Giới đầu tư đặt hy vọng vào các nền kinh tế mới nổi của châu Á trong bối cảnh FED tăng lãi suất cao kỷ lục
BÀI LIÊN QUAN
Nhà đầu tư liên tục rút vốn khiến thị trường chứng khoán ngày càng ảm đạmNgười tiêu dùng Mỹ cũng góp phần tạo ra suy thoái?Tham vọng TMĐT của TikTok tại thị trường Anh lao đao khi nội bộ "sóng gió"Theo Vietnambiz, giới phân tích nhận định các nền kinh tế mới nổi ở châu Á có vị thế tốt hơn so với hầu hết các khu vực khác, để có thể vượt qua được những tác động sau khi Mỹ đưa ra những quyết định thắt chặt chính sách tiền tệ của nước này.
Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn cảnh báo giới đầu tư nên thận trọng, đừng quá vội vàng tìm tới các thị trường này.
Hôm 15/6, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã tăng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm, đây là mức tăng lớn nhất trong gần 30 năm qua. Đồng thời, ngân hàng trung ương của Mỹ cũng phát đi những tín hiệu sẽ có thêm những đợt tăng mạnh hơn nữa trong thời gian cuối năm nay để có thể kiềm chế lạm phát đang tăng phi mã.
Ngược lại, chỉ vài giờ trước đó, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã đưa ra thông báo giữ nguyên mức lãi suất trong tháng thứ 5 liên tiếp.
Quyết định thắt chặt mạnh mẽ chính sách tiền tệ của nền kinh tế số 1 thế giới đã gây ra một đợt bán tháo dữ dội trên thị trường chứng khoán, trái phiếu và cả tiền điện tử toàn cầu. Trong khi đó, vào phiên ngày 16/6, các đồng tiền và chỉ số chứng khoán châu Á đã bắt đầu phục hồi.
Hy vọng của các nhà đầu tư vào thị trường châu Á
Ở thời điểm hiện tại, các nền kinh tế châu Á đang phải chịu áp lực từ những chính sách thắt chặt tiền tệ của mình.
Giới đầu tư nước ngoài đã rút dòng tiền của mình ra khỏi các nền kinh tế mới nổi ở châu Á ngoại trừ Trung Quốc trong 5 tháng liên tiếp. Trong bối cảnh tăng trưởng toàn cầu chậm lại, họ lo lắng về triển vọng lạm phát và sự miễn cưỡng trong khu vực về việc tăng lãi suất của các nước.
Theo ông Jonathan Fortun - chuyên gia kinh tế thuộc IIF, thách thức lớn nhất đối với ngân hàng trung ương các nước mới nổi ở châu Á là việc duy trì được tín nhiệm trong bối cảnh mối lo lạm phát ngày một lớn dần. Bên cạnh đó, ngân hàng trung ương các nước này không được hành động chậm hơn với với ngân hàng trung ương các nước phát triển khác, để không bị những diễn biến khác thường gây bất ngờ.
Theo Viện Tài chính Quốc tế (IIF), trong tháng trước các nhà đầu tư đã rút khoảng 4,9 tỷ USD khỏi các thị trường mới nổi, kéo dài chuỗi "chảy máu" dòng tiền này sang tháng thứ 3 liên tiếp.
“Một nghiên cứu gần đây của MAS chỉ ra rằng, cứ mỗi khi đồng bạc xanh tăng giá thêm 1% thì dòng vốn rút ra sẽ tăng thêm 0,3% ngay trong quý tiếp đó”, ông Menon bình luận.
Phản ứng của các ngân hàng trung ương châu Á khác với căng thẳng lạm phát đang diễn ra tại các nước chính là một yếu tố mà các nhà đầu tư lưu tâm rất lớn. Một chiến lược gia thị trường mới nổi tại ngân hàng đầu tư NatWest Markets, ông Galvin Chia, chỉ ra việc bán tháo trái phiếu Indonesia trong tháng này là bằng chứng cho thấy giới đầu tư muốn các ngân hàng trung ương ôn hòa thay đổi lập trường của họ.
Người đứng đầu bộ phận nghiên cứu vĩ mô toàn cầu tại ngân hàng Nomura, ông Rob Subbaraman cho biết, FED sẽ gây áp lực lên châu Á, buộc ngân hàng trung ương các nước này phải tăng lãi suất để giảm thiểu rủi ro gia tăng "chảy máu" dòng vốn khi mà đồng nội tệ yếu hơn. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng, nhiều nền kinh tế châu Á hiện đang phải đối mặt với áp lực lạm phát của riêng họ dù có hay không hành động điều chỉnh lãi suất của FED.
Chuyên gia này cũng đã thay đổi quan điểm của mình về việc ngân hàng trung ương Thái Lan (BoT) giữ nguyên lãi suất. Mới đây, ông đã dự báo ngân hàng này sẽ điều chỉnh nâng mức lãi suất trong hai cuộc họp tới. Chuyên gia này cũng đưa ra dự báo, lãi suất ở Ấn Độ sẽ được điều chỉnh tăng mạnh trong nửa cuối năm nay.
