Khu kinh tế Vân Phong thu hút hàng loạt "ông lớn" tới đầu tư
BÀI LIÊN QUAN
Đề xuất đầu tư hơn 11.000 tỷ đồng dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma ThuộtKhánh Hòa quyết tâm phát triển Khu kinh tế Vân Phong trở thành "trung tâm dịch vụ, du lịch biển quốc tế"Kinh tế biển là nền tảng của Khu kinh tế Vân Phong13 doanh nghiệp muốn đầu tư
Theo kinhtedothi.vn, dự kiến từ ngày 7 - 15/2, Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Phong sẽ làm việc với 8 nhà đầu tư đề xuất dự án tại khu vực Nam Vân Phong và các khu công nghiệp như Công ty Stanvian hóa chất, Công ty CP Dầu khí Đông Phương, Công ty CP Trung Nam về dự án hóa dầu, năng lượng, công nghiệp, Công ty Stavian Land…
Các Tổng Công ty Becamex IDC, Công ty CP Sonadezi, Công ty CP SSI, Công ty CP Trung Nam, Công ty CP Sinnec sẽ làm việc về các dự án đầu tư phát triển khu công nghiệp. Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn sẽ làm việc về đầu tư xây dựng cảng biển.
Tại khu vực Bắc Vân Phong, Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Phong sẽ làm việc với 5 doanh nghiệp gồm Công ty CP Đầu tư Đất Tâm, Tập đoàn Novaland, Công ty CP Flamingo Holding Group, Công ty CP FPT về các dự án thuộc lĩnh vực đô thị, du lịch. Tập đoàn Sungroup sẽ làm việc liên quan đến các dự án thuộc lĩnh vực du lịch, dịch vụ, sân bay, cảng biển…
Tại buổi làm việc giữa các doanh nghiệp và Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Phong, các nhà đầu tư có trách nhiệm giới thiệu tổng quan dự án, quy mô dự án, quy mô sử dụng đất, dự kiến tổng vốn dự án. Sơ bộ đánh giá về tác động, ảnh hưởng môi trường của dự án; hiệu quả kinh tế xã hội của dự án. Thông qua việc tiếp xúc các nhà đầu tư có đề xuất các dự án thuộc diện ưu tiên trong Khu kinh tế Vân Phong nhằm nắm bắt nhu cầu đầu tư của các nhà đầu tư để nghiên cứu trong quá trình lập quy hoạch phân khúc các khu chức năng tại Khu kinh tế Vân Phong và các khu công nghiệp trên địa bàn.
Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Phong thu thập các thông tin để có cơ sở tham mưu xây dựng danh mục các dự án ưu tiên thu hút vào Khu kinh tế Vân Phong vừa phù hợp với định hướng đã được Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVIII thông qua tại Nghị quyết số 25-NQ/TU ngày 30/9/2022 vừa phù hợp với nhu cầu thực tế của các nhà đầu tư để phát huy hết tiềm năng của Khu kinh tế Vân Phong.
Về việc xúc tiến đầu tư tại Khánh Hòa, UBND tỉnh Khánh Hòa đã có văn bản gửi Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc tổ chức Hội nghị Công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư để công bố các quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; giới thiệu và xúc tiến kêu gọi đầu tư các dự án trọng điểm của tỉnh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Theo Nghị quyết số 55/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội, dự kiến trong giai đoạn 2023 - 2024 thu hút 27 dự án đầu tư vào Khu kinh tế Vân Phong; trong giai đoạn 2024 - 2025 ưu tiên thu hút thêm 10 dự án.
Khu kinh tế trọng điểm của khu vực
Khu kinh tế Vân Phong có tổng diện tích khoảng 150.000 ha, đây là trung tâm kinh tế của tỉnh Khánh Hòa. Khu kinh tế có vai trò thu hút đầu tư và là động lực phát triển kinh tế cho các vùng lân cận và toàn quốc.
Đến nay, Khu kinh tế Vân Phong đã thu hút 155 dự án đầu tư. Trong đó, có 125 dự án trong nước và 30 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký khoảng 4,2 tỷ USD. Tổng vốn đầu tư nước ngoài khoảng hơn 2,9 tỷ USD.
Đà có 98/155 dự án đầu tư tại Khu kinh tế Vân Phong đã đi vào hoạt động, trong đó có một số dự án lớn, hoạt động hiệu quả như Nhà máy đóng tàu Hyundai Việt Nam, vốn đầu tư hơn 350 triệu USD, tạo việc làm cho hơn 4.000 lao động, thực hiện xuất khẩu chiếm hơn 40% kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Khánh Hòa.
Trong năm 2022, Khu kinh tế Vân Phong có doanh thu đạt khoảng 480 triệu USD; nhập khẩu đạt khoảng 920 triệu USD; xuất khẩu đạt khoảng 399 triệu USD; nộp ngân sách khoảng 2.601 tỷ đồng (nộp ngân sách từ hoạt động trung chuyển xăng dầu khoảng 1.3411 tỷ đồng). Khu kinh tế Vân Phong đã giải quyết việc làm cho 12.010 lao động.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, Khu kinh tế Vân Phong sở hữu hai ưu điểm thu hút đầu tư đó là du lịch, dịch vụ hậu cần cảng biển, logistics. Tỉnh Khánh Hòa đã làm việc với nhiều nhà đầu tư tới nghiên cứu cơ hội đầu tư vào Khu kinh tế Vân Phong ở những lĩnh vực như cảng biển, khu công nghiệp, logistic, khu chức năng công nghiệp, lọc hóa dầu, điện khí, bất động sản, du lịch nghỉ dưỡng.
Hiện nay, Khu kinh tế Vân Phong sở hữu cảng trung chuyển quốc tế lớn nhất Việt Nam, có tiềm năng lớn cho phát triển dịch vụ hậu cần cảng biển và logistics. Theo thông tin trên Trang thông tin điện tử Logistics Việt Nam (Bộ Công Thương), cảng Vân Phong thuộc khu vực Vịnh Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa. Cảng có vị trí địa lý, kinh tế thuận lợi khi nằm trên các trục giao thông quốc gia quan trọng gồm đường sắt, đường bộ, đường thủy, hàng không; cảng nằm gần đường hàng hải quốc tế, có các cảng biển lớn và là cửa ngõ ra biển của khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên.
Cảng có vai trò động lực trong việc phát triển vịnh Vân Phong thành khu kinh tế tổng hợp đa ngành, gồm cảng trung chuyển quốc tế, công nghiệp, du lịch, dịch vụ, nuôi trồng hải sản… Trong đó, cảng trung chuyển quốc tế có vai trò chính gắn liền với dịch vụ cảng biển và thương mại.
Có thể thấy, so với các khu vực khác như Phú Quốc và Vân Đồn, Vân Phong có vị trí giữ đảo Hòn Lớn, bán đảo Hòn Gốm, bờ biển huyện Vạn Ninh và thị xã Ninh Hòa, là vùng bờ biển Việt Nam gần các tuyến hàng hải quốc tế nhất, nơi các tuyến hàng hải tấp nập loại nhất thế giới gặp nhau. Do đó, cảng Vân Phong có thuận lợi trong giao thương hàng hóa quốc tế.