Mới mua nhà lại bị môi giới bất động sản gọi hỏi “có bán nhà hay không”?
Người dân bị môi giới gọi điện làm phiền
Thời gian qua, xuất phát từ thực trạng khan hiếm nguồn cung mới phân khúc căn hộ bình dân dẫn tới tình trạng nhiều chủ nhà đang sử dụng căn hộ vẫn bị môi giới bất động sản gọi điện làm phiền với chung câu hỏi là có muốn bán căn hộ hay không.
Chia sẻ với chúng tôi, anh Lê Hiệp (trú tại Cầu Giấy, TP Hà Nội) cho biết: “Gia đình tôi tích góp mua được căn hộ 2 phòng ngủ, 2 nhà vệ sịnh sử dụng khoảng hơn hai năm nay, cũng không có nhu cầu bán vì xác định ngay từ ban đầu mua là để ở. Thế nhưng cứ liên tục lại có các số điện thoại lạ gọi đến, họ bảo là ở công ty môi giới bất động sản A, B, C tại Hà Nội, rồi hỏi là anh có nhu cầu bán căn hộ đang ở không? Ban đầu thì tôi có nghe số lạ, sau đó, có những lúc đang ngủ cũng bị gọi nên tôi rất khó chịu, biết ngay là lại hỏi mua nhà mặc dù tôi đã trả lời là không có nhu cầu, bây giờ hầu như số điện thoại lạ tôi đều không nghe”.
Một trường hợp tương tự, chị Thanh Vân (trú tại Đống Đa, TP Hà Nội), chị bức xúc kể lại: “Đang ngồi trên cơ quan làm việc, một buổi sáng mà có đến 3 số điện thoại lạ gọi hỏi có bán nhà không, rồi tư vấn đủ thứ. Căn hộ này gia đình tôi đã mua được 2 năm rưỡi, ở cũng khá ổn, và quan trọng là không có nhu cầu bán. Vì vậy, tôi cảm thấy rất mất thời gian và rất phiền, những lúc cáu quá thì tôi chặn luôn số”.
Trường hợp của anh Hiệp, chị Vân có lẽ là 2 trong số rất nhiều các chủ nhà thường xuyên bị môi giới bất động sản “hỏi thăm”.
Chia sẻ với chúng tôi, một bạn sinh viên năm 2 tại một trường đại học ở Hà Nội cho biết: “Đợt vừa rồi em có ứng tuyển vị trí telesale làm bán thời gian (từ 13h30 đến 17h30) cho một công ty môi giới bất động sản. Hồ sơ ứng tuyển cũng không có gì nhiều, vì đơn vị tuyển dụng chỉ yêu cầu là nữ và giọng nói nhẹ nhàng, dễ nghe.
Em được đào tạo khoảng 2 buổi, được công ty cấp cho 2 chiếc điện thoại loại 1280 và một tệp danh sách khách hàng. Công việc của em là ngồi gọi điện theo danh sách sẵn có, ban đầu là tư vấn mua nhà với các dự án mà công ty môi giới, sau đó là gọi hỏi có nhu cầu bán nhà hay không.
Nhiều khách thì họ trả lời bình thường là không có nhu cầu rồi tắt máy, còn nhiều người thì họ cáu và nói từ giờ đừng gọi nữa vì họ không có nhu cầu”.
Liên quan đến vấn đề trên, đại diện một phòng giao dịch bất động sản tại Hà Nội cho biết: Vài năm trở lại đây do nguồn cung phân khúc căn hộ bình dân khan hiếm nên môi giới vừa tìm nguồn cung mới, vừa tìm các căn hộ đã qua sử dụng.
Hiện nay, một số dự án mới vùng ven đô Hà Nội cũng đã có giá 50-60 triệu đồng/m2. Giá căn hộ bị đẩy lên cao do một mặt thiếu nguồn cung, một mặt do giá nguyên vật liệu tăng cao. Trong khi đó, các căn hộ đã bàn giao khoảng 2-3 năm trước dù vẫn còn mới nhưng có mức giá tốt hơn, chỉ 30-40 triệu đồng/m2. Từ đó, dẫn tới việc tìm kiếm nguồn cung đã qua sử dụng tăng cao”.
