meeyland app
Meey Land
Cổng thông tin bất động sản xác thực 4.0
Tải ứng dụng

Giá xăng dầu vẫn ở mức cao, đề xuất bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu ngày càng “nóng” 

Thứ hai, 18/07/2022-23:07
Dự thảo Luật Giá (sửa đổi) của Bộ Tài chính có nội dung về đề xuất bỏ các quy định về lập và sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Đề xuất này của Bộ đã thu hút được quan tâm của nhiều chuyên gia và người dân, đặc biệt trong bối cảnh giá mặt hàng thiết yếu này vẫn đang ở mức cao. 

Quỹ bình ổn “điều hòa” giá xăng dầu

Theo tienphong.vn, Quỹ bình ổn giá xăng dầu được quy định là quỹ tài chính không nằm trong cân đối ngân sách nhà nước. Do đó, tiền đóng góp vào quỹ là của người dân, Nhà nước không bỏ nguồn lực nào vào quỹ. 

Trong trường hợp giá xăng dầu ở mức thấp, người mua sẽ trả thêm một khoản nộp vào quỹ, sau đó dùng tiền này để bù vào khi giá xăng dầu tăng cao, có nghĩa là người dân nộp tiền trước để bình ổn cho chính mình. Các công ty xăng dầu chỉ thu hộ và giữ hộ. Nhà nước không phải chi tiền cho Quỹ bình ổn giá nhưng vẫn điều tiết và giữ giá xăng dầu biến động theo đồ thị hình răng cưa thay vì “lên đỉnh, xuống vực” gây sốc cho người tiêu dùng và nền kinh tế. 

Trong những trường hợp cần thiết, liên Bộ Công Thương và Bộ Tài chính sẽ điều chỉnh mức trích lập của Quỹ. Thời điểm trích lập quỹ phải phù hợp với biến động của thị trường và phải có thông báo bằng văn bản để các thương nhân đầu mối xăng dầu thực hiện.


Quỹ bình ổn xăng dầu là quỹ tài chính không nằm trong ngân sách nhà nước.
Quỹ bình ổn xăng dầu là quỹ tài chính không nằm trong ngân sách nhà nước.

Tại cuộc họp báo thường kỳ quý II vừa diễn ra, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhìn nhận: “Việt Nam có lạm phát tâm lý nên khi xăng dầu tăng giá sẽ kéo theo giá nhiều mặt hàng khác tăng theo khiến người dân bị ảnh hưởng. Lúc này, Quỹ bình ổn giá xăng dầu giống như “hồ điều hòa, khi no để dành, khi đói bỏ ra dùng” nên có giá trị rất nhiều”.

Theo quy định tại Nghị định 83 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu, mỗi lít xăng dầu trước khi bán ra thị trường được trích lập Quỹ bình ổn giá 300 đồng. Việc trích lập Quỹ bình ổn giá sẽ do liên bộ Công Thương - Tài chính quyết định tại kỳ điều hành giá xăng dầu. Trong quý I/2022, do giá xăng dầu liên tục tăng khiến Quỹ bình ổn giá âm gần 170 tỷ đồng.

Bỏ Quỹ bình ổn điều tiết xăng dầu theo giá thị trường 

Trong Dự thảo tờ trình Luật Giá sửa đổi, Bộ Tài chính đã đề xuất bỏ quy định về lập, sử dụng Quỹ bình ổn giá. Theo Bộ Tài chính, gắn quy định đưa xăng dầu vào diện quản lý theo giá tham chiếu nên có thể xem xét bỏ Quỹ bình ổn giá, điều này sẽ giúp giá xăng dầu vận động theo cơ chế thị trường. 

Dự thảo Luật Giá sửa đổi nêu rõ: “Sau khi bỏ Quỹ bình ổn giá, nếu giá xăng dầu tăng quá cao hoặc giảm quá thấp ảnh hưởng đến kinh tế xã hội hoặc trong các trường hợp khẩn cấp, cơ quan chức năng sẽ triển khai bình ổn giá theo các bước: kiểm tra yếu tố hình thành giá; kiểm soát hàng hóa tồn kho; kiểm tra số lượng, khối lượng hàng hóa hiện có để xác định nguyên nhân làm cơ sở cho việc lựa chọn biện pháp bình ổn giá phù hợp, quyết định áp dụng một hoặc một số biện pháp bình ổn giá theo quy định”.


