IMF tiếp tục hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2023 xuống 2,7%
BÀI LIÊN QUAN
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) “giải mã” việc nâng dự báo tăng trưởng năm 2022 của Việt Nam lên 7%Giám đốc IMF: Không bỏ ngỏ khả năng suy thoái toàn cầuIMF: Theo tiêu chuẩn trần lạm phát của ngân hàng trung ương thì lạm phát của Việt Nam còn đang ở mức thấpHai quý tăng trưởng âm liên tiếp
Theo hanoimoi.com.vn, hôm 11/10, IMF công bố Báo cáo Cập nhật Kinh tế Thế giới. Theo đó, tổ chức này giữ nguyên dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2022 ở mức 3,2%. Trong khi đó, tăng trưởng toàn cầu năm 2023 dự báo sẽ giảm xuống 2,7%, (giảm 0,2 điểm phần trăm so với dự báo 2,9% được đưa ra hồi tháng 7).
Trừ năm khủng hoảng tài chính toàn cầu và đỉnh đại dịch Covid-19 thì mức tăng trưởng này “là mức tăng trưởng yếu nhất kể từ năm 2001", IMF nhận định. Ước tính cho năm nay được giữ nguyên tại 3,1%, giảm so với mức 6% năm ngoái.
Báo cáo của IMF đưa ra dự báo: “Điều tồi tệ nhất vẫn chưa đến. Và với nhiều người, năm 2023 sẽ như một cuộc suy thoái”. Trước đó, Ngân hàng Thế giới, Liên hợp quốc và các CEO cũng đã đưa ra lời cảnh báo tương tự.
Bà Kristalina Georgieva, Tổng Giám đốc IMF dự báo hơn 1/3 nền kinh tế toàn cầu sẽ chứng kiến tăng trưởng âm liên tiếp trong quý cuối cùng của năm 2022 và quý đầu của năm 2023. Tốc độ tăng trưởng của 3 nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ, EU, Trung Quốc sẽ tiếp tục giảm tốc.
Theo ước tính của IMF, thiệt hại toàn cầu do suy thoái kinh tế có thể lên tới 4.000 tỷ USD vào năm 2026, tương đương với quy mô tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Đức. Bà Georgieva kêu gọi các nhà hoạch định chính sách không để lạm phát trở thành một “đoàn tàu mất phanh” mà không thực hiện các biện pháp kiềm chế.
Pierre-Olivier Gourinchas – kinh tế trưởng của IMF cho biết trên CNBC: “Năm tới sẽ rất đau đớn, thế giới sẽ chứng kiến nhiều nơi giảm tốc và nhiều đau thương về kinh tế sẽ diễn ra".
IMF chỉ ra 3 sự kiện lớn đang kìm hãm sự tăng trưởng của nền kinh tế thế giới gồm cuộc xung đột Nga - Ukraine, lạm phát diễn ra ở nhiều quốc gia, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc chậm lại. Ba sự kiện này đang đẩy thế giới vào thời kỳ biến động về kinh tế, địa chính trị và sinh thái.
Cụ thể, xung đột tại Ukraine gây bất ổn lớn cho kinh tế toàn cầu dẫn đến cuộc khủng hoảng năng lượng tồi tệ tại châu Âu, gây tổn thất lớn cho các bên. Về lạm phát, dự báo lạm phát toàn cầu đạt đỉnh vào cuối năm 2022 tăng từ 4,7% lên 8,8%. Báo cáo của IMF nhận định: “Lạm phát sẽ còn giữ ở mức cao trong thời gian dài hơn dự kiến”.
