Doanh nghiệp thận trọng tính lãi suất sau nới room tín dụng
BÀI LIÊN QUAN
Doanh nghiệp như được tiếp thêm oxy khi được nới room tín dụng thêm 1,5-2%Doanh nghiệp bất động sản đón nhận thế nào về việc nới room tín dụng?NHNN bất ngờ nới room tín dụng, lãi suất nhiều khả năng giảm: Liệu bất động sản có được giải cứu?“Người ăn không hết, kẻ lần chẳng ra”
Theo baodautu.vn, bước vào giai đoạn cuối năm, nhiều doanh nghiệp sản xuất ghi nhận số lượng đơn hàng giảm sút nên không có nhu cầu vay vốn thêm. Tại Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Mekong (Bến Tre), ông Bùi Dương Thuật, giám đốc công ty cho biết, so với năm ngoái, năm nay đơn hàng của công ty giảm sút. Dó đó, mặc dù hạn mức tín dụng còn, nhưng doanh nghiệp không có ý định vay thêm.
Ông Thuật nói: “Theo tôi, thời điểm này, các doanh nghiệp chỉ vay vốn lưu động ngắn hạn khi có đơn hàng, còn vay vốn để đầu tư mở rộng sản xuất - kinh doanh trong bối cảnh lãi suất cho vay tăng cao là không khả thi”.
Ông Quan Đức Hoàng, Chủ tịch Quỹ A+ cho rằng, trong bối cảnh nới room tín dụng nhưng lãi suất cho vay vẫn cao thì doanh nghiệp sẽ không dám vay, trừ khi có kế hoạch kinh doanh thật tốt. Ông dự đoán, giai đoạn phòng thân này còn kéo dài thêm 1 đến 1 quý nữa, đến khi lạm phát của Mỹ dần rõ nét hơn.
Ngược lại, khi doanh nghiệp sản xuất dè dặt vay vốn vì lãi suất cao, thì các doanh nghiệp bất động sản lại đang khao khát vốn vì các kênh tiếp cận vốn đều đang bế tắc. Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA), room tín dụng được nới thêm sẽ giúp giảm bớt áp lực với tổ chức tín dụng và thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc tiếp cận vốn đối với doanh nghiệp bất động sản và người mua nhà trong thời điểm này sẽ vẫn rất khó khăn do các dự án nhà ở xã hội, nhà ở giá thấp trên thị trường không có nhiều.
Các kênh tiếp cận vốn chính của doanh nghiệp bất động sản vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc. Trong nửa cuối năm nay, tín dụng bất động sản hầu như không tăng. Phát hành trái phiếu doanh nghiệp đóng băng, đặc biệt là với khối doanh nghiệp bất động sản. Trong 11 tháng đầu năm 2022, phát hành trái phiếu doanh nghiệp đã giảm 60% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh nghiệp phải mua lại 164.000 tỷ đồng trái phiếu trước hạn, tăng 32% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong tháng 11/2022, các doanh nghiệp xây dựng, bất động sản đã chủ động mua lại 3.960 tỷ đồng trái phiếu trước hạn.
Với quyết định nới room tín dụng mới đây của Ngân hàng Nhà nước, cơ quan này đã khẳng định thông điệp chỉ rót vốn vào các lĩnh vực ưu tiên. Đối với lĩnh vực bất động sản, Ngân hàng Nhà nước chỉ khuyến khích các ngân hàng rót vốn vào các dự án nhà ở xã hội, nhà ở phục vụ nhu cầu thực.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho biết, các ngân hàng được cấp room tín dụng mới sẽ ít có khả năng cho vay bất động sản. Nguyên nhân là do tín dụng ngân hàng đang phải chịu sự giám sát chặt chẽ của Ngân hàng Nhà nước. Đồng thời, kết quả cho vay lĩnh vực ưu tiên, ổn định lãi suất trong thời gian này của các ngân hàng thương mại cũng là cơ sở để Ngân hàng Nhà nước phân bổ room tín dụng cho năm 2023, nên các ngân hàng đang phải hết sức thận trọng trong việc thực hiện danh mục cho vay.
Ông Hùng cho rằng không chỉ ngân hàng mà bản thân các doanh nghiệp cũng cần thận trọng khi vay vốn, bởi tình hình kinh tế toàn cầu suy thoái, số lượng đơn hàng giảm sút.