Trong Dự thảo tờ trình Luật Giá sửa đổi, Bộ Tài chính đã đề xuất bỏ quy định về lập, sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu.
Trong Dự thảo tờ trình Luật Giá sửa đổi, Bộ Tài chính đã đề xuất bỏ quy định về lập, sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Tạ Anh Tuấn cho biết, dự thảo Luật Giá sửa đổi theo nguyên tắc kiên trì thực hiện nguyên tắc thị trường. Theo ông Tuấn, thực chất Quỹ bình ổn giá xăng dầu này là trích từ người tiêu dùng. Trong thời gian qua đã có nhiều ý kiến khác nhau về việc trích lập và sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu. 

“Để phù hợp và tiến tới nguyên tắc thị trường, chúng ta phải đảm bảo giá của xăng dầu phù hợp với nguyên tắc thị trường. Cùng với đó, cơ quan chức năng sử dụng các công cụ khác như thuế để ổn định giá xăng dầu”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Nhằm hỗ trợ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp và sinh hoạt của người dân trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới tăng mạnh. Trong các kỳ điều hành giá xăng dầu thời gian vừa qua liên Bộ Công Thương - Tài chính đã thực hiện chi sử dụng quỹ liên tục cho các mặt hàng xăng và dầu với mức chi từ 100 - 1.500 đồng/lít, tuỳ từng mặt hàng.

Về đề xuất bổ Quỹ bình ổn giá xăng dầu, Hiệp hội Xăng dầu cho rằng, nếu thả lỏng giá thì cơ quan chức năng cần rà soát, kiểm soát giá chặt chẽ, tạo nguồn cung chủ động ngăn chặn doanh nghiệp bắt tay nhau cấu kết, làm giá để trục lợi, gây bất ổn thị trường. 

Đại diện Hiệp hội Xăng dầu nhấn mạnh: “Quỹ bình ổn giá xăng dầu trong suốt thời gian qua đã tỏ rõ vai trò, tác dụng của việc kiềm chế giá xăng dầu, để không tăng nóng. Những thời điểm giá xăng tăng biến động như vậy quỹ phải trích tiền ra để bù vào thiếu hụt, nếu không thị trường sẽ biến động tiêu cực ngay”.


Nhiều ý kiến cho rằng đề xuất bỏ Quỹ bình ổn xăng dầu là phù hợp.
Nhiều ý kiến cho rằng đề xuất bỏ Quỹ bình ổn xăng dầu là phù hợp.

Tại kỳ điều hành giá gần đây nhất vào đúng 0h ngày 11/7, giá xăng E5 RON 92 trong nước được điều chỉnh giảm 3.103 đồng/lít, xuống còn 27.788 đồng/lít; xăng RON 95 giảm 3.088 đồng/lít còn 29.675 đồng/lít. Đây là lần giảm thứ hai trong 10 phiên điều chỉnh gần nhất của giá xăng, 8 lần còn lại giá mặt hàng này tăng.

Về Quỹ bình ổn giá trong kỳ điều chỉnh giá xăng dầu lần này, liên Bộ Công Thương - Tài chính không chi, nhưng thực hiện trích lập đối với các loại xăng ở mức 950 đồng/lít. 

Liên Bộ Tài chính, Bộ Công Thương cho biết mục đích của hành động này là để có dư địa điều hành bình ổn giá xăng dầu cho giai đoạn các tháng cuối năm, khi thị trường xăng dầu vẫn đang tiềm ẩn nhiều bất ổn. Quỹ bình ổn được sử dụng liên tục để ổn định giá mặt hàng xăng dầu trong nước trong thời gian qua nên số dư hiện ở mức thấp, tại nhiều doanh nghiệp thậm chí bị âm.

