meeyland app
Meey Land
Cổng thông tin bất động sản xác thực 4.0
Tải ứng dụng

Mất hàng tỷ USD doanh thu, lợi nhuận bị cắt giảm, Apple sắp tăng giá iPhone?

Thứ bảy, 09/07/2022-23:07
“Gã khổng lồ công nghệ” Apple đang mất hàng tỷ USD doanh thu, lợi nhuận bị cắt giảm do lạm phát và CEO Tim Cook đang phải đối mặt với câu chuyện có nên tăng giá iPhone không.

Hãng tin CNBC đưa tin, Apple đang phải đối mặt với đà tăng giá mạnh từ Logistic, chi phí nhân công cùng những rủi ro suy yếu nhu cầu tiêu dùng vì lạm phát. Tình hình có thể trở nên tồi tệ hơn khi tình hình đại dịch tại Trung Quốc sẽ khiến tập đoàn này phải đối mặt với tình huống đứt gãy chuỗi cung ứng và dẫn tới thiệt hại ước tính khoảng 8 tỷ USD doanh thu.

Trong tháng 5 vừa qua, tỷ lệ lạm phát ở Mỹ đã đạt mức cao nhất kể từ năm 1981, lên tới 8,6% so với cùng kỳ năm trước. Hàng loạt thị trường chủ chốt của Táo khuyết cũng có mức lạm phát tương tự, thậm chí cao hơn.

Đây chắc chắn là tín hiệu không mấy lạc quan cho “ông lớn” này. Bởi nếu nhu cầu tiêu dùng mạnh, các công ty có thể chuyển ảnh hưởng của lạm phát sang khách hàng bằng cách nâng giá sản phẩm. Thế nhưng, với nhiều dự đoán về suy giảm nhu cầu tiêu dùng như hiện nay thì cách nâng giá sản phẩm có thể gây tác dụng ngược.


CEO Tim Cook đang phải đau đầu trước bài toán có nên tăng giá iPhone hay không
CEO Tim Cook đang phải đau đầu trước bài toán có nên tăng giá iPhone hay không

Tại thị trường Mỹ, Apple vẫn chưa nâng giá iPhone nhưng với thị trường quốc tế thì mức giá của sản phẩm này lại biến động khá mạnh do đồng USD lên giá. Cụ thể như thị trường Nhật Bản, giá iPhone 13 tăng gần 20%.

Hãng tin CNBC nhận định Apple có thể cắt giảm bớt lợi nhuận để bù đắp vào các chi phí hiện nay nhằm giữ giá và duy trì nhu cầu tiêu dùng, qua đó  đảm bảo doanh số. Thế nhưng, cắt giảm lợi nhuận lại có thể khiến các nhà đầu tư lo lắng và các cổ đông sẽ không  hài lòng

"Chúng tôi đang chịu ảnh hưởng của lạm phát. Đó là nguyên nhân mà lợi nhuận quý vừa qua của Apple lại không như kỳ vọng", CEO Tim Cook thừa nhận sau báo cáo kết quả kinh doanh trong tháng 4/2022.

Tăng, tăng và tăng

CEO Tim Cook cho rằng lạm phát đã ảnh hưởng tới biên lợi nhuận gộp và chi phí hoạt động của Apple. Các số liệu đã chỉ ra biên lợi nhuận gộp của Apple trong quý I/2022 đạt 43,7% cao hơn so với dự đoán trước đó nhưng lại thấp hơn so với quý IV/2021. Giám đốc tài chính Luca Maestri của Apple còn cảnh báo con số này có thể còn xuống 42-43% trong quý II/2022.

Tương tự, chi phí hoạt động trong quý I/2022 của Apple lên đến 12,58 tỷ USD, cao hơn 19% so với cùng kỳ năm trước và con số này được dự đoán có thể đạt 12,8 tỷ USD vào quý tiếp theo. Nguyên nhân chính là giá xăng cùng lạm phát khiến chi phí vận tải, lưu kho bãi trở nên cao bất thường.

"Chi phí vận tải tăng cao là thách thức lớn cho hãng", CEO Tim Cook thừa nhận.


