Môi giới bất động sản: Số lượng tăng, chất lượng còn ‘bỏ ngỏ’
Chất lượng còn bỏ ngỏ
Hằng năm, có đến hơn 100.000 giao dịch bất động sản được thực hiện ở cả thị trường sơ cấp và thứ cấp. Chúng ta không thể phủ nhận vai trò của môi giới cho dù là tổ chức hay cá nhân trong thị trường bất động sản. Nhà môi giới kết nối thông tin giữa những người có nhu cầu sở hữu hay đầu tư bất động sản và những chủ đầu tư, người có bất động sản muốn bán. Môi giới xác lập quan hệ, làm cầu nối quan trọng, tạo ra thị trường.
Một đơn vị môi giới chuyên nghiệp sẽ giúp cải thiện được hình ảnh, uy tín, thương hiệu của chủ đầu tư. Từ đó, chất lượng thông tin chuyển đến cho khách hàng được rõ ràng, thiết thực. Nhiều công ty môi giới đồng hành lâu dài và trở thành đối tác chiến lược của chủ đầu tư. Điều này cho thấy vai trò vô cùng quan trọng của nhà môi giới bất động sản.
Theo một thống kê sơ bộ mới đây, hiện cả nước có hơn 300.000 người hoạt động môi giới bất động sản. Tuy nhiên trong đó chỉ có hơn 30.000 người có chứng chỉ hành nghề, nghĩa là cứ 10 người thì chỉ có 1 người có chứng chỉ. Đồng thời, nhiều chứng chỉ hành nghề được cấp theo quy định cũ đã hết hiệu lực. Hiện, số chứng chỉ được cấp lại theo quy định mới chỉ vào khoảng 10.000 trường hợp.
Số lượng môi giới bất động sản ngày càng tăng cao nhưng chất lượng còn bỏ ngỏ, tiềm ẩn các nguy cơ về thiếu tuân thủ pháp luật, gây ảnh hưởng đến thị trường bất động sản, lợi ích của khách hàng cũng như những người môi giới chuyên nghiệp.
Bà Nguyễn Hương, Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cho biết, nhiều đơn vị môi giới hoạt động không đúng quy chuẩn, nhái các thương hiệu lớn. Thậm chí có nơi còn lập luôn trang web, đem nguyên những hình ảnh, thông tin của dự án chính thống, chỉ thay đổi mỗi số điện thoại để chào mời khách hàng. Dẫn đến chủ đầu tư rất khó khăn để bảo vệ uy tín và thương hiệu của mình trước những hành động vi phạm nêu trên.
Hơn nữa, còn có trường hợp nhiều môi giới bất động sản chuyên nghiệp cũng tiếp tay, xem đất đai như là hàng hóa để đầu cơ, tăng giá; tạo ra những lợi ích không phải để phục vụ cho sự phát triển kinh tế của các địa phương.
“Chuẩn hóa” lực lượng môi giới bất động sản
Giới chuyên gia cho rằng, đã đến lúc cần phải có một quy chuẩn về nghề môi giới với các cá nhân, tổ chức. Khi có các quy chuẩn rõ ràng sẽ dễ dàng nhận diện điều kiện cần và đủ cho cá nhân và tổ chức tham gia hành nghề môi giới bất động sản, từ có cách giám sát, quản lý và có những chế tài xử lý phù hợp để hoạt động này trở nên chuyên nghiệp hơn.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch VARS cho hay, để môi giới bất động sản thực hiện được vai trò, trách nhiệm của mình trên thị trường, trước hết, các quy định pháp luật cần có quy định quản lý chặt chẽ hơn đối với môi giới bất động sản và các sàn giao dịch.
Cụ thể, năng lực, trình độ của người môi giới cần được nâng cao và môi giới bất động sản bắt buộc phải được đào tạo bài bản. Không đảm bảo được các yếu tố trên sẽ gây ảnh hưởng đến lợi ích của khách hàng, người tiêu dùng, bởi bất động sản là hàng hoá đặc biệt, có giá trị lớn và là tài sản mà người dân tích cóp cả đời mới có được. Trường hợp môi giới không có trách nhiệm, kiến thức, không bảo lợi ích của khách hàng sẽ rất dễ dẫn đến họ bị thiệt hại nặng nề.
Bên cạnh tính chuyên nghiệp, các cơ chế pháp luật cũng cần có ràng buộc chặt chẽ và quản lý được lực lượng môi giới. Thực tế, có những môi giới được cấp chứng chỉ hành nghề những hoạt động ra sao thì pháp luật chưa được kiểm soát. Điều này dẫn đến việc nhiều môi giới đưa tin sai sự thật, lừa đảo khách hàng.
Vì vậy, khi cấp chứng nhận hành nghề cho môi giới bất động sản, các cơ quan quản lý nhà nước nên cấp mã số hành nghề quốc gia cho từng người. Mọi hoạt động giao dịch của môi giới bất động sản phải cập nhật vào hệ thống công nghệ thông tin. Nếu làm được như vậy sẽ tránh việc môi giới lừa đảo khách hàng, bán một sản phẩm cho nhiều khách hàng hoặc giao dịch tại những dự án chưa đủ điều kiện pháp lý.
Liên quan đến vấn đề tăng cường quản lý nhà nước trong hoạt động xây dựng, trước đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 16/2022/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng. Trong đó, Nghị định 16 quy định xử phạt kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản với một số nội dung như: không có quy chế hoạt động sàn giao dịch, không có chứng chỉ hành nghề, thu các loại phí kinh doanh dịch vụ mà pháp luật không quy định, rao bán bất động sản khi không đủ điều kiện, không cung cấp hoặc cung cấp không đầy đủ thông tin, hồ sơ về bất động sản.
Ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng thông tin, hiện Bộ đang nghiên cứu thể chế hóa hoạt động kinh doanh bất động sản vào Luật Kinh doanh bất động sản với hướng xác định vai trò, chủ thể nhà môi giới trong thị trường. Bao gồm các quy định về việc đào tạo kỹ năng hành nghề môi giới, quy định trách nhiệm và đạo đức hành nghề của nghề môi giới, mối quan hệ giữa nhà môi giới với các chủ thể... đang được Bộ Xây dựng tiếp tục nghiên cứu.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng chỉ ra thực tế, hiện nay môi giới đi thi chứng chỉ hành nghề rất tự do, luật không bắt buộc môi giới đi học, một số đơn vị chỉ tổ chức học một vài buổi là có bằng. Trong khi đó, mua bất động sản là mua bằng cả một tài sản lớn nên vai trò môi giới trong bất động sản rất quan trọng.
Do đó, cơ quan Nhà nước cần giám sát pháp luật trong việc thực thi, nhất là các môi giới độc lập, hiện nhóm môi giới độc lập rất nhiều nhưng không được quản lý chặt chẽ làm thất thu thuế nhà nước. Cụ thể, Hội môi giới bất động sản Việt Nam nên tham gia vào việc cấp chứng chỉ, mã số và công khai môi giới vi phạm. Các chủ đầu tư phải công bố toàn bộ thông tin, ngoài thông tin giao dịch nên công bố thông tin nhân viên được cấp chứng chỉ hành nghề...