Quỹ bình ổn giá không phát huy tác dụng

Theo TS Phạm Thế Anh - Kinh tế trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), về cơ bản Quỹ bình ổn giá không giúp người tiêu dùng giảm chi phí. Bởi Quỹ hoạt động theo cách thức “tiền của người dân ứng trước vào quỹ và trả lại vào kỳ điều hành sau”. Quỹ có mục tiêu nhằm giảm biến động giá xăng dầu thế giới vào giá bán trong nước. Theo tính toán của các chuyên gia, giai đoạn từ năm 2020 đến nay, việc có quỹ hay không cũng không có tác dụng. 


Trong trường hợp bỏ Quỹ bình ổn thì xăng dầu sẽ được vận hành theo cơ chế thị trường. 
Trong trường hợp bỏ Quỹ bình ổn thì xăng dầu sẽ được vận hành theo cơ chế thị trường. 

Ghi nhận có 56 lần điều chỉnh giá trong khoảng thời gian từ 10/2020 đến tháng 4/2022, trong đó, xăng có số lần xả quỹ nhiều hơn số lần phải trích nộp quỹ, còn dầu thì ngược lại. Cụ thể, đối với xăng E5 RON 92 số lần được xả quỹ là 43 và số lần phải trích nộp quỹ chỉ là 13 lần. Xăng RON 95 có 33 lần được xả quỹ trong khi chỉ phải trích nộp quỹ 20 lần. Các mặt hàng dầu diesel có 24 lần được xả, 32 lần phải trích nộp. Dầu hỏa có 21 lần được xả, 29 lần phải trích nộp. Dầu mazut có 20 lần được xả, 27 lần phải trích nộp, còn lại là những lần không có thay đổi.

“So sánh của chúng tôi cho thấy, việc sử dụng Quỹ bình ổn giá cũng không khác so với không có quỹ. Vì vậy, việc bỏ Quỹ bình ổn giá là cần thiết để giá xăng dầu sát với thị trường”, TS Phạm Thế Anh phân tích.

Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) cho rằng, cần sớm tiến tới vận hành theo cơ chế thị trường đối với xăng dầu. 

“Bản chất Quỹ bình ổn giá là người dân nộp tiền trước để bình ổn cho chính mình. Khi giá xăng dầu tăng cao, phần quỹ đã được tạm ứng cho vào giá, đẩy rủi ro về phía doanh nghiệp. Khi giá xăng cao, nhiều doanh nghiệp đầu mối xăng dầu âm quỹ cả trăm tỷ đồng. Vì vậy đề xuất bỏ Quỹ bình ổn giá phù hợp với thực tế”, ông Tuấn nói.

Theo: Reatimes.vn
Copy link
Chia sẻ:

Cùng chủ đề

TP.HCM chốt tỷ lệ % tính tiền thuê đất: Doanh nghiệp "chóng mặt" với chi phí

Bộ Tài chính nghiên cứu đánh thuế sở hữu nhiều nhà đất: Tránh tạo cú sốc cho thị trường

Ngân hàng “ép” khách mua bảo hiểm: Đã bị chấn chỉnh nhưng vẫn khó dẹp bỏ

Cần xử lý hành vi thao túng giá đất như đối với thị trường chứng khoán

Vụ 30 tỷ đồng/m2 đất tại Sóc Sơn: Công an điều tra dấu hiệu gây rối trật tự

TP. HCM: 6 khu "đất vàng" bị bỏ hoang tại Q. 1 được đề xuất làm bãi giữ xe

Hà Nội: Vì sao 150 hộ dân tại chung cư The Golden An Khánh chưa được cấp sổ hồng?

Nhà trọ, chung cư mini không cam kết về PCCC sẽ bị dừng hoạt động

Tin mới cập nhật

Doanh nghiệp bất động sản chủ động "hút" vốn qua phát hành trái phiếu khi kênh truyền thống bị siết

6 giờ trước

Chuyên gia dự báo, đầu tư căn hộ cho thuê sẽ tiếp tục tăng trưởng

6 giờ trước

Lãi suất cho vay mua nhà ở xã hội giảm từ năm 2025

6 giờ trước

10 sự kiện nổi bật của ngành khoa học và công nghệ năm 2024

6 giờ trước

Các quỹ ETF tiền điện tử giảm gần 700 triệu USD do Fed cắt giảm lãi suất

1 ngày trước