Hiểu rõ quy định pháp luật về tranh chấp đất đai hiện nay nhanh nhất
BÀI LIÊN QUAN
Thủ tục và thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai giữa anh em ruộtTrình tự giải quyết tranh chấp đất đai không có sổ đỏ nhanh chóng và đạt hiệu quả nhấtHướng dẫn giải quyết tranh chấp đất đai có sổ đỏ tường tận nhất, đầy đủ nhấtTranh chấp đất đai là gì?
Trước hết, cần hiểu tranh chấp là đấu tranh, giằng co khi có ý kiến bất đồng thường là trong vấn đề quyền lợi giữa hai bên. Và theo pháp luật về đất đai, cụ thể căn cứ khoản 24 Điều 3 Luật Đất đai năm 2013 thì “Tranh chấp đất đai là tranh chấp về quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất giữa hai hoặc nhiều bên trong quan hệ đất đai.”
Hiện nay, theo quy định của pháp luật đất đai thì tranh chấp về đất đai gồm các hình thức như sau:
- Tranh chấp quyền sử dụng đất: Đây là dạng tranh chấp đất đai trực tiếp thường gặp các loại tranh chấp gắn liền với đời sống như: tranh chấp quyền sử dụng đất khi ly hôn, tranh chấp thừa kế đất đai, tranh chấp đòi đất, tranh chấp đất giao sai quy định, tranh chấp đất không có sổ đỏ…
- Tranh chấp tài sản gắn liền với đất bao gồm công trình xây dựng, cây lâu năm, cây rừng trên đất.
Những đặc điểm chính của đất đang có tranh chấp
Thứ nhất, đất đai theo quy định của Hiến pháp Việt Nam là tài sản thuộc sở hữu toàn dân, do nhà nước đại diện chủ sở hữu. Do đó, cần hiểu rằng chủ thể tham gia quan hệ tranh chấp đất đai chỉ là chủ thể có quyền quản lý, quyền sử dụng đất chứ không phải là chủ sở hữu đối với đất đai đó.
Thứ hai, xuất phát từ đặc điểm thứ nhất có thể hiểu rằng chủ thể tranh chấp đất đai không phải là chủ sở hữu tài sản đất đai, vậy nên đối tượng trong quan hệ tranh chấp cũng không là tài sản mà chỉ là quyền quản lý tài sản, quyền sử dụng tài sản, tức là quyền quản lý và sử dụng đất đai.
Thứ ba, nội dung, tính chất tranh chấp đất đai rất đa dạng và khó lường trên thực tiễn. Việc tranh chấp đất đai không chỉ ảnh hưởng tới lợi ích trực tiếp của các bên tham gia tranh chấp mà còn ảnh hưởng đến lợi ích cộng đồng, của Nhà nước.
Giải quyết tranh chấp đất đai là gì?
Căn cứ Từ điển giải thích thuật ngữ luật học thì có thể hiểu một cách đơn giản “Giải quyết tranh chấp đất đai là giải quyết bất đồng, mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, tổ chức và trên cơ sở đó phục hồi các quyền lợi hợp pháp bị xâm hại đồng thời truy cứu trách nhiệm pháp lý đối với hành vi vi phạm pháp luật về đất đai”. Như vậy, nguyên nhân của tranh chấp đất đai là những bất đồng, mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, tổ chức và giải quyết tranh chấp đất đai chính là phương thức xử lý hài hòa những nguyên nhân này.
Những dạng tranh chấp đất đai
Có 3 dạng tranh chấp đất đai chủ yếu như sau:
Tranh chấp về quyền sử dụng đất
Đây là dạng tranh chấp xảy ra giữa các bên với nhau về việc ai có quyền sử dụng hợp pháp đối với mảnh đất đó? Trong dạng tranh chấp này thì thường sẽ gặp các loại tranh chấp về ranh giới đất; tranh chấp về quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất trong các quan hệ ly hôn, thừa kế; tranh chấp đòi lại đất (đất đã cho người khác mượn sử dụng mà không trả lại, hoặc là tranh chấp giữa người dân tộc thiểu số với người đi xây dựng vùng kinh tế mới,...); tranh chấp về quyền sử dụng đất có liên quan đến tranh chấp về địa giới hành chính.
Tranh chấp về quyền, nghĩa vụ phát sinh trong quá trình sử dụng đất
Đây là dạng tranh chấp thường xảy ra khi các chủ thể có những giao dịch dân sự về quyền sử dụng đất như là tranh chấp về quyền và nghĩa vụ có trong hợp đồng chuyển nhượng, cho thuê quyền sử dụng đất hoặc những tranh chấp liên quan đến việc bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất...
Tranh chấp về mục đích sử dụng đất
Dạng tranh chấp này thường sẽ ít gặp hơn, những tranh chấp này liên quan đến việc xác định mục đích sử dụng đất là gì? Thường sẽ có cơ sở để giải quyết bởi lẽ trong quá trình phân bổ đất đai cho những chủ thể sử dụng, Nhà nước đã xác định mục đích sử dụng đất thông qua quy hoạch sử dụng đất. Tranh chấp chủ yếu cho người sử dụng đất sử dụng sai mục đích so với khi được Nhà nước giao đất, cho thuê đất.
Cơ quan nào có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai?
