Dự báo thị trường bất động sản Thanh Hóa năm 2022
BÀI LIÊN QUAN
TS. Võ Trí Thành nêu nhận định về thị trường bất động sản trong năm 2022Ba yếu tố có thể khiến thị trường bất động sản Đông Anh, Gia Lâm "bùng nổ" trong năm 2022“Vượt khó" đại dịch
Thị trường bất động sản Thanh Hóa năm 2021 ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực, trong đó, số liệu của Hội môi giới BĐS Việt Nam, giá đất nền tại một số khu vực đã tăng từ 40%-60% thời điểm cuối năm 2020, đồng thời xuất hiện hiện tượng “sốt đất" thời điểm đầu năm 2021.
Tiếp đà tăng trưởng, mặc dù chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 lần thứ 4 vào năm 2021, tuy nhiên Thanh Hoá vẫn là tâm điểm của thị trường BĐS Bắc Trung Bộ trong quý 3/2021 với 18 dự án được chào bán ra thị trường, gồm 8 Dự án mới và 10 Dự án cũ, cung cấp ra thị trường 2.235 sản phẩm với rất nhiều loại hình.
Hơn nữa, mặc dù trải qua đợt sốt đất khiến bất động sản Thanh Hoá có sự dịch chuyển ít nhiều, song so với một số thị trường ven đô đang chứng kiến giá đất tăng phi mã như Bắc Ninh, Bắc Giang, Quảng Ninh, Hải Phòng, bình quân giá của thị trường Thanh Hoá hiện vẫn còn nhiều dư địa, đem lại động lực tăng trưởng lớn trong năm 2022, đặc biệt ở hai phân khúc đất nền và bất động sản nghỉ dưỡng.
Sự phát triển của BĐS Thanh Hoá cũng phải kể đến dấu ấn của nhiều chủ đầu tư lớn trên thị trường, điển hình như Sun Group, Flamingo, TNR Holdings Vietnam với các dự án của Sun Group tại Sầm Sơn, Quảng Xương, Flamingo Hải Tiến, TNR Bỉm Sơn, TNR Lam Sơn… cũng như dự án mặt bằng đất đấu giá ở thành phố và trung tâm các huyện.
Sự xuất hiện của những dự án quy mô, đa dạng loại hình cùng nguồn cung dồi dào đã mang đến diện mạo và tầm vóc mới cho thị trường Thanh Hoá trong dài hạn.
Hưởng lợi từ nhiều trợ lực
Phát biểu tại một Hội thảo về bất động sản, ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, khoảng 3 năm trở lại đây, bất động sản Thanh Hoá thu hút sự chú ý của nhà đầu tư nhờ sự thay đổi mạnh mẽ từ tư duy, chiến lược, các chính sách. Địa phương cũng khai thác tối đa lợi thế của các vùng biển, các khu công nghiệp để đạt được hiệu quả cao trong quy hoạch.
“Thanh Hoá đã phát huy tốt lợi thế về thiên nhiên, núi, rừng, sông ngòi, cảnh quan, tạo chiến lược liên hoàn với nhiều mũi nhọn. Cùng với Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, Thanh Hoá dần trở thành một "cực" của "tứ giác phát triển" khu vực Bắc Bộ”, ông Đính phân tích thêm.
Chiến lược đưa Thanh Hoá trở thành 1 cực tăng trưởng phía Bắc là hoàn toàn phù hợp bởi tỉnh là cửa ngõ của miền Trung. Bên cạnh tiềm năng phát triển du lịch, với bờ biển dài, nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử nổi tiếng, Thanh Hoá còn có tiềm năng công nghiệp lớn với cảng nước sâu Nghi Sơn, tạo dựng một tổ hợp đô thị du lịch, công nghiệp lớn. Đây là lợi thế để Thanh Hoá tiếp tục thu hút nhiều đại bàng địa ốc tìm về “làm tổ".
Nhờ lợi thế cầu nối giữa Bắc Bộ và Trung Bộ, Thanh Hoá có thêm nhiều trợ lực để phát triển kinh tế, thúc đẩy sự sôi động của thị trường bất động sản.
Theo dự kiến, có khoảng 43 dự án hạ tầng giao thông đang được đẩy mạnh hoàn thiện hoàn thiện từ nay tới năm 2025 với tổng mức đầu tư khoảng 35.000 tỷ đồng. Trong đó, nổi bật có thể kể đến như tuyến quốc lộ 1A, cảng nước sâu Nghi Sơn hay sân bay Thọ Xuân (đã được quy hoạch là sân bay quốc tế). Đoạn cao tốc Ninh Bình – Thanh Hóa thuộc tuyến cao tốc Bắc – Nam cũng sẽ dự kiến được hoàn thiện trong năm 2022.
Trong năm 2021, mặc dù dịch Covid-19 tác động kéo dài, Thanh Hoá vẫn thu hút 87 dự án đầu tư trực tiếp (8 dự án FDI), trong đó tổng số vốn đầu tư đăng ký 23.878 tỷ đồng và 112,7 triệu USD.
Thời gian vừa qua, Thanh Hoá cũng thu hút sự quan tâm của nhiều Tập đoàn lớn quốc tế tìm đến để phát triển những dự án tỷ đô. Đơn cử như Tập đoàn Foxconn Việt Nam với đề xuất đầu tư 1,3 tỷ USD để xây dựng các nhà máy sản xuất thiết bị, linh kiện điện tử tại Thanh Hóa với quy mô khoảng 150ha. Công ty WHA Industrial Development PLC ( Thái Lan) cũng nghiên cứu 2 dự án xây dựng hạ tầng phân khu công nghiệp tại thị xã Nghi Sơn và huyện Hoằng Hoá với tổng chi phí hoảng 335 triệu USD.
Cũng trong năm 2021, GRDP của Thanh Hóa đứng thứ 5 cả nước, đạt 8,85%. Hội tụ nhiều xung lực, bất động sản Thanh Hoá được nhà đầu tư kỳ vọng sẽ tiếp tục dẫn dắt thị trường trong năm 2022 và những năm tiếp theo.
Tuy nhiên, nhìn từ thực tế có thể thấy, sự phát triển của thị trường BĐS Thanh Hoá tập trung mạnh ở phía Nam, đặc biệt ở khu vực Sầm Sơn, Nghi Sơn, nơi điều kiện kinh tế tốt và tập trung cư dân đông đúc. Trong khi đó, khu vực phía Bắc Thanh Hóa, tiếp giáp với Ninh Bình, sự phát triển của bất động sản có phần chậm chạp hơn.