meeyland app
Meey Land
Cổng thông tin bất động sản xác thực 4.0
Tải ứng dụng

Mặt bằng cho thuê trên phố lớn Sài Gòn vẫn “hẩm hiu” hậu Covid - 19

Chủ nhật, 20/03/2022-20:03
Việt Nam đã trải qua gần một năm trong trạng thái bình thường mới. Tuy nhiên loại hình mặt bằng kinh doanh, kiot cho thuê vẫn trong tình trạng yên ắng. Đặc biệt, tại nhiều mặt phố lớn trong TP. Hồ Chí Minh vẫn ghi nhận tình trạng bỏ trống, vắng khách dù giá thuê đã được giảm khá nhiều. 

Đồng loạt giảm giá thuê

Hậu Covid - 19, rất nhiều hoạt động kinh doanh, sản xuất được mở trở lại kéo theo nhu cầu về bất động sản cũng tăng cao. Có thể kể đến các loại hình như căn hộ cho thuê, nhà trọ, văn phòng cho thuê đều đang có lượng giao dịch rất sôi động. Tuy nhiên, mặt bằng kinh doanh trên phố vẫn rơi vào trạng thái im ắng. Theo khảo sát mới đây, tại khu vực được coi là “đất vàng” trên trục đường Nguyễn Huệ (Quận 1, TP. Hồ Chí Minh) đang có rất nhiều mặt bằng bị bỏ trống. 

Anh Minh - Chủ một mặt bằng tại đây cho biết, mặt bằng của anh có diện tích 4x16m gồm 1 trệt, 2 lầu, hiện đang rao cho thuê với mức giá 11.000 USD/ tháng. “Trước đó, cửa hàng tôi thường cho thuê ở mức 14.000 - 15.000 USD/ tháng sau đó phải đóng cửa do dịch bệnh. Hiện nay, giá thuê đã giảm sâu nhưng khách hàng vẫn chưa có nhu cầu”. 

Một cửa hàng khác cùng khu vực có diện tích 4x30m đang được rao cho thuê với giá 12.000 USD/ tháng. Chủ mặt bằng cho biết, trước dịch đang có một công ty thuê tuy nhiên đã trả mặt bằng vì ảnh hưởng từ dịch bệnh. Sau đó, căn nhà bị bỏ trống hơn một năm nay, hầu như không có khách hỏi mặc dù tuyến đường Nguyễn Huệ này trước đây kinh doanh rất sầm uất. 


Nhiều mặt bằng trên phố lớn đều không có khách thuê
Nhiều mặt bằng trên phố lớn đều không có khách thuê

Dọc theo phố Lý Tự Trọng (Quận 1, gần chợ Bến Thành) cũng có nhiều mặt bằng đang treo biển cho thuê. Hầu hết đều có diện tích 4x20m gồm 1 trệt và 2 - 3 tầng nhưng đều chung tình trạng bỏ không. Được biết, giá thuê trung bình khu vực này từ 6.000 - 7.000 USD/ tháng. Tương tự, một số căn tại trục đường Lê Thánh Tôn, Nguyễn Du, Hai Bà Trưng,... và nhiều địa điểm kinh doanh trước kia luôn được nhiều người hỏi thuê thì nay cũng trong trạng thái ế ẩm. 

Tại phố Tây Bùi Viện, rất nhiều căn nhà đều đóng cửa và treo biển cho thuê. Chủ mặt bằng tại vị trí ngay ngã tư cho biết, căn nhà này có diện tích mặt sàn 160m2 với hai tầng hiện đã giảm giá thuê xuống mức 120 triệu đồng/ tháng. Tuy nhiên, suốt một năm nay chưa có người vào thuê. Tình trạng kinh doanh luôn ế ẩm trong thời gian dài nên các cửa hàng đều phải đóng cửa, nhất là với mô hình kinh doanh spa, nhà hàng ăn uống,...

Chị Ngọc - Chủ một chuỗi cơ sở kinh doanh spa tại trung tâm TP. Hồ Chí Minh cho biết, doanh thu của cửa hàng hầu như đều từ khách du lịch Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc,... Hiện nay, tuy đã mở cửa du lịch quốc tế những vẫn chưa có khách nên công việc của chị vẫn rất khó khăn. “Tháng nào gom đủ trả tiền thuê mặt bằng là tốt lắm rồi, duy trì được tháng nào thì hay tháng đó. Đến lúc không gồng nổi thì phải trả mặt bằng” - chị Ngọc nói. 

Theo anh Hùng - Chủ một cửa hàng kinh doanh thực phẩm trên đường Mạng Tháng Tám (Quận 1), tình hình kinh doanh trì trệ do bị ảnh hưởng bởi Covid - 19, thói quen tiêu dùng của người dân cũng thay đổi trong thời gian qua. Thay vì mua sắm trực tiếp tại cửa hàng như trước đây thì nay khách hàng lựa chọn mua sắm online trên các trang điện tử. 

Vì vậy, hiện anh Hùng đã đóng cửa nhiều chi nhánh, chỉ duy trì một cửa hàng để làm nơi trưng bày sản phẩm nhằm cắt giảm chi phí mặt bằng. Đồng thời, mô hình kinh doanh cũng được chuyển sang trực tuyến, thuê thêm shipper và trả phí chạy quảng cáo trên các trang mạng. 