Khan hiếm nguồn cung phân khúc căn hộ bình dân
Báo cáo nghiên cứu thị trường bất động sản nhà ở 6 tháng đầu năm 2022 của Datxanh Services cho thấy, nguồn cung căn hộ tại Hà Nội vẫn duy trì tình trạng khan hiếm. Trong quý 2 năm nay, thành phố ghi nhận khoảng 3.400 sản phẩm mới được bổ sung vào thị trường, giảm 28% theo quý. Nguồn cung sơ cấp cũng giảm 43% so với cùng kỳ năm ngoái, với 7.700 sản phẩm.
Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARs) thông tin, nhu cầu bất động sản, đặc biệt là bất động sản nhà ở đang không ngừng tăng nhưng không đáp ứng được cầu do những ách tắc trong các thủ tục cấp phép dự án,… Thị trường nhà đất cũng đã chứng kiến đà tăng giá không ngừng trong thời gian qua.
Theo ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Giám đốc Bộ phận Nhà ở CBRE Việt Nam, trong năm 2022, nguồn cung căn hộ sẽ ở mức 22.000 - 24.000 căn. Thế nhưng trong rổ hàng lại không có nhà ở bình dân khiến thị trường rơi vào tình cảnh khan hiếm, thiếu hụt nhà giá rẻ trong những tháng cuối năm.
Nhận định về triển vọng thị trường BĐS trong 6 tháng cuối năm 2022, ông Võ Kiệt cho rằng, nguồn cung nhà ở tiếp tục có xu hướng tăng ở Hà Nội và TP.HCM Tuy nhiên, nguồn cung chủ yếu vẫn là phân khúc bất động sản cao cấp, hạng sang.
Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, phân khúc nhà ở vừa túi tiền dành cho những gia đình trẻ dưới 35 tuổi chiếm tỷ trọng rất lớn, song hiện nay phân khúc này lại thiếu hụt. Có những gia đình tìm kiếm cả năm vẫn không mua được căn hộ bình dân. Giấc mơ an cư đối với nhiều gia đình hiện vẫn còn khá xa vời.
Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch VARs cho rằng việc thiếu hụt nguồn cung sơ cấp đang đẩy giá căn hộ tăng mạnh, đặc biệt từ đầu năm 2022. Không chỉ tăng giá cục bộ ở một số dự án, nhiều khu vực tại Hà Nội đã hình thành mặt bằng giá mới. Nếu cách đây 2 năm, giá căn hộ chung cư cao cấp khu vực Cầu Giấy, Thanh Xuân, Mỹ Đình dao động ở mức 30 - 40 triệu đồng/m2, thì hiện nay mặt bằng giá căn hộ mới đã được đẩy lên 45 - 60 triệu đồng/m2.
Nhiều khu vực xa hơn như: Gia Lâm, Đông Anh, Hoài Đức... giá căn hộ trước đây thường ở mức 18 - 20 triệu đồng/m2, thì nay đã dần tiệm cận mức 30 triệu đồng/m2, thậm chí có dự án giá đến 60 triệu đồng/m2.
Ngoài ra, ông Neil MacGregor, Tổng Giám đốc Savills Việt Nam cũng đánh giá thị trường nhà ở trong nước đang và sẽ chứng kiến nhu cầu rất lớn cùng với tốc độ đô thị hóa nhanh và tỷ lệ dân số vàng. Tuy nhiên, ông cũng chỉ ra nguồn cung dự án mới hạn chế, đơn cử như ở đô thị lớn nhất cả nước Hà Nội và TP. HCM do nhiều vấn đề tồn tại đang khiến thị trường lệch pha cung - cầu, bởi vậy cần nhiều giải pháp thiết thực để giải quyết tình trạng nêu trên.