Lãi suất vay ngân hàng tăng vì “nước lên thuyền lên”
BÀI LIÊN QUAN
Cuộc đua lãi suất tại các ngân hàng: Cú sốc tiếp theo đối với thị trường BĐS?Ngân hàng Nhà nước nói gì về áp lực tỷ giá, lạm phát và lãi suất?Nghịch lý: Lãi suất tăng, cơ hội mua nhà cho nhiều ngườiNgười vay “lao đao” với mức lãi suất cao
Theo tuoitre.vn, trong 3 tháng gần đây, chị Hằng, nhân viên truyền thông tại TP Hồ Chí Minh liên tiếp nhận được thông báo tăng lãi suất từ hơn 11% lên 13,5%/năm cho khoản vay trả góp căn nhà đã mua từ trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Với lý do ngân hàng đưa ra là từ cuối tháng 9, biểu lãi suất huy động khách hàng cá nhân tăng vì vậy các khoản cho vay cá nhân cũng tăng lên tương ứng. Như vậy, với khoản vay tiền tỷ, mỗi tháng chị Hằng sẽ phải trả thêm tiền lãi cả triệu đồng.
Còn đối với chị Anh và chồng, sống tại Đống Đa, Hà Nội thậm chí chưa thể tìm được cửa vay ngân hàng để mua ô tô trả góp. Trước đây, các khoản vay mua ô tô sẽ được nhân viên bán hàng giới thiệu để ngân hàng liên kết hỗ trợ làm thủ tục vay vốn và giải ngân, nhưng trong bối cảnh “room” tín dụng còn ít, chính sách này đã bị nhiều ngân hàng cắt bỏ. Do đó, chị Anh và chồng phải tự đi tìm ngân hàng để vay vốn. Tìm được ngân hàng cho vay đã vất vả, nay còn phải đối mặt với mức lãi suất cho vay tăng. Bởi hầu hết các ngân hàng hiện nay không áp dụng chương trình hỗ trợ lãi suất cố định, khách hàng phải chịu mức lãi suất thả nổi ngay từ năm đầu tiên.
“Lãi suất đầu vào tăng cao khiến ngân hàng không thể áp dụng chính sách ưu đãi như trước. Khách muốn vay buộc phải chấp nhận mức lãi suất thả nổi với biên độ 4%/năm. Thậm chí, phía nhân viên ngân hàng còn cho biết nếu không đồng ý vay sớm, khi room tín dụng hết, có trả lãi suất cao hơn nữa ngân hàng cũng không thể giải ngân”, chị Anh cho biết.
Không chỉ các khoản vay cá nhân mà những khoản vay của doanh nghiệp nhằm phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh cũng chịu xu hướng tăng lãi suất cho vay.
Giám đốc một doanh nghiệp vận tải có trụ sở tại Hà Nội cho biết, so với đầu năm lãi suất vay của công ty ông đã tăng 2,5% so với đầu năm. "Với khoản vay gần 2.000 tỷ đồng, mỗi năm, công ty tôi phải trả thêm khoản tiền lãi hơn 50 tỷ đồng so với trước", ông tính toán.
Trong khi đó, chi phí ngày một tăng, ngành logistics lại bị ảnh hưởng vì xuất nhập khẩu vẫn khá trầm lắng, buộc công ty phải tính đến phương án giảm quy mô vốn vay để nhẹ áp lực.
Theo tìm hiểu, mặt bằng lãi suất cho vay tại nhiều ngân hàng đã tăng mạnh trong khoảng 1 tháng trở lại đây. Đặc biệt là các khoản cho vay cá nhân và cho vay doanh nghiệp ngoài lĩnh vực được ưu tiên. Hiện các khoản cho vay cá nhân mua nhà, mua xe có lãi suất thả nổi hiện đã tăng xấp xỉ 1 - 1,5 điểm phần trăm so với đầu năm, nếu vay ở ngân hàng quốc doanh khách hàng sẽ phải chịu mức lãi suất phổ biến ở mức gần 10%/năm còn nếu vay tại nhóm ngân hàng tư nhân thì mức lãi suất phổ biến ở mức 12%/năm.
