Founder Veritas cùng hành trình mang sản phẩm có DNA của Việt Nam vươn tầm thế giới
BÀI LIÊN QUAN
Chân dung nhà sáng lập và CEO startup Việt vừa được quỹ của Temasek đầu tư 50 triệu USD10 thương vụ gọi vốn khủng nhất của các Startup Việt nửa đầu năm: Có doanh nghiệp huy động được 150 triệu USDChỉ sau 1 năm, startup này giảm giá trị từ 46 tỷ USD còn 6,5 tỷ USD khiến thị trường sốc nặngTại văn phòng của công ty Veritas, nhiều người có dịp đến thăm sẽ ngay lập tức bị thu hút bởi không gian nhỏ xinh, đặc biệt là chiếc kệ lớn bày nhiều sản phẩm ly cà phê, dĩa, thìa… được làm từ bã cà phê. Đại dịch Covid-19 ập đến đã khiến nhiều thứ ở đây thay đổi, trong đó có cả định hướng sản xuất và chiến lược kinh doanh của công ty. Giám đốc của Veritas là anh Lê Thanh, người đàn ông có hành trình khởi nghiệp vô cùng ấn tượng.
Đơn vị tạo ra những chiếc ly “sống xanh” không ai khác chính là Veritas. Thậm chí, ngay đến cả phần lưng của nhiều chiếc ghế trong công ty cũng là sản phẩm từ bã cà phê. Có thể nhiều người đã nhìn thấy nhiều sản phẩm được làm từ bã cà phê, mang trong mình “sứ mệnh xanh” tại một cửa hàng thời trang hoặc một khách sạn nổi tiếng nào đó. Thế nhưng, họ không thể biết được, người sản xuất ra chúng lại một startup Việt có tuổi đời khá non trẻ. Có thể thấy, Veritas chấp nhận là người đứng sau để những thương hiệu lớn có thể truyền tải thông điệp về những sản phẩm hoặc chiến dịch thân thiện và bảo vệ môi trường.
Sự chuyển mình ấn tượng trong đại dịch Covid-19
Trước khi kinh doanh coffee bio-composite (hạt nguyên liệu kết hợp giữa nguồn nguyên liệu tái tạo và bã cà phê), Veritas từng khởi nghiệp với một số sản phẩm khác nhau. Trước kia, doanh nghiệp cũng từng kinh doanh giày từ bã cà phê, dù lợi nhuận được ghi nhận nhưng tăng trưởng lại không được như anh Lê Thanh mong muốn, sản phẩm cũng không làm cách nào ra ngoài thế giới. Khi Veritas vẫn còn loay hoay tìm hướng đi cho mình thì bất ngờ đại dịch ập đến.
Để có thể thích nghi và sống sót trong đại dịch, công ty quyết định chuyển sang sản xuất khẩu trang từ bã cà phê và bình oxy. Thời điểm ấy, vị CEO này cảm thấy việc hợp tác với các đối tác nước ngoài là khá dễ dàng. Không những thế, vấn đề đồ dùng và rác thải y tế lại một lần nữa được quan tâm. Một số quốc gia phương Tây đã ra lệnh cấm nhựa cùng những sản phẩm dùng một lần. Anh Lê Thanh lập tức nhận ra, đây chính là cơ hội để Veritas thực hiện ước mơ tạo ra sản phẩm có thể phục vụ thị trường toàn cầu.
Khi mới khởi nghiệp, anh Lê Thanh còn mải mê ôm đồm quá nhiều thứ, từ R&D (nghiên cứu và phát triển), sản xuất, marketing, dịch vụ sau bán hàng, tài chính… Tuy nhiên sau đó, anh nhận ra rằng, để phát triển thì doanh nghiệp cần phải chuyên môn hóa vào những lĩnh vực mà mình có lợi thế lâu dài. Chính vì thế, vị CEO trẻ đã định hình lại hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty, sẵn sàng bỏ hết những thứ không phải trọng tâm, đồng thời đi sâu vào những thứ có lợi thế cạnh tranh hơn.
