Hạn chế vốn vay nước ngoài vào bất động sản, chứng khoán
BÀI LIÊN QUAN
Hội Môi giới bất động sản Việt Nam: Siết tín dụng sẽ khiến giá bất động sản tăng "phi mã""Siết" tín dụng bất động sản: Vẫn còn nhiều tín hiệu lạc quan cho nhà đầu tưSiết vốn vay, người dân loay hoayTheo VnExpress, hiện nay vay nước ngoài của khu vực doanh nghiệp chiếm khoảng 70-80% tổng dư nợ tự vay tự trả nước ngoài của nền kinh tế. Với mục tiêu duy trì tăng trưởng kinh tế cao trong giai đoạn 2021-2030, Ngân hàng Nhà nước cho rằng xu hướng doanh nghiệp tăng vay vốn nước ngoài là không tránh khỏi, nhưng sẽ tạo áp lực lớn đến các chỉ tiêu vay trả nợ nước ngoài được Thủ tướng phê duyệt hàng năm.
Do đó, Ngân hàng Nhà nước muốn hạn chế doanh nghiệp vay ngắn hạn cho mục đích có rủi ro bong bóng giá. Dự thảo này của Ngân hàng Nhà nước nhằm đảm bảo hạn mức nợ nước ngoài tự vay tự trả của doanh nghiệp, từ đó đảm bảo chỉ tiêu an toàn nợ quốc gia.
Như vậy nếu dự thảo Thông tư được thông qua các doanh nghiệp sẽ phải quản trị rủi ro tốt hơn trong hoạt động. Đồng thời phải ưu tiên tập trung nguồn vốn vay nước ngoài cho các lĩnh vực, ngành nghề sản xuất trực tiếp tạo ra giá trị gia tăng cho nền kinh tế.
Một trong những nội dung nổi bật tại dự thảo Thông tư là quy định cho doanh nghiệp vay nước ngoài ngắn hạn để thanh toán các khoản nợ phát sinh trong 12 tháng. Và sẽ không bao gồm các khoản nợ phát sinh từ hợp đồng vay với người cư trú; các khoản phải trả phát sinh từ mua chứng khoán kinh doanh; mua phần vốn góp, cổ phần của đơn vị khác; mua bất động sản đầu tư và nhận chuyển nhượng dự án.
Ngân hàng Nhà nước cho biết, việc tăng trưởng "nóng" và ồ ạt của thị trường chứng khoán, kinh doanh bất động sản tiềm ẩn rủi ro lớn vì có thể tạo ra tình trạng vốn ảo, "bong bóng" tài sản, là mầm mống của những bất ổn tài chính vĩ mô.
Như vậy, dòng vốn vay nước ngoài ngắn hạn cần được quản lý chặt chẽ hơn nữa để hạn chế các nguy cơ đảo chiều. Ngân hàng Nhà nước đánh giá, rất cần việc hạn chế doanh nghiệp vay nước ngoài ngắn hạn cho các mục đích tiềm ẩn nhiều rủi ro bong bóng giá như bất động sản và chứng khoán.
Dự thảo Thông tư cũng đề xuất không cho phép doanh nghiệp dùng vốn vay nước ngoài ngắn hạn để nhận chuyển nhượng dự án đầu tư và mua cổ phần, mua phần vốn góp do việc thực hiện dự án hoặc thâu tóm doanh nghiệp, mua bán sáp nhập là hoạt động mang tính dài hạn.
Trong trường hợp doanh nghiệp vay vốn nước ngoài ngắn hạn để thanh toán cho khoản nợ có mục đích sử dụng vốn trung dài hạn sẽ tạo ra rủi ro thanh khoản. Hành động này đi ngược lại bản chất của dòng vốn ngắn hạn chỉ nhằm hỗ trợ thiếu hụt thanh khoản tạm thời.
Trường hợp bên đi vay nhận chuyển nhượng dự án hoặc mua cổ phần, mua phần vốn góp của doanh nghiệp khác nhưng không nhằm mục tiêu phát triển dự án hoặc quản lý doanh nghiệp mà tiếp tục chuyển nhượng dự án, bán cổ phần cho bên thứ ba. Hoạt động mua đi bán lại này cũng có thể tạo bong bóng giá, không tạo ra giá trị thực cho nền kinh tế và cần bị hạn chế.
Như vậy, cả hai trường hợp chuyển nhượng dự án và mua cổ phần, mua phần vốn góp đều tiềm ẩn rủi ro cao, do đó theo Ngân hàng Nhà nước, không nên cho phép sử dụng vốn vay ngắn hạn nước ngoài.
Bên cạnh việc quản lý chặt hơn nguồn vốn vay nước ngoài của các doanh nghiệp, tại dự thảo Thông tư này, Ngân hàng Nhà nước cũng đặt ra một số quy định khác về trần chi phí vay nước ngoài, điều kiện vay ngắn hạn và trung dài hạn nước ngoài đối với các ngân hàng.