“Các doanh nghiệp lúc này nên rà soát, cơ cấu lại danh mục kinh doanh, co gọn danh mục, duy trì sản xuất ổn định, thay vì mở rộng đầu tư để tránh rủi ro. Bản thân các ngân hàng cũng phải rất thận trọng khi mở rộng tín dụng, phải căn cứ vào nguồn vốn, chất lượng tín dụng, nợ xấu… của mình để đảm bảo an toàn của chính mình và của cả hệ thống”, ông Hùng phân tích.
Thị trường bất động sản cần hỗ trợ để vượt khó
Động thái nới room tín dụng, bơm thêm thanh khoản cho hệ thống của Ngân hàng Nhà nước mới đây được các chuyên gia đánh giá, những lĩnh vực sản xuất ưu tiên sẽ có nhiều cơ hội tiếp cận vốn cuối năm. Đối với các doanh nghiệp bất động sản, khó khăn sẽ còn kéo dài hơn. Trong thực tế, hiện đã có nhiều doanh nghiệp bất động sản đã phải bán bớt tài sản, dự án để tự cứu dòng tiền, trả nợ cho trái chủ, lấy lại niềm tin cho các nhà đầu tư.
Đại diện HoREA khẳng định, không giải cứu thị trường bất động sản hay doanh nghiệp bất động sản. Nhưng cần phải điều chỉnh cơ chế chính sách, pháp luật tạo điều kiện để thị trường bất động sản tự điều chỉnh, tự điều tiết. Doanh nghiệp bất động sản phải chủ động tái cấu trúc, giảm giá nhà phù hợp với nhu cầu của người mua. Đồng thời xem xét hỗ trợ lãi suất hợp lý cho người mua nhà để ở, người mua nhà lần đầu, để doanh nghiệp bất động sản vượt qua khó khăn và hỗ trợ thị trường bất động sản phục hồi, tăng trưởng theo hướng phát triển minh bạch, lành mạnh, an toàn, bền vững.
Ông Châu cho rằng, việc chuyển nhượng các dự án bất động sản “đắp chiếu” rất khó khăn. Do đó, ông đề nghị, tại Kỳ họp Quốc hội bất thường tới đây, sẽ sớm tháo gỡ. HoREA cũng đề nghị Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét bố trí nguồn vốn ngân sách “cấp bù lãi suất tín dụng ưu đãi” để các ngân hàng thương mại cho người mua nhà để ở, người mua căn nhà đầu tiên được vay với lãi suất hợp lý để mua nhà ở thương mại, nhà ở xã hội có mức giá đề xuất không quá 1,8 tỷ đồng/căn (tương tự như cơ chế của gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng).
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, vấn đề hiện nay là gỡ vốn cho thanh khoản thị trường nói chung và thị trường bất động sản nói riêng là tháo gỡ vấn đề trái phiếu doanh nghiệp. Trong thời gian qua, Chính phủ đã lập Tổ công tác để xử lý các vấn đề liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp do Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc làm Tổ trưởng. Chỉ đạo Bộ Tài chính sửa đổi Nghị định 65/2022/NĐ-Cp nếu cần thiết.
Theo thống kê, năm 2023 sẽ có hơn 300.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn. Ông Nguyễn Duy Anh, Trưởng phòng Quản lý danh mục đầu tư, Công ty Quản lý quỹ Vietcombank cho rằng, không chỉ không huy động được vốn mới, mà các doanh nghiệp bất động sản còn phải chịu áp lực trả nợ lãi gốc và lãi trái phiếu cũ. Dự báo tình hình sẽ ngày càng khó khăn hơn khi người mua không xuống tiền mà chờ giảm giá nhà, trong khi tín dụng bất động sản vẫn tiếp tục bị kiểm soát chặt chẽ.
Do đó, để khơi thông dòng tiền và doanh nghiệp bất động sản có thể sống được, ông Duy Anh cho rằng cần sự vào cuộc của Ngân hàng Nhà nước hoặc Bộ Tài chính, bởi nếu cứ trông chờ vào các nhà đầu tư cá nhân thì còn mất nhiều năm nữa mới “phá băng” được cho thị trường bất động sản.