Trong thời điểm nhiều nước phương Tây ra lệnh cấm nhựa, đã có nhiều khách hàng tìm đến mua khẩu trang của Veritas. Nhờ những đơn vị này, anh biết được nhu cầu của họ về thiết kế và sản phẩm cần có câu chuyện cho thị trường. Theo anh Lê Thanh, khách hàng ở châu u, Mỹ và Nhật Bản thường thích những gì có sẵn, vì thế chỉ cần thay bằng ngôn ngữ, logo của họ là có thể kinh doanh được. Để đáp ứng nhu cầu của thị trường nước ngoài, Veritas tập trung phát triển hạt nguyên liệu, sau đó làm ra sản phẩm OEM (mặt hàng được sản xuất bởi một nhà máy hoặc doanh nghiệp chuyên thực hiện những công việc như cung ứng/sản xuất theo đơn hàng của đối tác). Đường dài của Veritas chính là kinh doanh nguyên liệu.
Mang sản phẩm có dấu ấn Việt Nam vươn tầm thế giới
Thời điểm hiện tại, Veritas đã đăng ký sở hữu trí tuệ cho nguyên liệu, công thức cũng đã ổn định. Những việc làm này của Veritas là để những đối tác nước ngoài có thể thoải mái và yên tâm hợp tác, chứng minh rằng doanh nghiệp vô cùng nghiêm túc trong chuyện đi đường dài với các dự án này.
Bên cạnh đó, CEO Veritas muốn biến Việt Nam trở thành sân nhà và có lợi thế cạnh tranh với Trung Quốc, ở góc độ Việt Nam đang là nước xuất khẩu cà phê lớn thứ hai thế giới chỉ sau Brazil. Điều này trở thành lợi thế giúp doanh nghiệp thu gom bã cà phê dễ dàng hơn, sản phẩm nguyên liệu tốt hơn Trung Quốc về giá thành đầu vào. Việc lựa chọn bã cà phê làm nguyên liệu, anh Lê Thanh cho biết, mong muốn của anh là khi bán sản phẩm của Veritas ra thị trường và đặc biệt là thị trường quốc tế, chúng có thể mang DNA của Việt Nam, mang đậm dấu ấn Việt Nam.
Điều đáng nói, Veritas không chạy quảng cáo hoặc tung ra các chiến dịch marketing rầm rộ. CEO Veritas quan niệm, chỉ cần làm tốt việc đang làm thì tự nhiên tiếng lành sẽ đồn xa. Ví dụ như, đơn hàng của khách hàng lớn, doanh nghiệp phục vụ họ tốt thì những khách hàng nhỏ và trung bình nhìn vào sẽ mong muốn hợp tác với Veritas.
Việc là người đi đầu đối với Veritas là lợi thế nhưng cũng là thách thức. Từ năm 2013, tại Đức và Úc cũng đã có những công ty về vật liệu này. Năm 2019, tại thị trường Mỹ, McCafe đã hợp tác với Ford để có thể sản xuất một số chi tiết bằng nhựa trong xe hơi từ bã cà phê. Chính vì thế, nếu xét về quy mô toàn cầu, CEO Lê Thanh khẳng định Veritas chỉ là người trong nhóm đầu thôi. Các thị trường và đối thủ toàn cầu có hướng kinh doanh tương tự đã tạo cho Veritas niềm tin rằng lĩnh vực này có triển vọng.
Cũng theo anh Lê Thanh, Veritas không quá lo lắng về cạnh tranh từ đối thủ nội địa. Nguyên nhân bởi, doanh nghiệp đã đăng ký sở hữu trí tuệ, đồng thời thị trường mà Veritas nhắm tới là thế giới vô cùng rộng lớn. Vì thế, nếu có các công ty khác cùng tham gia vào cuộc chơi cũng là điều hết sức bình thường. Chưa kể, thời điểm hiện tại Veritas đã có những phương án tiếp theo cho việc sản xuất trong khoảng thời gian từ 3 cho đến 5 năm tới.
