Fed chính thức tăng lãi suất mạnh nhất trong 30 năm
BÀI LIÊN QUAN
Fed sẽ không ngừng tăng lãi suấtHé lộ “bí mật” 1.800 tỷ USD của Fed trong hành trình chống suy thoái, lạm phát5 tác động lớn tới kinh tế Việt Nam khi Fed tăng lãi suấtTheo VnExpress, sau nhiều tuần dự báo, kết thúc 2 ngày họp chính sách Fed đã quyết định nâng lãi suất thêm 0,75%. Phát biểu tại buổi họp báo kết thúc phiên họp, Chủ tịch Fed Jerome Powell thừa nhận mức tăng lãi suất này là “lớn bất thường”.
Chủ tịch Jerome Powell phát biểu: "Rõ ràng rằng, 75 điểm cơ bản của ngày hôm nay là mức tăng không bình thường và tôi không cho rằng động thái tương tự như vậy sẽ được thực hiện thêm nhiều lần”. Tuy nhiên trong phiên họp kế tiếp vào cuối tháng 7, Fed vẫn có thể bàn bạc việc tăng lãi suất thêm 0,75% hay chỉ 0,5%.
Việc tăng lãi suất tham chiếu sẽ ảnh hưởng đến hàng triệu hộ gia đình và doanh nghiệp tại Mỹ. Bởi hàng loạt lãi suất cũng tăng theo, trong đó có lãi vay mua nhà, mua ô tô, lãi thẻ tín dụng, lãi vay kinh doanh. Điều này sẽ làm giảm tốc nền kinh tế.
Vào tuần trước, các nhà kinh tế học và nhà đầu tư chỉ dự báo Fed sẽ nâng lãi suất 0,5%. Báo cáo lạm phát được Bộ Lao động Mỹ công bố vào ngày 10/6 cho thấy, lạm phát trong tháng 5 đã tăng 8,6% so với cùng kỳ năm 2021, mức tăng lớn nhất trong vòng 41 năm qua. Đây là các con số nằm ngoài dự đoán của giới chức Mỹ.
Ông Powell cho biết: "Chúng tôi muốn nhận thấy sự tiến triển đối với tình hình lạm phát. Nếu không, Fed sẽ có phản ứng mạnh mẽ hơn".
Thị trường vàng và chứng khoán tại Mỹ đều đã có dấu hiệu đi lên ngay sau tin Fed nâng lãi suất. Theo đó, giá vàng đã tăng thêm 26 USD một ounce, lên 1.834 USD. DJIA chấm dứt chuỗi 5 phiên giảm liên tiếp để tăng 1%. Nhà đầu tư đánh giá động thái của Fed là cam kết vững chắc với quyết tâm giảm nhiệt lạm phát.
Jeffrey Frankel – đồng giám đốc tại Stuart Frankel & Co cho biết: "Thông báo của Powell về việc linh hoạt trong các đợt nâng lãi kế tiếp đã khiến thị trường hài lòng".
Việc Fed tăng lãi suất khiến đồng USD quay đầu giảm. Đầu phiên giao dịch ngày 16/6, trên thị trường Mỹ, chỉ số US Dollar Index (DXY) đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) giảm 0,67%, đạt mức 104,85.
Các thành viên của Cơ quan hoạch định chính sách của Fed (FOMC) đã đặt ra một lộ trình nâng lãi suất quyết liệt trong thời gian tới nhằm kìm hãm tốc độ tăng lạm phát chưa từng có. Theo đó, dựa trên dự đoán của từng thành viên, mức lãi suất chuẩn của Fed vào cuối năm 2022 sẽ ở mức 3,4%. So với dự đoán hồi tháng 3/2022, con số này cao hơn 1,5 điểm phần trăm. Vào năm 2023, dự báo mức lãi suất sẽ tăng lên 3,8%, cao hơn 1 điểm phần trăm so với ước tính hồi tháng 3.
Triển vọng tăng trưởng kinh tế trong năm 2022 của Mỹ cũng được Fed dự báo giảm do lo ngại lạm phát. Theo đó, kết thúc năm nay, GDP của nền kinh tế lớn nhất thế giới chỉ tăng 1,7%, trước đó vào tháng 3/2022 ước tính tăng 2,8%.
Việc điều chỉnh dự báo lạm phát dựa vào mức chi tiêu tiêu dùng cá nhân trong năm đã tăng từ mức 4,3% lên 5,2%. Mặc dù lạm phát lõi được dự báo tăng 4,3% - chỉ cao hơn 0,2 điểm phần trăm so với dự báo trước đó. CPI lõi trong tháng 4 đã đạt mức 4,9%, do đó quan chức của Fed cho rằng áp lực giá sẽ giảm bớt trong những tháng tới.
Thông báo sau cuộc họp của FOMC đã cho thấy một bức tranh tươi sáng hơn đối với nền kinh tế, mặc dù lạm phát tăng cao hơn. Thông báo này cho biết: "Hoạt động kinh tế tổng thể dường như đã sôi nổi hơn sau quý I ảm đạm. Việc làm đã tăng trưởng mạnh trong những tháng gần đây và tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức thấp. Lạm phát vẫn tăng cao, cho thấy cung và cầu do ảnh hưởng của đại dịch tiếp tục bị mất cân bằng, giá năng lượng tăng và áp lực giá lan rộng hơn”.
Vào năm 2023, FOMC ước tính lạm phát sẽ giảm mạnh, xuống mức 2,6% và 2,7% đối với CPI lõi.
Trong thông báo mới của FOMC, không nhắc tới vấn đề "hy vọng lạm phát sẽ quay lại mức mục tiêu 2% và thị trường lao động vẫn mạnh mẽ". Thay vào đó, thông báo mới chỉ lưu ý rằng Fed "cam kết chặt chẽ" với mục tiêu.