Một số ngân hàng mới được nới thêm room tín dụng
BÀI LIÊN QUAN
Điều gì xảy ra khi Chính phủ nới trần (room) tín dụng thêm 1%?Đề xuất nới room tín dụng gỡ khó thị trường chứng khoán và trái phiếuNới thêm room tín dụng có giải quyết được cơn “khát vốn”?Theo diendandoanhnghiep.vn, Ngân hàng Nhà nước cho biết, qua theo dõi tình hình thực hiện chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của các tổ chức tín dụng, tính đến 23/11 tín dụng toàn hệ thống tăng khoảng 11,5% so với chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng định hướng toàn hệ thống năm 2022 đặt ra là 14%.
Theo chỉ tiêu tín dụng của toàn hệ thống thì phần dư địa tín dụng còn lại vẫn đang được các thành phần kinh tế mong đợi tiếp tục sớm được thúc đẩy giải ngân ra thị trường. Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế tích cực, lạm phát được kiềm chế, tỷ giá hạ nhiều, nhiều doanh nghiệp mong muốn Ngân hàng Nhà nước có thể xem xét cấp thêm chỉ tiêu cho các ngân hàng đạt các đánh giá chỉ tiêu về năng lực tài chính và có đóng góp cho hệ thống ngân hàng, trên cơ sở đó tăng thêm nguồn vốn cho thị trường.
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các tổ chức tín dụng còn hạn mức tăng trưởng tín dụng chủ động cân đối điều hòa nguồn vốn, tỷ lệ đảm bảo an toàn, tích cực giải ngân tín dụng cho các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên như xuất khẩu, nông nghiệp nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao và các lĩnh vực là động lực tăng trưởng của nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ.
Hiện nay, các ngân hàng lớn, có năng lực tài chính đảm bảo đạt các yêu cầu theo đánh giá của cơ quan quản lý đang được giao nhiệm vụ hỗ trợ tái cơ cấu các ngân hàng TMCP 0 đồng, ngân hàng thuộc diện kiểm soát đặc biệt và hỗ trợ các quỹ tín dụng nhân dân cũng mới được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh hạn mức tín dụng.
Theo đó, đã có hàng nghìn tỷ đồng tín dụng được Ngân hàng Nhà nước cấp thêm cho các ngân hàng.
Động thái nới room tín dụng của Ngân hàng Nhà nước có ý nghĩa đáp ứng đầy đủ nhu cầu vốn của nền kinh tế vào thời điểm cuối năm. Tạo điều kiện cho các ngân hàng lớn triển khai các nhiệm vụ được giao và có thể thực hiện các chương trình giải ngân tín dụng như hạ chi phí lãi vay, cấp bù lãi suất 2%.
Gần đây đã có 2 ngân hàng đầu tiên thực hiện giảm lãi suất cho vay. Cụ thể, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) là ngân hàng đầu tiên thông báo giảm lãi suất tới 1%/năm đối với các khoản vay VND cho các khách hàng là doanh nghiệp và khách hàng cá nhân hiện hữu. Chương trình áp dụng từ 1/11 đến hết 31/12/2022. Tuy nhiên, chính sách giảm lãi suất này không áp dụng cho các khoản vay, vay chứng khoán, vay kinh doanh bất động sản, vay cầm cố giấy tờ có giá…
Ngân hàng thứ hai thực hiện giảm lãi suất cho vay là HDBank. Từ 1/11 đến 31/12, HDBank giảm lãi suất cho vay lên đến 3,5% một năm đối với khách hàng cá nhân và doanh nghiệp ở các nhóm ngành nghề khác nhau. Sẽ có hơn 43.000 cá nhân và doanh nghiệp là khách hàng của HDBank trên cả nước với 55.000 khoản vay sẽ được giảm lãi suất với số tiền lên tới 120 tỷ đồng.
Các chuyên gia nhận định, khả năng sẽ xuất hiện xu hướng giảm nhẹ lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại trên toàn hệ thống trong thời gian tới nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong thời điểm kinh doanh quan trọng cuối năm.