Dõi theo nền kinh tế Trung Quốc
Các chuyên gia đồng loại nhận định rằng, tình hình kinh tế của Trung Quốc vẫn là một ẩn số khó đoán và nó sẽ tác động lớn đến nền kinh tế của toàn bộ châu Á.
Trong tháng 6, các nhà chức trách Trung Quốc đã dần nới lỏng các đợt siết chặt kiểm soát một số ngành nghề, cùng với đó là việc thu hẹp các lệnh phong tỏa để thực hiện chiến lược Zero-Covid. Tuy nhiên, vẫn có một câu hỏi lớn được các chuyên gia đặt ra là liệu nền kinh tế Trung Quốc sẽ phục hồi nhanh như thế nào?
Giới chuyên ra cho rằng, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) không có nhiều không gian chính sách để nới lỏng, trong bối cảnh FED quyết liệt hành động còn Bắc Kinh thì có động thái cảnh giác với bong bóng nợ.
Động thái nổi bật thể hiện sự thận trọng này của Bắc Kinh chính là việc Nội các Trung Quốc khẳng định vào hôm thứ Tư vừa qua, nước này sẽ hành động dứt khoát trong việc tăng cường hỗ trợ cho việc phục hồi kinh tế. Tuy nhiên, những nỗ lực như vậy sẽ không dẫn đến việc ngân hàng nước này phát hành tiền quá mức và thấu chi (chi tiêu vượt quá số tiền thực có) trong tương lai.
Trong bối cảnh, dòng vốn nước ngoài đang "chảy" khỏi Trung Quốc thì sự khác biệt chính sách giữa hai nền kinh tế số 1 và số 2 thế giới đã xóa sổ lợi thế về lợi suất của Trung Quốc, gây ra mức sụt giảm kỷ lục tính theo tháng đối với đồng nhân dân tệ. Đến thời điểm hiện tại thì đồng tiền của Trung Quốc đã dần ổn định trở lại.
Tuy nhiên, vào tuần cuối cùng của tháng 5, các nhà đầu tư nước ngoài đã đảo chiều và mua vào nhiều hơn các tài sản của Trung Quốc, dù lượng nắm giữ trái phiếu nước này vẫn giảm trong tháng thứ 4 liên tiếp.
Ông Kerry Craig, chiến lược gia thị trường toàn cầu tại công ty quản lý tài sản J.P. Morgan Asset Management cho hay, các từ khóa liên quan đến thị trường Trung Quốc là ổn định và kiểm soát. Khi các nhà đầu tư tập trung vào nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này, họ muốn thấy thị trường tiền tệ, trái phiếu và cổ phiếu của nước này được kiểm soát nhiều hơn và ổn định hơn.
Chưa vội đầu tư vào các nền kinh tế mới nổi này
Dù nền kinh tế của các nước châu Á đang dần phục hồi sau đợt lao dốc ngày 15/6. Ông Chia cho rằng, các nhà đầu tư không nên đề cao đợt tăng giá vào hôm thứ Năm vừa qua và đưa ra cảnh báo rằng thị trường có thể sẽ có biến động mạnh trong vài tuần tới.
Cũng theo chuyên gia này, các thị trường vẫn còn một chút dư địa để đối phó với những động thái tăng lãi suất tiếp theo của FED. Ông cũng đưa ra lời khuyên cho các nhà đầu tư không nên đưa ra bất kỳ quyết định lớn, dài hạn nào trong thời điểm này, khi các thị trường sẽ có thêm những diễn biến khó lường.
Chiến lược gia của J.P. Morgan Asset Management còn đưa ra nhận định, ngay cả khi FED quyết định tăng lãi suất và kéo dòng tiền "chảy" ra khỏi các thị trường mới nổi, thì các nền kinh tế châu Á vẫn còn có nhiều hỗ trợ từ thặng dư tài khoản vãng lai và đồng nội tệ của các nước này ở trong tình trạng ổn định hơn so với các thời kỳ trước.
Chính điều này đã giúp cho thị trường các nước châu Á dù chứng kiến tình trạng bán tháo trong năm nhưng diễn biến lần này có phần nhẹ nhàng hơn so với giai đoạn dòng vốn rút ra dữ dội trong các chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ của Mỹ trong năm 2004 và 2016.
Ông Craig cũng chia sẻ nên thận trọng trong vấn đề phân bổ tài sản, ông không khuyến khích các nhà đầu tư chuyển hướng sang các thị trường tài sản ở châu Á trong thời điểm này.
Chuyên gia này còn khẳng định, những thị trường đó đang trở nên hấp dẫn các nhà đầu tư hơn, tuy nhiên họ nên suy nghĩ về nơi ghi nhận tăng trưởng trong danh mục đầu tư của mình. Các nhà đầu tư nên chờ những diễn biến tiếp theo về tăng trưởng kinh tế và lạm phát trong thời gian tới để đưa ra quyết định.