Không chỉ tín dụng và trái phiếu doanh nghiệp, thêm một dòng vốn khác tắc nghẽn chặn đường phát triển của doanh nghiệp BĐS
Theo Người Lao động, Hội thảo "Tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy đầu tư trong lĩnh vực bất động sản " được Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) cùng Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP. HCM (ITPC) tổ chức vào ngày 27/5 tại TP. Hồ Chí Minh. Tại đây, các chuyên gia trong ngành cùng nêu lên tầm quan trọng của thị trường bất động sản đối với các ngành nghề, lĩnh vực khác.
Khi thị trường BĐS đang xảy ra quá nhiều biến động tiêu cực sẽ ảnh hưởng tới toàn nền kinh tế. Vì vậy, những điểm nghẽn, vướng mắc từ thủ tục, pháp lý, tín dụng, trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) cần nhanh chóng giải quyết để tạo lực đẩy cho thị trường BĐS sớm hồi phục và tăng trưởng theo đà phát triển của nền kinh tế.
TS Trần Du Lịch - Phó Chủ tịch VIAC nhận xét, thị trường BĐS sẽ kết nối với nền kinh tế bằng việc mua bán, cho thuê và thuế. Thị trường mua bán hiện đang lệch pha giữa phân khúc cao cấp và bình dân; Thị trường cho thuê trầm lắng vì đại dịch; Việc thu thuế gặp khó vì khan hiếm dự án mới. Đặc biệt là điểm nghẽn về thủ tục, pháp lý đã làm hàng loạt dự án "nằm đắp chiếu", khiến doanh nghiệp chôn vốn…
Siết tín dụng với bất động sản cần căn cơ, bài bản
Lành mạnh hóa thị trường bất động sản là điều cần thiết, tuy nhiên, hiện nay, việc siết vốn đột ngột sẽ tác động rất lớn tới thị trường, trong đó những dự án bất động sản đang triển khai dở dang sẽ gặp nhiều khó khăn hơn.Siết vốn vào bất động sản: Nguồn cung giảm mạnh, giá tăng cao
Thị trường bất động sản được cho là gặp khó khăn về nguồn vốn khi cả tín dụng và phát hành trái phiếu đều bị siết chặt, kiểm soát.TS Trần Du Lịch cho rằng, ngân hàng chỉ nên siết tín dụng vào các hoạt động mang tính đầu cơ, tích trữ, phải hỗ trợ cho các đối tượng mua nhà ở thực, vừa túi tiền. Nếu tất cả đều bị "siết" sẽ gây ra sự ngưng trệ của thị trường BĐS, kéo theo hàng loạt tác động tiêu cực lên nền kinh tế.
Chuyên gia kinh tế, TS Cấn Văn Lực khẳng định, BĐS liên quan mạnh hơn tới 4 lĩnh vực có đóng góp lớn vào GDP là du lịch, xây dựng, ăn uống, tài chính ngân hàng. BĐS đóng góp 26% cho GDP, thu hút 10% nguồn vốn FDI chỉ trong những tháng đầu năm 2021.
Theo ông Lực: "Nền kinh tế của chúng ta nhìn trên góc độ vĩ mô thì đang phục hồi tốt hậu Covid - 19. Nên nếu để các tác động liên quan tới dòng vốn ảnh hưởng tới BĐS hay chứng khoán thì không đáng. Do đó, phải xem xét kỹ lưỡng để phát triển doanh nghiệp xanh, trái phiếu xanh, BĐS bền vững".
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM cho hay, thị trường BĐS TP. HCM đang gặp khó khăn khi nguồn cung sụt giảm, quỹ đất hạn chế, lệch pha cung cầu, hàng trăm dự án chưa được tháo gỡ vướng mắc pháp lý…
Sự việc về những trái phiếu "rác" đã ảnh hưởng tới toàn bộ hoạt động phát hành TPDN để huy động vốn. Vì vậy, cần nhanh chóng trấn chỉnh, phân loại, xếp hạng tín nhiệm cho các doanh nghiệp BĐS nhằm mở đường cho doanh nghiệp có thể phát hành trái phiếu lành mạnh.
"Tình trạng của thị trường BĐS sẽ phản ánh thực trạng, sức khỏe của cả nền kinh tế. Nếu bất động sản yếu, nền kinh tế không thể mạnh. Làm sao để bất động sản như chim én báo hiệu mùa xuân chứ không phải chim báo bão. Chính phủ cần định hướng dòng vốn tích cực để thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững, có sự minh bạch, công bằng… chứ không phải lúc nóng sốt, lúc đóng băng" - ông Châu khẳng định.