IMF cũng nhắc tới việc các quốc gia thực hiện chính sách thắt chặt chính sách tiền tệ để kiểm soát lạm phát và sự gia tăng của USD so với các loại tiền tệ khác có thể kìm hãm tốc độ tăng trưởng. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cũng thực hiện 3 lần tăng lãi suất liên tiếp trong những tháng gần đây. Ngân hàng Trung ương châu u đã tăng lãi suất chuẩn lên 75 điểm cơ bản vào tháng 9, sau khi tăng 50 điểm cơ bản vào tháng 7, lần đầu tiên trong hơn một thập kỷ. Vào tháng 8, Ngân hàng Trung ương Anh đã công bố đợt tăng lãi suất cao nhất trong hơn 20 năm, nâng lãi suất chuẩn thêm 0,5 điểm phần trăm lên 1,75% trong lần tăng lãi suất thứ 6 kể từ tháng 12
Về Trung Quốc, chính sách “Zero Covid” và cuộc khủng hoảng bất động sản vẫn đang kìm hãm nền kinh tế này. Bởi bất động sản đang đóng góp 20% GDP tại quốc gia đông dân nhất thế giới này.
Đối với các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển, IMF cú sốc năm 2022 sẽ "xoáy lại các vết thương kinh tế mới được chữa lành một phần sau đại dịch".
Trong cùng ngày, IMF cũng công bố báo cáo Ổn định Tài chính Toàn cầu, theo đó nhận định "Môi trường toàn cầu đang dễ tổn thương". Các nhà hoạch định chính sách đang đối mặt với các cú sốc "có thể gây ra mất thanh khoản, bán tháo và mất khả năng thanh toán" trên thị trường.
Dự báo tăng trưởng của châu Á và ASEAN
Trong dự báo tăng trưởng hồi tháng 4, IMF dự báo Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Singapore và Philippines tăng trưởng GDP lần lượt là 5,4%; 3,3%; 5,6%; 3,7%; 6,5% vào năm 2022.
Đến dự báo vào tháng 7, IMF giảm dự báo tăng trưởng của hầu hết các quốc gia thuộc khu vực Đông Nam Á. Theo đó, Indonesia điều chỉnh giảm còn 5,3%, Thái Lan giảm còn 2,8%, Malaysia giảm còn 5,1%. Trong khi đó, tăng dự báo tăng trưởng của Philippines lên 6,7%.
Đối với Việt Nam, tổ chức này nâng dự báo tăng trưởng thêm 1 điểm % so với dự báo được đưa ra hồi tháng 4, từ 6% lên 7%. Đây là lần điều chỉnh tăng đáng kể duy nhất trong số các nền kinh tế lớn ở châu Á.
Trong báo cáo được công bố vào ngày 11/10, IMF dự báo Malaysia, Singapore và Philippines tăng trưởng GDP lần lượt là; 5,4% (tăng 0,3 điểm phần trăm); 3% (giảm 0,3 điểm phần trăm); 6,5% (giảm 0,2 điểm phần trăm) vào năm 2022.
Trong khi đó, Indonesia (5,3%), Thái Lan (2,8%) và Việt Nam (7%) được giữ nguyên dự báo tăng trưởng. Tăng trưởng của Việt Nam là mức tăng trưởng cao nhất trong nhóm ASEAN-6.
Nhóm ASEAN-5 (Indonesia, Thái Lan, Philippines, Malaysia và Việt Nam) dự kiến sẽ tăng trưởng 5,3% trong năm nay.
Báo cáo mới nhất cũng đưa ra dự báo tăng trưởng GDP của châu Á trong năm 2022 sẽ đạt 4%, thấp hơn mức 6,5% của năm 2021. Đây là lần thứ tư IMF hạ dự báo tăng trưởng của châu Á trong năm nay. Do tăng trưởng của Trung Quốc được dự báo chậm lại chỉ ở mức 3,2%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 8,1% trong năm 2021.
IMF dự báo các nền kinh tế châu Á mới nổi sẽ tăng trưởng lần lượt 4,4% và 4,9% vào năm 2022-2023, giảm lần lượt 0,2 và 0,1 điểm phần trăm so với dự báo hồi tháng 7.