Lạm phát, đứt gãy nguồn cung là những yếu tố khiến biên lợi nhuận và chi phí hoạt động của Apple bị ảnh hưởng
Lạm phát, đứt gãy nguồn cung là những yếu tố khiến biên lợi nhuận và chi phí hoạt động của Apple bị ảnh hưởng

Ngoài ra, tình hình dịch bệnh ở Trung Quốc cũng làm gia tăng việc thiếu chip và các thiết bị đầu vào, nguyên liệu cần lắp ráp cho các nhà máy.

Bên cạnh những vấn đề trên, CEO Tim Cook còn phải đau đầu về vấn đề nhân lực. Hàng loạt đối thủ của Apple như Google, Amazon hay Microsoft đều đã tăng lương để thu hút nhân tài công nghệ từ Apple. Điều đó đã buộc Táo khuyết cũng phải nâng chi phí lương theo để giữ chân và đảm bản nhân sự có năng lực.

Điều đáng lo ngại hơn là tình trạng lạm phát có nguy cơ khiến doanh số của Apple giảm sút người tiêu dùng “thắt chặt chi tiêu” và sức mua suy yếu. Các mặt hàng thiết bị điện tử như iPhone không phải nhóm đồ nhu yếu phẩm và thường bị cắt giảm khi nền kinh tế rơi  vào suy thoái.

Điều đó cũng đồng nghĩa với việc những người đang sử dụng các dòng sản phẩm cũ của Apple hoặc của các hãng khác sẽ có ít nhu cầu mua mới trong năm nay, khiến doanh số  bán iPhone 14 vào tháng 9/2022 trở thành câu hỏi bỏ ngỏ.

"Mọi người sẽ cẩn trọng hơn và tạm hoãn việc mua sắm để chờ đợi xem tình hình tài chính như thế nào", chuyên gia kinh tế Jim Wilcox của trường đại học University of California Berkeley nhận định.

Apple vốn luôn có lượng khách hàng trung thành lớn và sẵn sàng chào đón các sản phẩm mới của hãng. Thế nhưng với đà lạm phát có xu hướng tăng, bất ổn kinh tế thì liệu các i-Fan có nâng cấp iPhone của họ nữa không đang trở nên khó dự đoán hơn. Đặc biệt khi mẫu iPhone 14 Pro và Pro Max đang bị đồn đoán sẽ tăng giá. Cụ thể, Apple được cho là sẽ nâng giá khởi điểm của hai phiên bản thuộc dòng iPhone Pro ra mắt tháng 9 so với thế hệ hiện tại. Thế hệ iPhone 14, dự kiến trình làng tháng 9, sẽ vẫn có bốn model, trong đó hai phiên bản thuộc dòng Pro được cho là sẽ nâng cấp mạnh về thiết kế, cấu hình và camera. Theo tài khoản LeaksApplePro, iPhone 14 bản tiêu chuẩn có giá không đổi là từ 799 USD. Apple sẽ khai tử phiên bản mini và thay bằng iPhone 14 Max với giá khởi điểm 899 USD.

"Apple có lượng lớn khách hàng trung thành nhưng vấn đề là họ dựa quá nhiều vào doanh số bán hàng, vốn phụ thuộc vào sức mua của người tiêu dùng. Nếu suy thoái kinh tế diễn ra thì chắc chắn mọi người sẽ tạm dừng các chi tiêu không thiết yếu như nâng cấp điện thoại", chuyên gia phân tích Toni Sacconaghi của Bernstein cảnh báo.


Liệu các i-Fan có tiếp tục ủng hộ?
Liệu các i-Fan có tiếp tục ủng hộ?

Tuy nhiên, bất chấp những khó khăn đó, Apple vẫn tự tin tuyên bố nhu cầu với các sản phẩm của hãng đang ở mức cao và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Vấn đề “đau đầu” nhất mà “ông lớn” này gặp phải là không có đủ nguồn cung để sản xuất kịp đáp ứng nhu cầu tiêu dùng.

Nhưng hãng tin CNBC lại cho rằng các sản phẩm của Apple đều thuộc phân khúc  cao cấp trên thị trường di động nên sẽ chưa bị ảnh hưởng ngay bởi lạm phát. Nhưng smartphone và laptop đang là những mảng kinh doanh có dấu hiệu giảm tốc đáng báo động.

Công ty Micron Technology chuyên cung cấp bộ nhớ cho các sản phẩm của Apple đã đưa ra cảnh báo doanh số bán smartphone và laptop sẽ thấp hơn so với các dự báo trước đó vì sức mua yếu khi lạm phát tăng cao. Tương tự, báo cáo của Counterpoint Research cho thấy doanh số của những thiết bị điện tử có giá 400 USD trở lên đã giảm 8% trong quý I/2022.

