Giá xăng trong nước tiếp tục giảm 470 đồng/lít, trở về mức giá hồi đầu năm
BÀI LIÊN QUAN
Ngày mai (1/8), giá xăng ngày mai có thể giảm về 24.000 đồng/lítThực trạng doanh nghiệp bán lẻ hiện nay: Để giá hàng hóa điều chỉnh kịp theo giá xăng dầu phải cần thời gianNgười Mỹ phàn nàn quá nhiều về giá xăng tăng vọt, nhưng thực tế không bị ảnh hưởng mấyChiều nay ngày 1/8, liên Bộ Tài chính - Công Thương đã tiến hành điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu trong nước theo chu kỳ 10 ngày/lần. Trong kỳ điều chỉnh giá lần này, giá xăng E5 RON 92 giảm 450 đồng/lít xuống còn 24.620 đồng/lít; xăng RON 95 được điều chỉnh giảm 470 đồng/lít xuống còn 25.600 đồng/lít.
Bên cạnh đó, giá dầu diesel cũng giảm 950 đồng/lít còn 23.900 đồng/lít, dầu hỏa giảm xuống còn 24.530 đồng/lít… Như vậy, đây là lần giảm thứ 4 liên tiếp của giá xăng trong nước sau 7 lần tăng. Tính tới thời điểm hiện tại, mặt hàng này đã trải qua 20 lần điều chỉnh giá, trong đó có tổng cộng 13 lần tăng và 7 lần giảm, giúp giá xăng trong nước xuống quanh mức 24.500-25.500 đồng/lít. Đồng thời, giá xăng trong nước thời điểm hiện tại đã về mức tương đương với thời điểm đầu năm.
Đáng chú ý, trong kỳ điều chỉnh này, liên Bộ Tài chính - Công Thương đã trích lập quỹ bình ổn giá đối với mặt hàng xăng ở mức 800-850 đồng/lít, dầu diesel là 450 đồng/lít và dầu hỏa là 50 đồng/lít. Thời điểm hiện tại, một số doanh nghiệp lớn đã có dư địa quỹ bình ổn xăng dầu dương trở lại. Cụ thể, tính đến ngày 21/7 vừa qua, quỹ bình ổn xăng dầu của Petrolimex dương 53,3 tỷ đồng trong khi PVOil âm hơn 1.000 tỷ đồng...
Dữ liệu từ Trading Economics cho thấy, trong vòng 24h qua, giá dầu thô Brent tiêu chuẩn toàn cầu đã giảm từ mức giá hơn 113 USD/thùng xuống còn 103,83 USD/thùng. Cùng cảnh ngộ, giá dầu WTI của Mỹ cũng ghi nhận mức giảm 0,77%, từ hơn 102 USD/thùng xuống còn gần 98 USD/thùng.
Có thể thấy, dù giá xăng trong nước đã có 2 lần giảm sâu liên tiếp lên tới gần 7.000 đồng/lít nhưng giá của các hàng hóa khác vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có chỉ đạo khẩn nhằm tăng cường các biện pháp quản lý, điều hành giá. Với những mặt hàng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ giá xăng dầu như dịch vụ vận tải hàng hóa, vận tải hành khách và logistics cần rà soát cũng như kê khai giá, từ đó đánh giá việc điều chỉnh giá phù hợp với biến động của các yếu tố đầu vào, trường hợp có thể giảm giá thì yêu cầu đơn vị thực hiện kê khai giảm giá kịp thời.
Đối với hàng hóa và dịch vụ thiết yếu khác, Thủ tướng cũng yêu cầu theo dõi sát diễn biến giá, nắm bắt tình hình thực hiện của các tổ chức, cá nhân kinh doanh để có các biện pháp điều hành, bình ổn giá phù hợp. Đặc biệt tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành pháp luật về giá, các biện pháp kê khai, niêm yết giá, xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng để tăng giá bất hợp lý.