Căn cứ khoản 1 và 2 Điều 202 Luật Đất đai năm 2013 thì Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp đất đai tự hòa giải hoặc giải quyết tranh chấp đất đai thông qua hòa giải ở cơ sở. Trường hợp tranh chấp đất đai mà các bên tranh chấp không hòa giải được thì gửi đơn đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp để hòa giải. Thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân cấp xã được thực hiện trong thời hạn không quá 45 ngày, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai.
Bên cạnh đó, tại khoản 1 Điều 203 Luật Đất đai quy định về thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai: Tranh chấp đất đai đã được hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã mà không thành thì được giải quyết như sau: “Tranh chấp đất đai mà đương sự có Giấy chứng nhận hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật Đất đai 2013 và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do Tòa án nhân dân giải quyết”.
Theo đó, Tòa án nhân dân có thẩm quyền giải quyết những tranh chấp đất đai bao gồm:
- Tranh chấp đất đai mà đương sự có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 Luật Đất đai
- Tranh chấp về tài sản gắn liền với đất.
- Tranh chấp đất đai mà đương sự không có Giấy chứng nhận hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 Luật Đất đai.
- Tranh chấp đất đai mà đương sự không có giấy chứng nhận hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật Đất đai thì đương sự được lựa chọn một trong hai hình thức: Khởi kiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự hoặc nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại UBND cấp có thẩm quyền theo quy định của Luật Đất đai.
Quy trình, thủ tục giải quyết tranh chấp đất đai
Về giải quyết tại Ủy ban nhân dân
Căn cứ Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật đất đai thì thủ tục giải quyết tranh chấp được thực hiện theo trình tự như sau:
- Người có đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai nộp đơn tại UBND cấp có thẩm quyền.
- Chủ tịch UBND cấp có thẩm quyền giao trách nhiệm cơ quan tham mưu giải quyết.
- Cơ quan tham mưu có nhiệm vụ thẩm tra, xác minh vụ việc, tổ chức hòa giải giữa các bên tranh chấp, tổ chức cuộc họp các ban, ngành có liên quan để tư vấn, giải quyết tranh chấp đất đai và hoàn chỉnh hồ sơ trình Chủ tịch UBND cùng cấp ban hành quyết định giải quyết tranh chấp đất đai.
Hồ sơ giải quyết tranh chấp đất đai bao gồm:
- Đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai;
- Biên bản hòa giải tại UBND cấp xã, biên bản làm việc với các bên tranh chấp và người có liên quan; biên bản kiểm tra hiện trạng đất tranh chấp; biên bản cuộc họp các ban, ngành có liên quan để tư vấn giải quyết tranh chấp đất đai đối với trường hợp hòa giải không thành; biên bản hòa giải trong quá trình giải quyết tranh chấp;
- Trích lục bản đồ, hồ sơ địa chính qua các thời kỳ liên quan đến diện tích đất tranh chấp và các tài liệu làm chứng cứ, chứng minh trong quá trình giải quyết tranh chấp;
- Báo cáo đề xuất và dự thảo quyết định giải quyết tranh chấp hoặc dự thảo quyết định công nhận hòa giải thành.
Chủ tịch UBND cấp có thẩm quyền ban hành quyết định giải quyết tranh chấp hoặc quyết định công nhận hòa giải thành gửi cho các bên tranh chấp, các tổ chức, cá nhân có quyền, nghĩa vụ liên quan. Nếu không đồng ý với quyết định giải quyết của Chủ tịch UBND cấp huyện thì có quyền khiếu nại đến Chủ tịch UBND cấp tỉnh, nếu không đồng ý với quyết định giải quyết của Chủ tịch UBND cấp tỉnh thì có quyền khiếu nại đến Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Về giải quyết tại Tòa án Nhân dân
- Cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền tự mình hoặc thông quan người đại diện hợp pháp để khởi kiện vụ án tại Tòa án có thẩm quyền.
- Thời hạn 05 ngày làm việc từ khi nhận được đơn khởi kiện thì Tòa án phải xem xét và có một trong các quyết định: Tiến hành các thủ tục thụ lý giải quyết vụ án nếu thuộc thẩm quyền; chuyển đơn khởi kiện cho Tòa án có thẩm quyền, nếu không thuộc thẩm quyền thì báo cho người khởi kiện biết; trả lại đơn khởi kiện nếu không thuộc thẩm quyền của Tòa án.
- Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được thông báo của Tòa án thì người khởi kiện phải tiến hành nộp tiền tạm ứng án phí và nộp lại biên lai để Tòa án tiến hành thụ lý giải quyết vụ án.
- Kể từ thời điểm Tòa án thụ lý giải quyết vụ án thì thời hạn chuẩn bị xét xử là 04 tháng đối với vụ án và 02 tháng đối với việc dân sự; nếu vụ án có tính chất phức tạp hoặc có trở ngại khách quan thì được gia hạn nhưng không được vượt quá 02 tháng đối với vụ án và 01 tháng đối với yêu cầu dân sự. Trong quá trình chuẩn bị xét xử, Tòa án vẫn phải tiến hành thủ tục hòa giải bắt buộc trừ những vụ án không được hòa giải hoặc hòa giải không được.
Tranh chấp đất đai là sự kiện thường xuyên xảy ra trong đời sống. Hiện nay, pháp luật đã có nhiều tiến bộ, cải cách để xây dựng một hành lang pháp lý toàn diện, áp dụng có hiệu quả vào các tranh chấp đất đai trên thực tiễn. Do vậy, việc nắm rõ quy định về luật đất đai là rất cần thiết để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình và người thân.