Báo cáo của Morgan Stanley vào tháng 6/2022 cho thấy 70% người tiêu dùng Mỹ có kế hoạch cắt giảm chi tiêu trong vòng 6 tháng tới vì lạm phát.

Các khách hàng đại gia

CNBC cho rằng Apple hoàn toàn có thể chấp nhận sự gia tăng chi phí bởi công ty đã tăng trưởng tốt trong 2 năm qua bất chấp ảnh hưởng của đại dịch. Thế nhưng, một yếu tố khác khiến Apple phải chống trọi chính là phân khúc khách hàng của họ.

Theo báo cáo của Counterpoint, có tới 66% doanh số sản phẩm điện tử có giá trên 1.000 USD là của Apple. Trong khi đó, khảo sát của Morgan Stanley cho thấy dù người dân sẽ tiết kiệm nhiều hơn nhưng phần lớn là tầng lớp trung lưu, bình dân. Đối với những người giàu hoặc có thu nhập cao, lạm phát hầu như không ảnh hưởng đến thói quen chi tiêu của họ.

"Những hộ gia đình có thu nhập hơn 150.000 USD/năm sẽ không bị ảnh hưởng nhiều bởi lạm phát, trong khi tầng lớp thu nhập trung bình và thấp mới phải cắt giảm chi tiêu nhiều", báo cáo của Morgan có ghi rõ.

Trên thực tế Apple đã nâng giá iPhone vài lần trong 5 năm qua. Vào năm 2017, hãng giới thiệu dòng sản phẩm xa xỉ iPhone với mức giá 1.000 USD, hướng tới giới nhà giàu mong muốn thiết bị xịn xò hơn hoặc những người muốn "thể hiện".

Năm 2020, Apple cũng lặng lẽ nâng giá iPhone 12, dòng sản phẩm bán chạy nhất khi đó từ 699 USD lên 799 USD.

Năm 2022, Apple đã bắt đầu tăng giá tại một số thị trường như Nhật Bản với lý do chênh lệch tỷ giá. Giá bán iPhone 13 tại đây đã tăng gần 20% lên 870 USD.

Vậy liệu với iPhone mới sắp ra lò vào tháng 9/2022 này, Apple có tăng giá? Đây vẫn là một câu hỏi đau đầu cho cả nhà đầu tư lẫn CEO Tim Cook.

Theo: Reatimes.vn
Copy link
Chia sẻ:

Cùng chủ đề

"Nhập cuộc" đường đua NOXH, Nam Định sắp có dự án hơn 900 tỷ đồng với 1.100 căn hộ

Đường Vành đai 2: TPHCM bồi thường theo giá đất mới, tối đa 111 triệu đồng/m2

Vì sao Long An thông báo dừng lựa chọn nhà đầu tư thực hiện 2 dự án NOXH?

Bình Dương: Khu dân cư nghìn tỷ sắp "hồi sinh" sau nhiều năm bị cơ quan chức năng "tuýt còi"

"Ông lớn" bán lẻ Nhật Bản rót 35 triệu USD xây TTTM tại Hà Nam

Hòa Bình: Khu đô thị Trung Minh chậm tiến độ, chủ đầu tư nợ gấp 31 lần vốn chủ

Toàn cảnh khu vực vừa được khởi công dự án xây cầu gần 2.200 tỷ

Hải Phòng: 1 dự án NOXH được phép bán 636 căn hộ, mở ra cơ hội an cư

Tin mới cập nhật

"Nhập cuộc" đường đua NOXH, Nam Định sắp có dự án hơn 900 tỷ đồng với 1.100 căn hộ

9 giờ trước

Thấy gì từ gần 26.000 sản phẩm tồn kho của doanh nghiệp bất động sản?

9 giờ trước

Thí điểm mở rộng đất xây dựng nhà ở thương mại: Tránh tạo cơ chế xin cho

9 giờ trước

Kết thúc đấu giá đất Hoài Đức: 2 lô đắt nhất 15 tỷ đồng/lô, gấp 14 lần khởi điểm

10 giờ trước

Công nghệ đang định hình tương lai cho người mua nhà lần đầu như thế nào?

1 ngày trước