Lạm phát cả năm 2022 liệu có thể giữ được ở mức 3,8%?
BÀI LIÊN QUAN
Nhiều quốc gia loay hoay trước khủng hoảng chi phí sinh hoạtTrước vòng vây lạm phát, ngành nào vẫn sống khoẻ và ngành nào đang "hấp hối"?Ba điều bí ẩn có thể làm đảo lộn mọi dự báo về lạm phát tại MỹTheo VnEconomy, số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, lạm phát tháng 6 của năm 2022 tăng 0,69% so với tháng trước và tăng 3,18% so với tháng 12 năm 2021. Chỉ số CPI bình quân lũy kế trong 6 tháng đầu năm là 2,44% so với năm 2021 và thấp hơn so với mục tiêu 4% mà Chính phủ đặt ra.
Các yếu tố tác động chính tới CPI tháng 6 bao gồm: Giá xăng tháng 6 tăng 8,23% so với tháng trước, dầu diezen tăng 8,5% do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá xăng dầu theo giá nhiên liệu thế giới vào các ngày 1/6/2022, 13/6/2022 và 21/6/2022 khiến giá nhóm giao thông tiếp tục tăng 3,62% làm CPI chung tăng 0,35 điểm phần trăm.
Giá thịt lợn tăng nhẹ 0,87%, gia cầm tăng 1,1% và hải sản tăng 0,2% vì giá thức ăn chăn nuôi và giá cước vận chuyển liên tục tăng, khiến cho nhóm thực phẩm tăng 0,98% làm CPI chung tăng 0,21 điểm phần trăm.
KBSV ước tính CPI trong tháng 7 tăng lên khoảng 0,6-0,7% so với tháng 6 và giữ nguyên dự báo CPI bình quân cả năm 2022 sẽ tiếp tục duy trì ở mức 3,8%. Giá xăng, dầu trong nước trong ngắn hạn dự báo sẽ tăng do 50% lượng tiêu thụ xăng dầu trong nước ước tính khoảng 11 triệu tấn/năm phụ thuộc vào nguồn xăng dầu nhập khẩu, trong khi đó giá dầu thế giới đã tăng lên trên 100 USD/thùng và dự báo sẽ vẫn neo cao, ít có khả năng giảm bởi tình hình căng thẳng địa chính trị giữa Nga - Ukraine vẫn chưa ngã ngũ và nhu cầu tiêu thụ dầu được dự báo tăng cao khi Trung Quốc dần mở cửa trở lại.
Bên cạnh đó, Quỹ Bình ổn xăng dầu (BOG) đã âm nên dư địa để Bộ Công thương có thể tiếp tục bình ổn giá không còn nữa. Cụ thể, theo Bộ Tài chính, số dư Quỹ Bình ổn xăng dầu (BOG) khi hết quý I năm 2022 đã âm hơn 169 tỷ đồng.
Nhiều doanh nghiệp xăng dầu cũng đã âm nặng quỹ bình ổn, như hai doanh nghiệp chiếm thị phần xăng dầu lớn nhất là Petrolimex và PV Oil đã âm tới 1.100 tỷ đồng vào cuối tháng 5 năm 2022.
Bộ Tài chính có đề xuất giảm tiếp thuế bảo vệ môi trường 1.000 đồng/lít xăng nhưng dự kiến đến tháng 8 mới có hiệu lực và 30% thuế/giá bán xăng trong nước đến từ các sắc thuế khác, gồm thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng sẽ không có sự điều chỉnh giảm trong thời gian tới.
Tuy vậy, việc giá thịt heo luôn duy trì ở mức ổn định quanh 60.000 đồng/kg sẽ giúp kìm hãm đà tăng mạnh của chỉ số CPI, khi cung heo hơi vẫn duy trì ổn định, ước tính chỉ số CPI tháng 7 của nhóm ăn uống và thực phẩm sẽ tăng ở mức 0,6% so với tháng 6.
Thêm vào đó, mặt bằng giá thép và nguyên vật liệu xây dựng được dự báo sẽ giảm nhẹ, do giá nguyên vật liệu đầu vào giảm mạnh, cùng nhu cầu tiêu thụ thép nội địa đang còn hạn chế khi giải ngân đầu tư công lũy kế 6 tháng đầu năm chỉ đạt được 35% kế hoạch đề ra. CPI tháng 7 ước tính sẽ tăng khoảng 0,6-0,7% so với tháng 6.
Trong năm 2022, KBSV dự báo giá thịt lợn có thể tăng lên mức từ 60.000-70.000 đồng/kg với nhu cầu ăn uống ổn định, trong khi nguồn cung thịt lợn giảm do tỷ lệ tái đàn đầu năm ở mức thấp khi các yếu tố liên quan tới dịch tả lợn, giá cám cao, giá vận chuyển tăng cùng giá lợn thấp đã có tác động tiêu cực tới tâm lý của các hộ chăn nuôi. Dù thế, giá thịt lợn khó có thể về mốc đỉnh của năm 2020 nhờ việc Chính phủ luôn ưu tiên tăng cường nguồn cung trong nước.
Theo đó, KBVS vẫn giữ nguyên dự báo CPI bình quân cả năm 2022 sẽ tiếp tục duy trì ở mức 3,8%.