Giá nhà đất cao gấp 33 lần thu nhập bình quân một năm
Theo chỉ số giá nhà trên thu nhập, giá nhà ở TP.HCM đang đắt đỏ đứng thứ 12 thế giới và đã liên tục tăng trong một số năm gần đây. Chỉ số này cho thấy giá một căn nhà ở TP.HCM cao gấp gần 33,25 lần thu nhập bình quân của một người trong 1 năm. Đây là mức rất cao so với hầu hết các thành phố lớn trên thế giới.
Tính riêng trong khu vực Đông Nam Á, TP.HCM chỉ xếp sau Manila (Philippines), trở thành một trong những thành phố có bất động sản đắt đỏ bậc nhất khu vực Đông Nam Á.
Chỉ số giá nhà so với thu nhập của Hà Nội tính đến thời điểm hiện tại là 22,35 lần, xếp hạng 38 trên thế giới. Xét về số giá trị tuyệt đối, Hà Nội cũng là một trong những thành phố có giá nhà đất siêu đắt đỏ với tỷ lệ giá trên thu nhập bỏ xa nhiều thủ đô của các nước phát triển như Bỉ (7,17), Hà Lan (10,73), Nhật Bản (13,52), Anh (16,95)...
Đứng đầu trong bảng xếp hạng tỷ lệ giá nhà trên thu nhập hiện nay là Damascus - thủ đô của Syria với tỷ lệ 147,48 lần. Tỷ giá nhà trên thu nhập thấp nhất thuộc về Pretoria - thủ đô hành chính của Nam Phi với tỷ lệ 2,05 lần.
Quốc gia có giá bất động sản phù hợp với thu nhập bình quân của người dân nhất là Hoa Kỳ, với rất nhiều thành phố lớn thuộc vào top các thành phố có chỉ số thấp nhất: New York (9,51), Boston (7,09), Los Angeles (6,34), Las Vegas (3,45), Indianapolis (2,08)... Đáng chú ý, tỷ lệ giá nhà trên thu nhập của Thủ đô Hoa Kỳ - Thành phố Washington DC, chỉ bằng 1/3 tỷ lệ Thủ đô Việt Nam, với chênh lệch là 6,92 lần.
Với tỷ lệ giá nhà chênh lệch cao so với thu nhập bình quân đầu người, chỉ số khả năng chi trả của hai thành phố lớn tại Việt Nam cũng không mấy khả quan, lần lượt là 0,43 và 0,27, xếp hạng 263 và 281/297 quốc gia trong bảng khảo sát.
Kết quả thống kê đầu năm 2022 cũng không khả quan hơn, khảo sát trên 482 thành phố của các quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau cho thấy, chỉ số khả năng chi trả của Việt Nam cũng rất thấp: Hà Nội với 0,53 xếp thứ 427, TP.HCM với 0,30 xếp thứ 466.
Trong giai đoạn 2020 - 2022, “sốt đất” cục bộ đã và đang đẩy giá nhà đất Việt Nam lên quá cao so với thu nhập của người lao động. Các chuyên gia cho rằng, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng “sốt đất” kéo dài là do sự thiếu hụt lượng cung mới trên thị trường vốn đã nóng sốt, trong khi đó, nhu cầu tìm mua các sản phẩm nhà đất đang ngày càng gia tăng, dẫn đến ngữ cảnh “Mất cân bằng cung - cầu” và việc giá bị đẩy lên cao là điều tất yếu.