Đối với các khoản vay phục vụ mục đích kinh doanh, có tài sản đảm bảo, hiện nay các ngân hàng chỉ chấp nhận giải ngân với mức lãi suất 8 - 10%/năm, cao hơn 1 - 2 điểm phần trăm so với mức lãi suất cuối năm 2021.
Tại một số ngân hàng đã dừng chương trình ưu đãi lãi suất năm đầu. Tại BIDV, lãi suất khoản vay mới trong năm đầu tăng từ 7% lên 9,5%, tương đương với mức lãi suất thả nổi tại nhà băng này. Tại TPBank, khi vay mua xe khách hàng phải chịu lãi suất thả nổi ngay từ năm đầu tiên với mức 13,3%, bằng biên độ 4,1% cộng với lãi suất cơ sở 9,2%/năm.
Tại các ngân hàng có vốn nước ngoài thường có mức lãi suất cho vay ưu đãi nhất thị trường nay cũng đã rục rịch tăng lãi suất. Tại Shinhan Bank, mức lãi suất cho vay đã tăng lên 8,9% trong 3 năm đầu, các năm sau thả nổi lãi suất vay khoảng 10,5 - 11% mỗi năm. Thời điểm này vào năm ngoái, Shinhan Bank cho vay khách hàng cá nhân với mức lãi suất chỉ 5,5 - 9%/năm, tùy từng chương trình.
Đối với khách vay cũ đang áp dụng mức lãi suất thả nổi (biên độ 3,5 - 4% so với lãi suất cơ sở). Trong nhóm top 10 ngân hàng tư nhân, mức lãi suất cho vay dao động 12,5 - 13,5%/năm. Ở nhóm ngân hàng nhỏ, mức lãi suất cho vay thậm chí còn cao hơn.
Nguyên nhân khiến lãi suất cho vay tăng
Lãnh đạo một ngân hàng thương mại cho biết: “Những khoản vay cá nhân mua nhà, xe áp dụng lãi suất thả nổi tăng thời gian qua hoàn toàn là tăng cơ học”.
Cụ thể, với các khoản vay cá nhân đã hết thời gian áp dụng lãi suất cố định và chuyển sang hình thức lãi suất thả nổi, khi lãi suất huy động (đầu vào) tăng lên thì lãi suất cho vay sẽ tự động tăng theo tương ứng.
Đối với các khoản vay mới, các ngân hàng vẫn áp dụng mức lãi suất cố định trong tối đa một năm đầu tiên, tuy nhiên với mức lãi suất huy động cao như hiện nay nay thì mức lãi suất cho vay ưu đãi này cũng đã tăng 1 - 2 điểm phần trăm so với trước đó.
Vị lãnh đạo này cũng thừa nhận các khoản vay phục vụ mục đích tiêu dùng, các khoản cho vay với doanh nghiệp sản xuất ngoài lĩnh vực ưu tiên cũng đã tăng trong thời gian gần đây. Mức tăng này tại mỗi ngân hàng là khác nhau và vẫn thấp hơn nhiều so với đà tăng của lãi suất huy động đầu vào. “Các ngân hàng đều đang phải hy sinh một phần NIM để hỗ trợ khách hàng vay vốn”, ông nói.
Các chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh lãi suất huy động đã tăng mạnh từ đầu năm, lãi suất cho vay chịu sức ép tăng cũng là điều dễ hiểu. Đồng thời, lãi suất vay mượn giữa các ngân hàng cũng liên tục tăng từ tháng 6 đến nay. Thậm chí, đầu tháng 10 mức lãi suất này có lúc vượt 10%, đây là mức cao nhất kể từ năm 2012 do thanh khoản trên hệ thống gặp nhiều áp lực.
Vì vậy, những ngân hàng trước đây huy động được nguồn vốn giá rẻ nhiều thì mức tăng lãi suất cho vay sẽ thấp hơn, còn những ngân hàng có tốc độ quay vòng vốn nhanh, nguồn vốn giá rẻ đầu vào huy động những năm trước đã sử dụng hết, phải huy động vốn đầu vào với lãi suất cao từ đầu năm thì lãi suất cho vay sẽ tăng cao hơn.
