Khi nào cấp room tín dụng 2023?
BÀI LIÊN QUAN
Nới room tín dụng: Niềm vui cho người thu nhập thấpDoanh nghiệp thận trọng tính lãi suất sau nới room tín dụng Thị trường bất động sản chờ room tín dụng mới làm “băng tan”Chờ cấp room tín dụng
Theo baodautu.vn, thị trường tuần qua đã xuất hiện một số thông tin cho rằng trong tháng 1/2023 Ngân hàng Nhà nước sẽ cấp room tín dụng cho các ngân hàng thương mại. Các ngân hàng sẽ được cấp room tín dụng khoảng 10 - 12% tùy sức khỏe của từng ngân hàng.
Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã đề nghị Ngân hàng Nhà nước phân bổ chỉ tiêu tín dụng từ đầu năm để các tổ chức tín dụng có cơ sở xây dựng kế hoạch kinh doanh thông qua đại hội đồng cổ đông vào tháng 4.
Theo thống kê, năm 2022, tín dụng toàn hệ thống tăng 14,5%, đây là mức tăng cao nhất trong 5 năm trở lại đây. Chuyên gia kinh tế TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng năm 2023, Ngân hàng Nhà nước có thể xem xét tăng cung tiền để hỗ trợ nền kinh tế do áp lực từ bên ngoài giảm và Chính phủ cũng đã đạt được mục tiêu kiểm soát lạm phát cao hơn (4,5%). Tuy nhiên, đơn vị phân tích cũng cho rằng, tín dụng trong năm 2023 sẽ giảm tốc, chỉ khoảng 12 - 13%, trên cơ sở room tín dụng cao trong năm 2022.
Bên cạnh đó, nhiều ngân hàng cũng đang chờ Ngân hàng Nhà nước sớm sửa đổi Thông tư 22/2019/TT-NHNN điều chỉnh các quy định về giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn theo hướng phù hợp với thị trường. Theo dự kiến, tỷ lệ LDR (cho vay/huy động) sẽ được nâng từ 85% lên 90%, điều này sẽ giải phóng một lượng vốn lớn ra nền kinh tế.
Theo Chủ tịch HĐQT Vietcombank, ông Phạm Quang Dũng đề xuất Ngân hàng Nhà nước xem xét cho các ngân hàng thương mại nhà nước được chủ động quy mô tăng trưởng tín dụng hàng năm trên cơ sở đáp ứng các quy định về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động theo chuẩn quốc gia và quốc tế. Đối với nhóm ngân hàng Big 4 việc gỡ room tín dụng sẽ không ảnh hưởng đến công tác điều hành của Ngân hàng Nhà nước bởi các ngân hàng thương mại nhà nước đều bị hạn chế bởi quy mô vốn điều lệ.
Ông Trần Minh Bình, Chủ tịch HĐQT VietinBank cho rằng, Ngân hàng Nhà nước sớm công bố room tín dụng và ban hành văn bản sửa đổi Thông tư 22 là tiền đề quan trọng để các ngân hàng cân đối vốn, chủ động về nguồn vốn và tăng trưởng tín dụng ngay từ đầu năm.
Xem xét thận trọng chỉ tiêu tín dụng 2023
Năm 2022 vừa qua, thị trường trái phiếu, chứng khoán gặp khó khăn, đầu tư công giải ngân chậm đã gây áp lực lớn lên tín dụng ngân hàng. Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà cho biết, hiện nay, vốn đầu tư trung và dài hạn của nền kinh tế phục thuộc chủ yếu vào hệ thống ngân hàng, trong khi đó, huy động vốn của ngân hàng chủ yếu là ngắn hạn vì vậy hệ thống các tổ chức tín dụng phải đối mặt với rủi ro thanh khoản, rủi ro kỳ hạn.
“Để đảm bảo nguồn vốn cho phát triển kinh tế, cần phát triển thị trường vốn một cách an toàn, bền vững, như thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường chứng khoán. Theo đó, cần rà soát lại các quy định pháp lý và có giải pháp khắc phục những bất cập hiện nay trên các thị trường này”, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh.
Trong khi đó, ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) cảnh báo, tỷ lệ đòn bẩy của Việt Nam đang rất cao (tỷ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam là 124%, đây là mức cao nhất đối với các nước có mức thu nhập trung bình thấp theo thống kê của Ngân hàng Thế giới - WB).
“Tổng dư nợ tín dụng của ngành ngân hàng tiến tới đạt xấp xỉ 12 triệu tỷ đồng - đó là một con số rất lớn. Vì vậy, dư địa điều hành tín dụng trong bối cảnh nêu trên là rất hạn hẹp”, ông Phạm Chí Quang cho hay.
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước thông tin thêm, có nhiều nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội như vốn tín dụng, vốn tự có của doanh nghiệp, nguồn vốn từ thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, nguồn vốn đầu tư công, nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), nguồn vốn kiều hối.
Như vậy, cần khơi thông và kết nối, phát triển đồng bộ các nguồn vốn này. Hiện nay, nền kinh tế vẫn đang phụ thuộc quá nhiều vào tín dụng, trong khi áp lực lạm phát lại rất lớn, khiến chính sách tiền tệ không thể chủ quan.
Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ khẳng định: "Chỉ tiêu tín dụng năm 2023 sẽ được Ngân hàng Nhà nước xem xét rất thận trọng nhưng không có nghĩa là cứng nhắc”. Năm 2023 và các năm gần đây, Ngân hàng Nhà nước luôn có thông điệp rõ ràng về chính sách tiền tệ, đó là luôn luôn hỗ trợ và cung ứng vốn đầy đủ, kịp thời cho nền kinh tế, nhưng không chủ quan với lạm phát. Lạm phát luôn là mục tiêu quan trọng hàng đầu trong điều hành tăng trưởng tín dụng.
Nội dung trong Nghị quyết 01/NĐ-CP mới được ban hành, khẳng định năm 2023 sẽ là năm tập trung cao độ cho ổn định, phát triển an toàn và bền vững các thị trường tiền tệ, tín dụng, trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán, bất động sản. Đồng thời không để mất an toàn hệ thống; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của doanh nghiệp, nhà đầu tư, người dân, không để bị kích động, lôi kéo, gây mất an ninh trật tự.
Việc điều hành tăng trưởng tín dụng hợp lý, đáp ứng nhu cầu vốn của nền kinh tế, góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Tín dụng tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro, nâng cao chất lượng tín dụng. Khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, ổn định mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh sản xuất.
Đối với doanh nghiệp, TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế khuyến nghị, các doanh nghiệp cần cơ cấu lại, kiểm soát rủi ro dòng tiền và đa dạng hóa nguồn huy động vốn, chủ động tìm hiểu, tiếp cận Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội…