Giá vật liệu tăng chóng mặt, lo ngại chủ đầu tư "đắp chiếu" dự án?
BÀI LIÊN QUAN
Nhiều nhà đầu tư "đứng ngồi không yên" lao vào BĐS ngay từ đầu năm vì sợ vụt mất cơ hộiThị trường chứng khoán hôm nay 18/2: Cổ phiếu thép, hàng không là điểm đến của dòng tiềnTập Đoàn Hòa Phát: Thông Tin về Tập Đoàn Hòa PhátVật liệu xây dựng lại tăng giá thời điểm đầu năm mới
Từ giữa tháng 2/2022, loạt doanh nghiệp thép đồng loạt điều chỉnh tăng giá, dự báo việc tăng giá sẽ còn tiếp tục. Trước tình hình này, nhiều ý kiến lo ngại rằng, rất có thể sẽ xảy ra việc nhà thầu, chủ đầu tư buông xuôi cho dự án "đắp chiếu", nhất là những dự án lâu năm. Theo đó, mức giá bất động sản cũng sẽ điều chỉnh tăng.
Sau Tết Nguyên đán, Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên đã thông báo tăng giá thép xây dựng. Cụ thể, giá của mỗi tấn thép cuộn CB240 áp dụng từ ngày 12/2 là 17,3 triệu đồng nếu thanh toán ngay và gần 17,4 triệu đồng nếu thanh toán chậm, có bảo lãnh.
Bên cạnh đó, giá thép chưa bao gồm VAT các loại cũng tăng lên mức 17,3 - 17,6 triệu đồng/tấn tùy loại và tùy hình thức thanh toán nhanh hay chậm. Giá mới nhìn chung tăng 250.000 - 350.000 đồng một tấn so với thời điểm cuối tháng 1 và tuần đầu tháng 2.
Từ ngày 12/2, Công ty TNHH Thép Hòa Phát Hưng Yên (thuộc Tập đoàn Hòa Phát) đã gửi thông báo tới các đại lý về việc điều chỉnh giá bán đối với thép cuộn xây dựng. Theo đó, giá bán thép cuộn Hòa Phát tăng thêm 300.000 đồng/tấn so với trước.
Tương tự, Công ty TNHH Thép đặc biệt Shengli Việt Nam, Công ty Liên doanh Sản xuất Thép Vinausteel và Công ty CP Sản xuất Thép Việt Đức cũng thông báo về việc điều chỉnh giá thép cuộn, thép cây các loại tăng 300.000 đồng/tấn từ ngày 12/2.
Theo các đại lý kinh doanh, giá thép có khả năng còn tăng nữa. "Chúng tôi dự báo tới đây có ít nhất 2-3 đợt tăng giá nữa, với tổng mức tăng khoảng 1 triệu đồng một tấn", chị Lan - chủ một đại lý thép trên đường Lê Trọng Tấn (quận Hà Đông) cho biết.
Trên địa bàn Hà Nội hiện nay có rất nhiều công trình đang thi công, giá vật liệu liên tục tăng chắc chắn thời gian tới sẽ ảnh hưởng đến việc xây dựng của các công trình
Giá vật liệu xây dựng tăng cao sẽ khiến chủ đầu tư đành buông xuôi mặc dự án "đắp chiếu"
Theo ông Lê Tuấn Nam - Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Minh (một nhà thầu xây dựng), hệ quả của đà tăng giá các mặt hàng vật liệu thiết yếu đặc biệt là giá thép sẽ khiến đẩy giá công trình xây dựng lên mặt bằng mới. Việc giá thép tăng mạnh trong những tháng đầu năm và dự kiến tiếp đà tăng trong thời gian tới sẽ gây ra rất nhiều khó khăn cho các chủ đầu tư và nhà thầu.
