Góc chuyên gia: Room tín dụng mới chưa đáp ứng được kỳ vọng chung của thị trường
BÀI LIÊN QUAN
TS. Sử Ngọc Khương: “Nới room tín dụng không tác động nhiều đến doanh nghiệp địa ốc”Lĩnh vực nào sẽ nhận được vốn từ room tín dụng mới?Nới “room” tín dụng, bất động sản có sôi động trở lại?Mới đây, ông Nguyễn Minh Hoàng - Giám đốc phân tích, CTCP Chứng khoán Nhất Việt đã góp mặt trong chương trình “Khớp Lệnh” của VTV Digital. Trong chương trình này, ông Hoàng đã có những chia sẻ xoay quanh việc nới room tín dụng được mọi người vô cùng quan tâm trong thời gian qua.
Ông Hoàng cho biết, lãi suất liên ngân hàng tăng mạnh nhưng hạn mức tín dụng được cấp lại không cao như kỳ vọng. Điều này đồng nghĩa với việc, chi phí đầu vào đang có dấu hiệu tăng cao trong khi chi phí đầu ra lại bị siết chặt, ảnh hưởng trực tiếp đến triển vọng của ngành ngân hàng trong quý 4 năm nay.
Nếu như trong ngắn hạn, các chuyên gia đánh giá đây không phải là dấu hiệu tích cực dành cho thị trường, đặc biệt trong bối cảnh dòng cổ phiếu ngân hàng đang ngày càng suy yếu. Ví dụ như, cổ phiếu đầu ngành VCB đã phải chịu ảnh hưởng tương đối lớn trong thời gian qua. Chỉ trong tuần qua, cổ phiếu này đã sụt giảm mạnh trong khi nhịp phục hồi lại khá yếu. Tương tự, cổ phiếu của BID cũng đang diễn ra xu hướng như thế.
Theo ông Nguyễn Minh Hoàng, toàn ngành ngân hàng trong 6 tháng đầu năm mới chỉ hoàn thành được 51% lợi nhuận. Trong nửa năm còn lại, con số lợi nhuận sẽ phụ thuộc rất nhiều vào việc nới room, thế nhưng room tín dụng dù đã được nới ra nhưng lại không được như kỳ vọng.
Bên cạnh đó, NIM của ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng đáng kể khi chi phí đầu vào tăng lên. Điều này cũng đã đặt ra một câu hỏi quan trọng rằng: Liệu các ngân hàng có gặp khó khăn có phải đối mặt với nhiều khó khăn để hoàn thành được kế hoạch lợi nhuận cuối năm?
Đồng quan điểm, ông Lê Ngọc Nam - Giám đốc Phân tích và Tư vấn Đầu tư, CTCP Chứng khoán Tân Việt, cho biết con số tín dụng được nới thêm vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng chung của thị trường, trong khi tín dụng đang là một trong những nguồn tạo nên lợi nhuận cho các ngân hàng. “Nhiều ngân hàng có kết quả kinh doanh tốt trong nửa đầu năm do đẩy tín dụng lên phía trước. Đối với khoảng 3% phần dư địa còn lại có thể khiến cho lợi nhuận tăng trưởng không còn được như đầu năm”, ông Nam cho biết.
Có thể thấy, thị trường cùng với nhóm ngân hàng đã trải qua một giai đoạn hồi phục, nhiều cổ phiếu như VCB, BID, STB, MBB,… đã tăng lên ấn tượng. Tuy nhiên, nếu kỳ vọng cổ phiếu của ngành ngân hàng sẽ quay trở lại đỉnh cũ được thiết lập vào tháng 4 năm nay, điều này rất khó xảy ra. Nguyên nhân bởi, định giá của thị trường thời điểm đó đang ở mức khá cao.
Mặt khác, trong talkshow “Cơ hội dòng tiền đến sau”, ông Hoàng Công Tuấn - Kinh tế trưởng Chứng khoán MB (MBS) cho rằng, trong một tháng qua phản ứng cổ phiếu ngân hàng khá mạnh trước thông tin room tín dụng có thể được nới lên đến 16%. Thế nhưng, có vẻ như con số này đã hơi quá kỳ vọng.
Thực tế, mặt bằng lãi suất trong thời gian tới của kinh tế thế giới vẫn tiếp tục tăng. Việt Nam dù có nền kinh tế vĩ mô khá ổn nhưng cũng không tránh được việc bị ảnh hưởng. Đây chính là yếu tố quan trọng tác động đến tiền đồng. Trong trường hợp Ngân hàng Nhà nước cho phép nới tín dụng ra quá nhiều, điều này sẽ gây áp lực lên cuộc đua lãi suất, không có lợi cho hệ thống ngân hàng nói riêng và nền kinh tế nói chung.
