Kéo dòng vốn FDI vào bất động sản bằng cách nào?
Thị trường tiềm năng nhưng nhiều bất cập
Theo Diễn đàn Doanh nghiệp, tổng hợp đánh giá của các tổ chức quốc tế, Việt Nam là khu vực tiềm năng thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Lượng vốn FDI chảy vào ngành bất động sản trong những năm gần đây được cải thiện đáng kể. Lũy kế đến nay, Việt Nam đã nhận tổng vốn đầu tư vào bất động sản là 66,3 tỷ USD, chiếm 15,1% trong tổng số vốn đầu tư trên toàn quốc. Trong đó, dẫn đầu khu vực là TP. HCM với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 16 tỷ USD, chiếm khoảng 24,7% tổng vốn đầu tư, theo sau là Hà Nội, Bình Dương…
Phần lớn các doanh nghiệp FDI tham gia rót vốn vào bất động sản tại Việt Nam đều có quy mô lớn, hình thức đa dạng và ngày càng củng cố chất lượng. Trong những năm qua, lượng vốn FDI rót vào lĩnh vực bất động sản Việt Nam có xu hướng tăng rõ rệt. Kể từ năm 2010 đến 2018 ghi nhận tổng số vốn đầu tư đạt 6,61 tỷ USD, tăng gấp 10 lần, chiếm 18,6% tổng số vốn đăng ký trên cả nước.
Giám đốc cấp cao khối nghiên cứu và tư vấn JLL Việt Nam - Bà Trang Lê cho biết, năm 2018, đơn vị này đã có cơ hội làm việc cùng quỹ đầu tư lớn trên toàn cầu, khi họ đang ở giai đoạn đánh giá tiềm năng phát triển lĩnh vực bất động sản công nghiệp tại Việt Nam.
Với sự tham gia của quỹ đầu tư lớn đã giúp Việt Nam tăng thêm sức hấp dẫn, thu hút thêm nhiều sự tham gia của những nhà đầu tư khác trên thị trường. Nhất là các nhà đầu tư nước ngoài đã mang về những tiêu chuẩn phát triển bất động sản công nghiệp mới vào thị trường Việt Nam. Đơn cử như loại hình nhà kho chất lượng tương đương với những nước cùng khu vực, nhiều dự án đáp ứng các tiêu chí xanh trong việc vận hành, đáp ứng nhu cầu phát triển xanh của những nhà sản xuất… Những điều này đều nâng tầm chất lượng phân khúc bất động sản công nghiệp Việt Nam.
Thực tế chứng minh, không chỉ có bất động sản nhà ở mà còn những phân khúc bất động sản thương mại và công nghiệp cũng rất thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư ngoại. Mới đây nhất, Central Retail đã cam kết đầu tư khoảng 1,45 tỷ USD vào loại hình bán lẻ của thị trường Việt Nam trong giai đoạn 2023 - 2027.
Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết, dù lĩnh vực bất động sản vẫn là điểm sáng và nhiều tiềm năng thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, nhưng thực tế vẫn còn nhiều khó khăn tồn tại khiến các nhà đầu tư FDI chần chừ rót vốn vào thị trường Việt Nam.
Nguyên nhân chính vì thủ tục hành chính liên quan tới việc đầu tư, xây dựng, đấu thầu rất phức tạp và tốn thời gian khiến các dự án đang triển khai bị đình trệ. Bên cạnh đó, hệ thống pháp luật của thị trường vẫn chưa đồng bộ và thống nhất. Chẳng hạn như quy định của condotel và officetel hiện tại vẫn chưa được giải quyết triệt để.
Đưa ra giải pháp thực tiễn
Theo đánh giá của các chuyên gia, bất động sản là thị trường mang tính chu kỳ. Ở mỗi chu kỳ thì thị trường có xu hướng phức tạp hơn, tạo thêm nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư. Vì vậy, trước những khó khăn và cơ hội hiện hữu thì thị trường Việt Nam sẽ phải cải thiện về chất lượng, cũng như đa dạng hóa sản phẩm. Dự kiến năm 2023, với những động thái hỗ trợ và sự quan tâm từ Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương… thì các vướng mắc về pháp lý liên quan tới bất động sản sẽ dần được tháo gỡ, thúc đẩy hơn các dòng vốn, bao gồm cả vốn FDI sẽ tiếp tục chảy vào thị trường bất động sản.
Bà Trang Lê cho rằng, để thu hút các nhà đầu tư chất lượng rót vốn FDI vào ngành bất động sản thì Việt Nam cần hoàn thiện thủ tục pháp lý đầu tư, nâng cao chất lượng hạ tầng giao thông, hạ tầng cơ sở, cải thiện nhân lực nhằm hấp thụ hết các dòng vốn đầu tư nước ngoài, nhất là trong ngành sản xuất.
Bên cạnh đó, cần xác định về quy trình cải tiến, thủ tục hành chính phải được triển khai thực hiện thay vì chỉ nằm trên giấy tờ. Vì mức độ cạnh tranh giữa các quốc gia đang ngày càng khốc liệt. Vậy nên Việt Nam cần kịp thời gỡ vướng để thu hút được nguồn tiền FDI.
Nhìn nhận dưới góc độ một nhà quản lý, ông Nguyễn Anh Tuấn - Lãnh đạo Batdongsan.com.vn chia sẻ, để hút thêm dòng vốn FDI vào thị trường, cần thiết lập một môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch, hấp dẫn, cạnh tranh và tháo gỡ các vướng mắc về chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các bên đầu tư. Đồng thời, triển khai đồng bộ những công cụ chính sách tiền tệ, nhằm đáp ứng nhu cầu dòng vốn tín dụng để phát triển thị trường địa ốc, tạo điều kiện hết mức cho các nhà đầu tư cũng như người mua nhà có thể dễ dàng tiếp cận nguồn vốn.
Ngoài ra, theo các chuyên gia, cần phải nghiêm túc thực hiện công tác cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho các dự án FDI vào lĩnh vực bất động sản, để có thể chọn ra các dự án phù hợp, tránh rơi vào các dự án chậm triển khai.
Từ đó, các cơ quan quản lý Nhà nước phải phối hợp trơn tru với các doanh nghiệp, ngân hàng, quỹ đầu tư, công ty luật để xây dựng danh sách các nhà đầu tư nước ngoài tiềm năng đang quan tâm tới thị trường bất động sản Việt Nam. Việc sử dụng các kênh ngoại giao cấp cao cũng để thu hút đầu tư cho lĩnh vực này.