GDP năm 2022 tăng 8,02%, mức tăng cao nhất trong thập kỷ qua
BÀI LIÊN QUAN
Mất bao nhiêu năm GDP bình quân Việt Nam mới vượt Lào và Campuchia?Phấn đấu năm 2030 kinh tế khu vực đô thị đóng góp 85% vào GDP cả nướcTăng trưởng GDP 2023 dự báo khả thi ở mức 6,5 - 7%Năng suất lao động năm 2022 tăng 4,8%
Trong công bố mới nhất của Tổng cục Thống kê vào ngày 29/12, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý IV/2022 ước tính tăng 5,92% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên mức tăng này cao hơn tốc độ tăng cùng kỳ năm 2020 (4,7%) và năm 2021 (5,1%) nhưng thấp hơn tốc độ tăng của quý IV các năm từ 2011 - 2019, thời điểm trước đại dịch Covid-19.
Tính chung, GDP cả năm 2022 tăng 8,02% so với năm trước do nền kinh tế được khôi phục trở lại. Trong đó, quý I tăng 5,05%, quý II tăng 7,83%, quý II tăng 13,71%, quý IV tăng 5,92%.
Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết: “Đây là mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2011 - 2022”.
Trong đó, khu vực dịch vụ được khôi phục và tăng trưởng mạnh mẽ với tốc độ tăng của năm 2022 đạt 9,99%, cao nhất trong giai đoạn 2011 - 2022, đóng góp 56,65% vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của nền kinh tế. Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,78%, đóng góp 38,24%. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,36%, đóng góp 5,11% vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.
Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 8,10%, đóng góp 2,09 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Ngành cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,45%, đóng góp 0,04 điểm phần trăm. Ngành sản xuất và phân phối điện tăng 7,05%, đóng góp 0,26 điểm phần trăm. Ngành khai khoáng tăng 5,19%, đóng góp 0,17 điểm phần trăm. Ngành xây dựng tăng 8,17%, đóng góp 0,59 điểm phần trăm
Trong khu vực dịch vụ, một số ngành dịch vụ thị trường tăng cao, đóng góp nhiều vào tốc độ tăng tổng giá tăng thêm toàn nền kinh tế như ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng cao nhất trong khu vực dịch vụ tăng 40,61%, đóng góp 0,79 điểm phần trăm; ngành vận tải kho bãi; ngành bán buôn, bán lẻ tăng 10,15% so với năm trước, đóng góp 0,97 điểm phần trăm; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 9,03%, đóng góp 0,53 điểm phần trăm; ngành thông tin và truyền thông tăng 7,80%, đóng góp 0,5 điểm phần trăm. Ngoài ra, ngành y tế và hoạt động trợ giúp xã hội giảm 7,6%, làm giảm 0,13 điểm phần trăm do dịch Covid-19 đã được kiểm soát nên chi phí phòng, chống dịch bệnh giảm so với năm 2021.
Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục thể hiện vai trò bệ đỡ của nền kinh tế. Trong đó, ngành nông nghiệp tăng 2,88%, đóng góp 0,27 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành lâm nghiệp tăng 6,13%, đóng góp 0,03 điểm phần trăm; ngành thủy sản tăng 4,43%, đóng góp 0,12 điểm phần trăm.
Về cơ cấu kinh tế cả năm 2022, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 11,88%; khu vực công nghệ và xây dựng chiếm 38,26%; khu vực dịch vụ chiếm 41,33%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 8,53%.
Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy, GDP bình quân đầu người năm 2022 theo giá hiện hành ước đạt 95,6 triệu đồng/người, tương đương 4.110 USD, tăng 393 USD so với năm 2021.
Năng suất lao động của toàn nền kinh tế năm 2022 theo giá hiện hành ước đạt 188,1 triệu đồng/lao đồng (tương đương 8.083 USD/lao động, tăng 622 USD so với năm 2021). Năng suất lao động năm 2022 tăng 4,8% do trình độ của người lao động được cải thiện (tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ năm 2022 đạt 26,2%, cao hơn 0,1 điểm phần trăm so với năm 2021).
CPI bình quân quý IV tăng 0,67% so với quý trước, tăng 4,41% so với cùng kỳ năm 2021. Tính chung CPI bình quân cả năm 2022 tăng 3,15% so với năm 2021, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra từ đầu năm là dưới 4%.
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt 732,5 tỷ USD
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, trong tháng 12, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt 58,82 tỷ USD, tăng 2,7% so với tháng trước và giảm 11,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong cả năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt 732,5 tỷ USD, tăng 9,5% so với năm trước. Đây là con số kỷ lục trong nhiều năm trở lại đây. Xuất khẩu tăng 10,6%; nhập khẩu tăng 8,4%. Năm 2022, cán cân thương mại hàng hóa ướng tính xuất siêu 11,2 tỷ USD và là năm thứ 7 liên tiếp xuất siêu.
Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 371,85 tỷ USD, tăng 10,6% so với năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 95,09 tỷ USD, tăng 6,5%, chiếm 25,6% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 276,76 tỷ USD, tăng 12,1%, chiếm 74,4%. Trong đó, có 36 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 94% tổng kim ngạch xuất khẩu (8 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 70,1%).
Cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu năm 2022, nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản chiếm 1,4%, tăng 0,3 điểm phần trăm so với năm trước; nhóm hàng công nghiệp chế biến chiếm 89%, giảm 0,1 điểm phần trăm; nhóm hàng nông sản, lâm sản chiếm 6,7%, giảm 0,5 điểm phần trăm; nhóm hàng thủy sản chiếm 2,9%, tăng 0,3 điểm phần trăm.
Trong tháng 12, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 29,16 tỷ USD, tăng 3,1% so với tháng 11, giảm 8,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong quý IV/2022, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 85,07 tỷ USD, giảm 5,8% so với quý III/2022 và giảm 3,9% so với cùng kỳ năm trước. Cả năm 2022, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 360,65 tỷ USD, tăng 8,4% so với năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 125,79 tỷ USD, tăng 10%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 234,86 tỷ USD, tăng 7,5%.
Trong năm 2022 có 46 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 93,3% tổng kim ngạch nhập khẩu (có 6 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 52,1%).