Dự báo từ lãnh đạo các ngân hàng cho thấy lãi suất cho vay trong thời gian tới khó hạ nhiệt và sẽ phụ thuộc nhiều vào thanh khoản, đặc biệt là diễn biến giải ngân đầu tư công. Tiền hút vào nhiều thông qua trái phiếu Chính phủ, thu ngân sách vượt kế hoạch trong khi giải ngân đầu tư công chậm khiến thị trường khan tiền, áp lực lên lãi suất cho vay.
Theo Chứng khoán SSI, trong bối cảnh hiện nay, lãi suất huy động và lãi suất cho vay đang chịu áp lực rất lớn. Còn các ngân hàng thương mại và doanh nghiệp đều gặp khó khăn trong việc cung ứng và tiếp cận nguồn vốn để phục vụ nhu cầu của mình.
TS Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, cho rằng doanh nghiệp buộc phải chấp nhận thực tế là khi lãi suất đầu vào tăng, đương nhiên lãi suất cho vay được đẩy lên theo. "Tăng lãi suất thì doanh nghiệp gay lắm. Lãi suất tăng không phải là mong muốn của cơ quan quản lý nhưng trong bối cảnh sức ép kiểm soát lạm phát, việc giải bài toán tỉ giá không hề đơn giản", ông Lực nói.
Khó kìm đà tăng lãi suất cho vay
TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho biết, thời gian qua các ngân hàng thương mại liên tục tăng lãi suất huy động đã khiến lãi suất cho vay tăng theo. Mặc dù mức tăng của lãi suất cho vay vẫn thấp hơn tốc độ tăng của lãi suất huy động.
Điều này xảy ra là do lãi suất cho vay luôn có độ trễ so với lãi suất huy động. Bên cạnh đó, lãi suất đầu vào của ngân hàng được cấu thành từ nhiều nguồn khác nhau chứ không chỉ đến từ nguồn vốn huy động từ cư dân, do đó khi lãi suất huy động tăng 1 - 2 điểm phần trăm không có nghĩa là lãi suất cho vay cũng sẽ tăng tương ứng.
Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ cũng quyết tâm giữ ổn định mức lãi suất cho vay để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế cũng sẽ góp phần kìm hãm đà tăng của lãi suất cho vay. Tuy nhiên, trong báo cáo vừa được gửi đến Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết việc giảm lãi suất cho vay theo chỉ đạo của Quốc hội trong thời gian tới sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức do các diễn biến lạm phát, tỷ giá, các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới tiếp tục đẩy nhanh tiến trình thắt chặt chính sách tiền tệ, điều chỉnh tăng lãi suất nhanh và mạnh.
Lạm phát trong nước và nước ngoài có xu hướng gia tăng ảnh hưởng tới việc điều hành lãi suất cho vay. Tình trạng tăng giá của nguyên vật liệu thế giới và chi phí vận chuyển, trong khi đó, nguồn cung gián đoạn và tác động trễ của chính sách tiền tệ, tài khóa nới lỏng từ năm 2020 sẽ tạo áp lực lớn cho lạm phát. Ngoài ra, tỷ giá USD/VND gia tăng cũng đang gây sức ép lên lãi suất tiền đồng.
Để kìm đà tăng của lãi suất cho vay, các chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán VNDirect đề xuất đẩy mạnh triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2%/năm cho doanh nghiệp. Bởi gói cho vay cấp bù lãi suất 2%/năm có quy mô lên tới 40.000 tỷ đồng, đối tượng được hưởng là các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh với khoảng 10 nhóm ngành chính được hỗ trợ. Tuy nhiên, hiện gói hỗ trợ này mới chỉ được giải nhân được vài chục tỷ đồng tương đương tỷ lệ rất nhỏ so với kế hoạch giải ngân trong năm nay.
“Cần triển khai nhanh hơn gói hỗ trợ lãi suất 2%/năm cho doanh nghiệp để góp phần kìm đà tăng của lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp. Điều này rất cần thiết trong bối cảnh lãi suất điều hành và lãi suất tiền gửi có thể tiếp tục tăng cao hơn trong những tháng tới, gây sức ép lên mặt bằng lãi suất cho vay”, VNDirect nhấn mạnh.
Nếu được triển khai tốt, gói cấp bù lãi suất 2%/năm có thể giúp giảm lãi suất cho vay trung bình 0,2-0,4 điểm phần trăm và bù đắp phần nào việc tăng lãi suất cho vay do sức ép từ việc tăng lãi suất huy động.