Cuộc chiến giữa Apple và nhà chức trách toàn cầu được dự đoán khốc liệt
BÀI LIÊN QUAN
Thế giới Di động (MWG) đạt 1 tỷ USD, doanh thu chiếm nửa doanh thu toàn ngành Apple vào năm 2023Apple chính thức gia nhập thị trường mua trước trả sau, nhiều “ông lớn” lo lắngApple đối mặt với vụ kiện “cố tình” làm chậm iPhone, nguy cơ thiệt hại gần 1 tỷ USDVài tuần trước, Cục Thị trường và Cạnh tranh Anh (CMA) đã công bố báo cáo về hệ sinh thái di động của 2 “gã khổng lồ “ công nghệ là Apple và Google và chỉ ra 2 tập đoàn này đã tạo thế “lưỡng quyền” trên hệ sinh thái di động, cho phép họ kiểm soát thị trường đối với hệ điều hành, chợ ứng dụng, trình duyệt web.
Theo CMA, nếu không có bất kỳ sự can thiệp nào thì 2 “ông lớn” này sẽ tiếp tục duy trì và củng cố thêm gọng kìm của họ với lĩnh vực công nghệ. Từ đó cản trở cạnh tranh và hạn chế động lực của các nhà đổi mới.
Cục này đang muốn thông qua các quy trình pháp lý để có thể giải quyết hoặc “khắc phục” những giới hạn của Apple về trình duyệt di động trên iOS và iCloud trên App Store.
Giám đốc Quyền riêng tư Jane Harvath, đã đại diện cho Apple tham dự hội thảo của Cục Thị trường và Cạnh tranh Anh và đưa ra các thảo luận về tầm quan trọng của quyền riêng tư của người dùng trong bối cảnh cạnh tranh. Bà Harvath cũng đưa ra các ví dụ cho thấy quyền riêng tư được ưu tiên như thế nào khi công ty này phát triển ứng dụng Health và Apple Watch, cũng như hành trình ra đời của tính năng minh bạch theo dõi quảng cáo (App Tracking Transparency).
Giáo sư Luật cạnh tranh Damien Geradin đến từ Đại học Tilburg trao đổi về sự cân bằng và hiểu biết cần có khi thi hành luật cạnh tranh. Liên hệ đến nghiên cứu gần đây của CMA, ông cho rằng Apple thường dùng quyền riêng tư và bảo mật làm cái cớ biện minh cho tình trạng hiện nay và chống lại sự can thiệp của quy định, ngay cả khi cần thiết.
Giáo sư Damien Geradin giải thích các công ty có quyền bảo vệ chất lượng nền tảng của mình, song có thể “vượt lằn ranh” khi có xung đột lợi ích. Ông kết luận, nhà chức trách cần phải “phân biệt giữa các tuyên bố bảo mật và quyền riêng tư hợp pháp với các tuyên bố khoa trương”.
Ông còn đưa ra các dự đoán về tranh chấp giữa doanh nghiệp và nhà chức trách trong các năm tiếp theo khi cơ quan quản lý khắp thế giới chuẩn bị thực thi các quy định chưa từng có đối với các hãng công nghệ lớn. Ông nghi ngờ việc có sự hợp tác hòa thuận giữa nhà chức trách và công ty. Ông gọi đây là “cuộc chiến khốc liệt”.
Chính phủ toàn cầu, bao gồm Mỹ, Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU, ngày một để ý đến hệ sinh thái của Apple hơn. Họ muốn khám phá các yêu cầu xoay quanh những vấn đề cạnh tranh như chính sách chợ ứng dụng, tải ứng dụng, tính liên thông…
Mặc dù các lùm xùm “bủa vây”, Apple mới đây đã chạm mốc thị phần smartphone cao nhất kể từ quý I/2017, theo báo cáo thị trường smartphone cao cấp thế giới quý I của hãng nghiên cứu Counterpoint.
Đây là quý thứ 2 liên tiếp thị phần phân khúc cao cấp của “táo khuyết” vượt 60%, phần lớn nhờ dòng sản phẩm iPhone 13. Ở chiều ngược lại, đối thủ lớn của Apple là Samsung lại đang chứng kiến đà sụt giảm do thời điểm ra mắt Galaxy S22 lùi lại. Tuy nhiên, dòng S22 lại bán tốt hơn. Cụ thể, Galaxy S22 Ultra là smartphone Android cao cấp bán chạy nhất ba tháng đầu năm nay nhờ kết hợp những tính năng tốt nhất của dòng S và dòng Note. Nối tiếp sau đó là các hãng Oppo, Xiaomi và Vivo.