Ngay từ bây giờ, Veritas đã tiến hành nghiên cứu kỹ lưỡng xem ngoài bã cà phê, nguyên liệu sinh học nào sẽ là lợi thế tiếp theo có thể phát triển, thậm chí là đăng ký sở hữu trí tuệ. Theo anh Lê Thanh, Veritas mất đến 2 năm để ổn định công thức với bã cà phê như hiện tại. Giả sử 2 năm sau có người làm giống Veritas thì doanh nghiệp đã cho ra mắt nguyên liệu và sản phẩm khác rồi.
Thành công chỉ trọn vẹn khi mọi người sát cánh bên nhau
Thời điểm bão giá, không chỉ Veritas mà nhiều doanh nghiệp khác cũng vô cùng áp lực về vấn đề đầu vào và đầu ra cũng như phương thức quản lý trong bối cảnh này. Chỉ cần giá sản phẩm đầu ra tăng là sẽ mất khách hàng, do đó nhiều doanh nghiệp quay qua chế độ “gồng lỗ”. Thế nhưng, đâu phải ai cũng “gồng” được mãi. Có thể nói, dịch chuyển sang sản xuất nguyên liệu và OEM là mô hình tương đối an toàn ở thời điểm này, bởi nó không đặt nặng việc sở hữu nhà xưởng, máy móc con người, thay vào đó tập trung sở hữu công thức của nguyên liệu.
Điều cốt lõi của mô hình này chính là bán sỉ và tập trung vào công thức. Một khi có đơn hàng, Veritas sẽ tiến hành gia công theo yêu cầu của hò. Nếu phục vụ thị trường toàn cầu và đa dạng hóa đối tượng khách hàng, Veritas sẽ có thêm nguồn thu, kéo theo đó là cơ hội sinh tồn. Ngoài ra, so với việc sản xuất nhựa nguyên sinh, việc sản xuất ở quy mô lớn của Veritas đang rẻ hơn nhiều, nguyên liệu bã cà phê tại Việt Nam gần như là miễn phí.
Trong nửa đầu năm nay, tổng doanh số của Veritas đạt khoảng 1 triệu USD. CEO Lê Thanh cho biết, con số này sẽ tăng lên gấp đôi vào thời điểm kết thúc năm. Anh mong muốn trong tương lai, 80% doanh thu của Veritas sẽ đến từ hạt nguyên liệu (hiện tại là dưới 20%). Vị CEO này cũng cho biết, Veritas hiện đang nhận được ba lời đề nghị mở nhà máy. Thậm chí, có công ty Nhật còn muốn hợp tác mở nhà máy tại nước này. Tuy nhiên, Veritas vẫn quyết định theo hướng đi chậm mà chắc. Sau một thời gian, nếu thấy thị trường đủ lớn, hướng đi bền vững, hai bên hài hòa thì lúc đó, đôi bên “góp gạo thổi cơm chung” cũng chưa muộn.
Theo CEO Veritas, doanh nghiệp có được thành công như hôm nay là nhờ sự cố gắng, nỗ lực của mọi người. Anh chia sẻ: “Tôi thấy thành công và trọn vẹn khi những người phía sau mình cũng được hưởng sự trọn vẹn và niềm vui của việc ủng hộ, làm việc cùng và cả giúp đỡ tôi. Tôi thích cảm giác mọi người sát cánh bên nhau, cùng nhau đặt ra mục tiêu và cảm thấy hài lòng với kết quả đạt được. Doanh nghiệp thành công đối với tôi là một doanh nghiệp không có mình (người đứng đầu) mà vẫn vận hành và tăng trưởng. Mình tạo ra hệ thống và con người có khả năng kế thừa, phát triển chứ không phải kế thừa các khoản nợ”.
Đối với các startup hiện nay, anh cũng đưa ra lời khuyên chân thành đó là, hãy nhắm đến thị trường lớn và quan trọng là phải thực tế. Khi khởi nghiệp ai cũng ôm nhiều mộng mơ và hoài bão, nhưng hoài bão tồn tại được thì thị trường phải đủ lớn. Vị CEO này bộc bạch, nếu không có Covid-19, có thể bây giờ Veritas vẫn đang theo con đường bán giày, phục vụ một số đối tượng nhất định. Chính đại dịch bùng phát đã giúp Veritas có được tầm nhìn toàn cầu, tạo ra sản phẩm đa dạng hơn rất nhiều.