Thói quen tiêu dùng thay đổi

Ông Hoàng Kim Hoài - Tổng giám đốc Phúc Điền Land cho biết, nhiều mặt bằng tại khu vực Quận 1 hiện nay bị để trống vì chịu ảnh hưởng từ Covid - 19. Các cửa hàng cũng đang tìm cách thích ứng với mô hình kinh doanh online nên những mặt bằng đẹp không còn là sự lựa chọn ưu tiên. Hơn nữa, khách thuê đang có xu hướng dịch chuyển ra ngoài quận trung tâm TP. Hồ Chí Minh để tránh chi phí ăn mòn lợi nhuận.

Theo đánh giá từ Savills Việt Nam, hơn hai năm qua, mô hình thương mại điện tử phát triển rất mạnh mẽ, các doanh nghiệp cũng phải nắm bắt xu hướng để phát triển trên các kênh trực tuyến và giảm quy mô cửa hàng vật lý. Một số doanh nghiệp ngành ẩm thực đã đón đầu xu hướng này rất tốt như Starbucks, The Coffee House, Phúc Long,... đã đóng cửa một số chi nhánh của mình.

Bà Võ Thị Khánh Trang - Phó giám đốc bộ phận nghiên cứu Savills TP. Hồ Chí Minh nhận định, trong thời gian tới, thị trường nhà phố cho thuê còn phải đối mặt với việc trả hoặc giảm diện tích thuê. Chủ nhà sẽ rơi vào thế bị động khi liên tục phải tìm kiếm khách hàng mới. 

Khách thuê sẽ chiếm ưu thế hơn vì có nhiều lựa chọn về nơi thuê hay hiện tại xu hướng đã thay đổi thói quen tiêu dùng của khách hàng. Nhiều chủ cửa hàng sẽ lựa chọn thuê mặt bằng tại trung tâm thương mại hoặc mở rộng tiếp thị và bán hàng online.  Bà Hoàng Nguyệt Minh - Giám đốc Cho thuê Thương mại Savills Hà Nội lại cảnh báo rằng, các sàn thương mại điện tử trong vài năm tới sẽ không thể thay thế hoàn toàn cửa hàng mặt phố. Tuy nhiên các doanh nghiệp sẽ giảm thiểu các mặt bằng kinh doanh của mình.


Xu hướng thuê mặt bằng trong các trung tâm thương mại tăng mạnh
Xu hướng thuê mặt bằng trong các trung tâm thương mại tăng mạnh

Dự kiến, trong giai đoạn quý IV/2021 đến quý II/2022, nhu cầu thuê mặt bằng bán lẻ sẽ tập trung chủ yếu vào phân khúc trung và cao cấp. Các nhóm chính sẽ là mặt bằng nhà hàng, quán ăn, quán cafe, cửa hàng giới thiệu, quảng bá và cung cấp mẫu thử sản phẩm, cửa hàng thời trang của nước ngoài, mặt bằng cho các hoạt động vui chơi, giải trí, cửa hàng các sản phẩm mẹ và bé. 

Bà Minh khuyến nghị, thời gian này, các chủ mặt bằng cần điều chỉnh giá thuê và phương thức thanh toán. Giá thuê có thể giảm khoảng 20 -30% vào năm đầu hậu Covid - 19 sau đó bù lại vào các năm tiếp theo để giảm tải áp lực tài chính cho các đơn vị kinh doanh. Một số ưu đãi như miễn phí bãi đỗ xe, tặng biển hiệu quảng cáo cũng là yếu tố thu hút khách thuê và cạnh tranh với các mặt bằng khác. Trong một năm tới, thị trường bán lẻ có thể sẽ khôi phục lại nhờ sức hút từ các thương hiệu nước ngoài sắp tới Việt Nam. 

Theo: Reatimes.vn
Copy link
Chia sẻ:

Cùng chủ đề

Đất DHT là gì? Người dân có nên đầu tư vào đất DHT hay không?

Chung cư tiếp tục dẫn đầu giao dịch trên thị trường bất động sản

Ồ ạt bỏ cọc sau khi trúng giá cao: Chuyên gia đề xuất "thuốc đặc trị"

Đưa tình trạng ngập úng vào tiêu chí định giá đất: Một số “khu nhà giàu” có trở nên bớt "nóng"?

“Tắc” hồ sơ đất đai: Ai sẽ chịu trách nhiệm?

Đất TSC là gì? Đất TSC có được cấp sổ đỏ hay không?

Đất RSX là gì? Điểm đặc biệt trong quy định sử dụng đất RSX

Thanh khoản bất động sản nghỉ dưỡng tiếp tục chạm đáy trong tháng 8

Tin mới cập nhật

Thanh Hóa ra "tối hậu thư", yêu cầu khởi công TTTM Aeon Mall trước ngày 10/10

11 giờ trước

Tòa nhà chọc trời cao tầng nhất TP. HCM "soán ngôi" Landmark 81: Tựa cây tre vươn dài và sở hữu một khu rừng lơ lửng trên không

11 giờ trước

Tập đoàn của ông Donald Trump muốn "rót vốn" đầu tư khách sạn, sân golf tại Hưng Yên

11 giờ trước

16 năm mới hoàn thành một nửa, lần gia hạn thứ 7 liệu có xong trục đường phía Nam Hà Nội

11 giờ trước

Ngôi nhà 3,5 tầng ở Hà Nội không có giếng trời vẫn ngập tràn ánh sáng

11 giờ trước