 2.000 - 3.000 MW.
Một số giải pháp trung tâm đưa ra nhằm khắc phục tình trạng thiếu điện như không sửa chữa vào thời điểm nắng nóng, tích trữ nguồn nước vào thời gian cao điểm. Làm việc với khách hàng là các doanh nghiệp lớn khuyến khích tập trung sản xuất tại thời điểm đủ điện, giảm sản xuất tại thời điểm thiếu điện.
Ông Trung cho rằng hiện tại ngành điện có nhiều cơ hội lớn đầu tư để giải bài toán đáp ứng nhu cầu điện vào các năm sau, đặc biệt tại khu vực miền Bắc.
“Tốc độ tăng trưởng phụ tải cho nhu cầu điện khoảng 8-9%. Mỗi năm, nhu cầu tăng 4.000 - 5.000 MW. Theo số liệu chúng tôi có, nguồn cung trong các năm tới tăng cỡ khoảng 2.500 – 4.000 MW, dẫn tới việc thiếu hụt 1.000 - 1.500 MW, đặc biệt ở miền Bắc. Do vậy, rất cần thiết để giải bài toán để đáp ứng nhu cầu điện các năm sau”.