Tương tự, anh Ngô Văn Dũng (chủ thầu xây dựng) nhận công trình nhà ở xây dựng 4 tầng ở quận Bình Tân, TP. Hồ Chí Minh từ cuối năm 2021 và thỏa thuận giá vật liệu xây dựng với một cửa hàng gần đó. Đã xây thô đến tầng 3 nhưng mới đây, chủ cửa hàng vật liệu xây dựng thông báo sẽ tăng giá vật liệu xây dựng sau khi xăng tăng giá. Dù không đồng tình nhưng anh Dũng vẫn phải chấp nhận trả tiền vì tất cả các cửa hàng trong khu vực đều đồng loạt tăng giá từ giữa tháng.
"Nhận nhà từ cuối năm 2021, đã thỏa thuận giá và ký hợp đồng với chủ nhà rồi nên tôi không thể tăng tiền công. Trong khi đó, VLXD lại đội giá lên, giờ tôi chỉ hy vọng không phải mang tiền nhà đi trả lương công nhân, chứ không dám nghĩ sẽ có lời", anh Dũng ngao ngán.
Động thái tăng giá thép của các doanh nghiệp thời điểm gần đây được cho là do giá thép thế giới từ đầu năm 2022 tăng mạnh trở lại. Ngoài ra, việc hàng loạt công trình, dự án đồng loạt khởi động từ cuối năm 2021 đến nay khiến nhu cầu thép xây dựng tăng cũng ảnh hưởng giá thép trong nước.
Trong báo cáo mới đây, Công ty chứng khoán Maybank Kim Eng (MBKE) đánh giá, tăng trưởng ngành thép trong nước có thể ở mức 15-20% năm nay. Triển vọng này đến từ các "trụ đỡ" của gói đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng trị giá 150.000 tỷ đồng, cộng với mức 530.000 tỷ đang có sẽ giúp chỉ tiêu công tăng 38%. Bên cạnh đó, những điều chỉnh trong luật xây dựng, đầu tư và nhà ở,... sẽ tháo gỡ những nút thắt đang ngăn cản sự phát triển của ngành bất động sản.
Các chuyên gia trong ngành dự báo giá thép sẽ còn tiếp tục tăng, ít nhất trong nửa đầu năm 2022 khi nhiều dự án tái khởi động. Mặt khác, năm 2022 nhiều dự án đầu tư công quy mô lớn sẽ được triển khai như các tuyến cao tốc Bắc - Nam, sân bay quốc tế Long Thành, các tuyến đường vành đai,... cũng sẽ đẩy lượng tiêu thụ thép tăng mạnh.
Trước mắt, nếu giá thép, giá nguyên vật liệu chỉ tăng trong khoảng thời gian ngắn cũng như tăng nhẹ thì nhà thầu, chủ đầu tư vẫn xoay chuyển được. Tuy nhiên, nếu tính về lâu dài, nhiều ý kiến lo ngại việc tăng giá lên cao sẽ khiến chủ đầu tư lỗ nặng, thậm chí nhiều chủ đầu tư chấp nhận buông xuôi để mặc dự án "đắp chiếu".
Thực tế, thời điểm này không chỉ các nhà thầu xây dựng đau đầu với bài toán giá vật liệu xây dựng tăng chóng mặt, mà các chủ đầu tư lớn cũng đang lo lắng khi mà đơn giá xây lắp bị đội lên cao so với dự toán ban đầu khiến ảnh hưởng đến tổng mức đầu tư.
Trước đó, năm 2021, thị trường từng chứng kiến sự tăng vọt của giá thép với mức đáy 14.800 đồng/kg leo thẳng lên đỉnh 17.200 đồng/kg. Điều này không chỉ khiến ngành xây dựng lao đao mà cử tri cả nước cũng lo ngại.
Cử tri đã kiến nghị Bộ Xây dựng phối hợp với các ngành chứng năng liên quan để có biện pháp ổn định giá cả thị trường vật liệu xây dựng, giúp các công trình, dự án đang thực hiện được hoàn thành theo đúng tiến độ, góp phần phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội theo mục tiêu đã đề ra.
Về vấn đề này, Bộ Xây dựng cho biết, Giá một số loại vật liệu xây dựng có xu hướng tăng chủ yếu vào nửa đầu năm 2021. Tuy nhiên, cơ bản đã được kiểm soát và ổn định vào thời điểm cuối năm 2021.