Chính vì thế, Ngân hàng Nhà nước đã lựa chọn giải pháp, đó là kiềm chế mức tăng trưởng tín dụng chung đối với toàn bộ hệ thống ngân hàng thương mại, đồng thời giảm bớt triển vọng lợi nhuận thuộc về khối ngân hàng. Theo ông Tuấn, các nhà đầu tư không nên quá bi quan nhưng cũng không nên lạc quan thái quá về cổ phiếu ngành ngân hàng. Trong 9 tháng đầu năm nay, các ngân hàng đã bung tín dụng quá nhiều. Đáng chú ý, Vietcombank cũng chỉ được cấp tín dụng 2,7%.
Điều này cho thấy, Ngân hàng Nhà nước đang tỏ ra khá thận trọng, đồng thời chưa phát hết room tín dụng. Theo Kinh tế trưởng MBS, nhiều khả năng nhà điều hành sẽ để dành một chút vào thời điểm cuối năm khi nhu cầu vốn của nền kinh tế tăng cao.
VCBS: Room tín dụng phân bổ theo nhiều đợt, khả năng 2-3%/đợt
Báo cáo trái phiếu mới đây cho thấy, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) vẫn duy trì dự báo về mức tăng trưởng tín dụng của năm nay là 14%, phân bổ theo nhiều đợt và nhiều khả năng là từ 2-3%/đợt. Theo VCSB, mức này nếu so với kỳ vọng của các thành viên trên thị trường vẫn còn khá thấp. Các chuyên gia cũng lưu ý về những động thái tiếp theo của Ngân hàng Nhà nước trên thị trường mở.
Đối với thời điểm lãi suất liên ngân hàng tăng cao, vượt qua lãi suất OMO dự báo sẽ diễn ra với tần suất cao hơn, ít nhất là cho tới khi những kỳ họp quanh kỳ họp chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tại tháng 9 này được hiện thực hoá. Giữa giai đoạn này, khối lượng tín phiếu ở trên thị trường mở có thể dần đáo hạn, từ đó hỗ trợ cho thanh khoản, giúp thị trường hạ nhiệt phần nào.
Cuối tháng vừa qua, lãi suất liên ngân hàng đã tăng mạnh. Lãi suất của những kỳ hạn từ qua đêm đến 3 tháng lần lượt được ghi nhận ở mức 4,58%, 4,65%, 4,7%, 4.92% và 5,18%. Trong báo cáo có viết: “Có thể thấy rõ ràng trong giai đoạn này, nền kinh tế ghi nhận thách thức ổn định vĩ mô ví như áp lực tỷ giá chưa thể sớm hạ nhiệt, lạm phát kỳ vọng ở mức cao trong dài hạn đã khiến nhà điều hành tiếp tục có động thái thận trọng”.
Cùng với việc ưu tiên chính sách hàng đầu đó là duy trì những yếu tố ổn định như kiểm soát lạm phát và ổn định, các chuyên gia cho rằng, Ngân hàng Nhà nước không thể quá mạnh tay trong việc duy trì trạng thái thanh khoản dồi dào ở trên thị trường. Tuy nhiên, công ty chứng khoán tin tưởng, áp lực thanh khoản trên thị trường liên ngân hàng nhiều khả năng chỉ diễn ra trong ngắn hạn, không phản ánh khả năng lãi suất liên ngân hàng tiếp tục tăng mạnh hoặc sẽ duy trì ở ngưỡng cao trong dài hạn.
Đối với thị trường ngoại hối, trong những tháng gần đây đã tiếp tục chứng kiến xu hướng giảm giá của nhiều đồng tiền ở trên thế giới so với đồng USD, bao gồm cả VND. Tính đến hết tháng 8 vừa qua, tỷ giá giao dịch tại các ngân hàng thương mại so với cuối năm trước đã giảm 2,9%.
Cũng trong giai đoạn, mặt bằng lãi suất cùng với chi phí vốn cao hơn tiếp tục được hiện thực hóa trong tháng 8, có nhiều ngân hàng thương mại đã tăng lãi suất huy động từ 0,2 đến 0,5 % tùy theo kỳ hạn. VCBS dự báo, xu hướng tăng lãi suất huy động từ nay cho đến cuối năm vẫn tiếp diễn, điều này khiến cho mặt bằng lãi suất huy động được dự báo sẽ tăng thêm 1 đến 1,5 điểm % cho cả năm 2022.