Nới “room” tín dụng, bất động sản có sôi động trở lại?
Nắng hạn gặp mưa rào
Anh Nguyễn Văn Hùng (Kim Giang, Hà Nội) cho biết, suốt mấy tháng qua, anh bị kẹt trong tình cảnh không thể xoay xở thêm nguồn vốn đủ để xuống tiền mua mảnh đất “trong tầm ngắm” nhiều tháng qua. Một phần anh không thể tiếp cận được vốn vay ngân hàng, một phần anh lo ngại thị trường bất động sản cuối năm tiếp tục trầm lắng.
Mấy ngày nay, những nhà đầu tư cá nhân như anh Hùng đã có thể yên tâm hơn sau khi có thông tin nới room tín dụng. Anh Hùng đánh giá thị trường bất động sản sẽ tiếp tục sôi động vào thời điểm những tháng cuối năm sau thời gian dài bị kìm nén bởi Ngân hàng Nhà nước ngày 7/9 đã có động thái nới hạn mức tín dụng cho một số ngân hàng.
Theo đó, sẽ có 15 ngân hàng được nới room tín dụng với mức từ 3 - 5% trong đợt điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2022. Thông báo từ Ngân hàng Nhà nước cho biết việc điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng với mục đích tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận tín dụng ngân hàng, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế.
Động thái nới lỏng tín dụng của Ngân hàng Nhà nước diễn ra trong bối cảnh các nhà băng đã cạn “room” sau nửa năm. Trên thực tế, từ tháng 4 đến đầu tháng 8 năm nay, nhiều doanh nghiệp và khách hàng đã không thể tiếp cận được vốn tín dụng do ngân hàng thông báo đã "cạn" cung.
Bên cạnh đó, thời gian gần đây, lãi suất huy động tại một số ngân hàng có dấu hiệu tăng, gây áp lực cho doanh nghiệp và khách hàng cá nhân vì hệ lụy kéo theo là lãi suất vay cũng sẽ bị đội lên.
Tại cuộc họp sơ kết 6 tháng đầu năm của ngành ngân hàng, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước đã thẳng thừng chỉ ra nguyên nhân khiến ngân hàng cạn room tín dụng sớm là do cấp tín dụng vào lĩnh vực bất động sản. Theo đó, khi thị trường nhà đất gặp khó, dòng tiền không về kịp khiến cho các ngân hàng hết room.
Chính sách tín dụng cùng những quyết định của các cơ quan chức năng liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp bất động sản trong thời gian qua đã khiến nguồn cung và giao dịch bất động sản chững lại, giá tăng cao. Giá căn hộ ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh tăng từ 8 - 13% so với cùng kỳ năm 2021; cá biệt đối với phân khúc biệt thự, nhà phố liền kề có những nơi tăng gấp từ 2 - 2,5 lần so với cùng kỳ.
TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia đã từng bày tỏ lo ngại nếu Việt Nam siết tín dụng quá lâu. Ông Lực nhận định rằng dòng vốn vào bất động sản bị nghẽn sẽ làm mất cân đối cung - cầu bất động sản trở nên trầm trọng (cung không thể tăng, cầu không giảm….). “Điều này khiến cho dự án có thể bị dở dang, nợ xấu theo đó tăng, chứng khoán giảm, kéo theo giảm đà phục hồi kinh tế", ông Lực cho biết.
Thời cơ và thách thức
Để khắc phục tình trạng trên, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã công bố việc điều chỉnh phần còn lại của room tín dụng 14% mà ngân hàng nhà nước đã định hướng từ đầu năm, để thuận tiện cho việc triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2%.
Cùng với động thái nới room tín dụng, thị trường bất động sản đồng thời cũng được tháo nút thắt lớn về chủ trương không siết chặt tín dụng một cách bất hợp lý, công khai minh bạch thông tin quy hoạch.
TS Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam nhận định đây chính là hai lực đẩy quan trọng cho thị trường bất động sản hồi phục và có thể sôi động trở lại sau thời gian dài trầm lắng trong năm 2022.
Vài tháng trước, nhiều dự án thiếu vốn không thể tiếp tục triển khai, không ít nhà đầu tư e dè, ủ dột do thiếu sự hỗ trợ ngân hàng. Có thời điểm, thị trường bất động sản gần như trở nên “bất động”, “đóng băng” thì nay băng đã tan, tâm lý thị trường đã có một màu tươi sáng.
Anh Nguyễn Văn Hùng (Kim Giang, Hà Nội) cho rằng hiện tại đang là thời điểm tốt để nhà đầu tư chọn được hàng chuẩn. Anh lý giải sau giai đoạn khó khăn, những dự án yếu về pháp lý, chủ đầu tư non về tài chính đã gần như bị bỏ lại, hiện nay trên thị trường việc tìm được bất động sản tốt trở nên dễ dàng hơn.
Nhà đầu tư cá nhân này cho rằng việc mở van tín dụng là cần thiết để giúp thị trường bất động sản thoát khỏi khó khăn hiện nay. Dưới góc nhìn nhà đầu tư cá nhân, anh Hùng đánh giá đây là lĩnh vực có nhiều đóng góp lớn và có tác động mạnh tới nhiều ngành nghề khác nhau trong nền kinh tế, nếu không kịp thời cấp tín dụng thì khả năng sẽ tạo ra hệ luỵ lớn.
Dưới góc độ chuyên gia, bình luận về động thái nới tín dụng của Ngân hàng Nhà nước, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho biết đây chưa hẳn là tin vui vì hạn mức tín dụng này chỉ là con số còn lại trong mức trần 14% của năm 2022. Ông lý giải lãi suất huy động đang tăng cao là áp lực cho doanh nghiệp. Riêng với lĩnh vực bất động sản, việc tiếp cận vốn lại càng khó.
Ông Châu cho rằng nên xem xét tăng trần dư nợ tín dụng cho 4 ngân hàng thương mại cổ phần lớn nhất và các ngân hàng thương mại đạt chuẩn. Ngoài ra, ông Châu cũng băn khoăn về việc tiếp cận khoản vay, ông cho rằng mọi doanh nghiệp cần được tạo điều kiện để tiếp cận tín dụng, kể cả các doanh nghiệp bất động sản.
Cùng quan điểm, báo báo của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng dù có nới “room” tín dụng thì ngành bất động sản vẫn sẽ gặp khó khăn trong ngắn hạn. Khả năng lãi suất tăng và việc các ngân hàng kiểm soát ngày càng chặt chẽ các hoạt động tín dụng bất động sản sẽ tạo ra tác động lớn đến tính thanh khoản các dự án, dòng tiền và cả lợi nhuận của doanh nghiệp trong năm 2022 - 2023.