Dự án hơn 2.000 tỷ ở Quảng Trị sẽ được giải phóng mặt bằng trong tháng 8
BÀI LIÊN QUAN
Khu công nghiệp có tổng vốn đầu tư hơn 2.400 tỷ đồng tại Thanh Hóa đã được chấp thuận chủ trương đầu tưBình Dương như “hổ mọc thêm cánh” khi sắp có thêm 2 khu công nghiệp mới rộng 2.000 haĐến năm 2040, Hải Dương sẽ có thêm hàng loạt sân golf, khu công nghiệp tại TP Chí LinhDự án lớn của Quảng Trị
Cách đây hơn một năm, ngày 23/3/2021, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định chủ trương đầu tư dự án Khu công nghiệp Quảng Trị, với nhà đầu tư gồm: Công ty liên doanh TNHH khu công nghiệp Việt Nam - Singapore, Công ty cổ phần đô thị Amata Biên Hòa và Sumitomo Corporation. Dự án được xây dựng theo hai giai đoạn.
Trong đó vốn của giai đoạn 1 là 504 tỷ đồng, thực hiện từ năm 2021 – 2025. Dự án nằm trên địa bàn thị trấn Diên Sanh, xã Hải Trường và xã Hải Lâm, huyện Hải Lăng với tổng diện tích lên tới 481,2 ha, phần đất xây dựng hạ tầng khu công nghiệp là 478,28 ha.
Dự án này đã gặp một số vướng mắc về hạ tầng, như giải phóng mặt bằng, quy hoạch điện, đấu nối giao thông… Để dự án được triển khai đúng tiến độ, tỉnh Quảng Trị đã giao các đơn vị liên quan tập trung tháo gỡ khó khăn. Điển hình, đầu năm 2022, Ủy ban nhân dân tỉnh đã giao Ban quản lý khu kinh tế tỉnh phối hợp các đơn vị liên quan tập trung giải quyết vấn đề còn tồn đọng. Trong đó, đấu nối, đề xuất đấu nối các tuyến giao thông; rà soát các mỏ đất trong khu vực; bổ sung quy hoạch cấp điện cho dự án này, và một số công việc liên quan.
Ngày 22/4, Bí thư tỉnh uỷ Quảng Trị Lê Quang Tùng đã có buổi kiểm tra thực địa dự án. Tại buổi làm việc này, lãnh đạo huyện Hải Lăng cho biết hiện dự án đang gặp áp lực về giải phóng mặt bằng. Nguyên nhân là do thời gian ngắn, khối lượng công việc nhiều và phức tạp. Điển hình như số lượng người dân nằm trong vùng ảnh hưởng của dự án lớn hơn số lượng đất nền bố trí tái định cư. Lãnh đạo huyện đề nghị tỉnh rà soát lại việc này. Một khó khăn nữa là áp lực di chuyển khu nghĩa trang với hàng trăm ngôi mộ, 4 nhà thờ họ nằm trong vùng dự án. Do đó “hạn chót” là cuối tháng 8/2022 giải phóng xong mặt bằng rất khó thực hiện.
Tại buổi kiểm tra, Bí thư tỉnh ủy Quảng Trị yêu cầu phía Ủy ban nhân dân tỉnh tạo điều kiện, hỗ trợ địa phương về nhân lực, kỹ thuật trong quá trình triển khai, đặc biệt là quá trình giải phóng mặt bằng. Về vấn đề quy hoạch, khu tái định cư, nghĩa trang… Bí thư tỉnh ủy Quảng Trị nhấn mạnh cần tạo sự đồng thuận trong nhân dân, đảm bảo các lợi ích chính đáng của người dân trong khu vực chịu ảnh hưởng của dự án. Bí thư tỉnh ủy Lê Quang Tùng cho rằng, cần huy động hệ thống chính trị cơ sở vào cuộc để tạo sự đồng thuận nhân dân trong việc chấp hành chủ trương của tỉnh về dự án quan trọng này, tránh phát sinh những phức tạp về sau.
Đối với hạ tầng giao thông, Bí thư Tỉnh ủy giao Sở Giao thông vận tải tham mưu UBND tỉnh phương án bố trí vốn đầu tư xây dựng 8 km đường nối từ cao tốc Cam Lộ - La Sơn với Quốc lộ 1 để phục vụ phát triển công nghiệp ở vùng Tây Hải Lăng.
Ông Lê Quang Tùng nhấn mạnh, định hướng hiện nay là xây dựng các khu công nghiệp xanh gắn với đô thị công nghiệp. Vì thế, tỉnh cần nghiên cứu, tính toán gắn với phát triển hạ tầng thương mại công nghiệp, khu đô thị dịch vụ trong Khu công nghiệp Quảng Trị để tích hợp vào quy hoạch. Bí thư tỉnh ủy Quảng Trị Lê Quang Tùng đặc biệt yêu cầu Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các sở, ngành phối hợp chặt chẽ, xác định dự án trọng điểm để bố trí nguồn lực phù hợp cũng như hướng dẫn, hỗ trợ, đôn đốc nhà đầu tư triển khai dự án.
Hiện nay, liên doanh các nhà đầu tư đã thành lập doanh nghiệp dự án là công ty TNHH liên doanh phát triển Quảng Trị và đang hoàn thành các thủ tục để triển khai đầu tư xây dựng theo quy định.
Dự án Khu công nghiệp Quảng Trị (VSIP Quảng Trị) được xem là một trong những dự án trọng điểm của tỉnh này. Dự án đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh, bộ ngành trung ương thời gian qua. Về phía tỉnh, Thường vụ tỉnh ủy Quảng Trị và Ủy ban nhân dân tỉnh đã đưa dự án này vào danh mục các công trình trọng điểm và chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Ban chỉ đạo các dự án động lực của tỉnh.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị, ông Lê Đức Tiến được phân công chỉ đạo dự án, giải quyết các vấn đề vướng mắc của cơ quan chức năng và nhà đầu tư trong quá trình triển khai như hạ tầng, thủ tục…
Năm 2022 triển khai thực hiện nhiều dự án quan trọng
Được biết, trong năm 2022, tỉnh Quảng Trị sẽ triển khai nhiều dự án quan trọng nhằm thúc đẩy, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Ngay từ đầu năm, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 01 ngày 8/1/2022 của Chính phủ, Kết luận số 175 của Tỉnh ủy và Nghị quyết của HĐND tỉnh về kế hoạch phát triển KT-XH năm 2022. Trong đó, Quảng Trị đặt mục tiêu đảm bảo giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, đẩy nhanh tiến độ xây dựng kết cấu, hạ tầng đồng bộ, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả của nền kinh tế… Tỉnh cũng tập trung thực hiện triển khai các dự án trọng điểm có sử dụng vốn đầu tư công và đầu tư ngoài nhà nước.
Một trong số các dự án động lực của tỉnh có thể kể đến như: Hạ tầng cơ bản cho phát triển toàn diện tỉnh Quảng Trị (BIIG2); Phát triển đô thị các đô thị dọc hành lang tiểu vùng sông Mê Kông (GMS); Đường ven biển kết nối Hành lang kinh tế Đông – Tây; Đường nối đường Hồ Chí Minh nhánh Đông với đường Hồ Chí Minh nhánh Tây…
Đặc biệt là các dự án năng lượng tái tạo đã được phê duyệt quy hoạch như: Nhà máy điện gió Hướng Hiệp 2, Nhà máy điện gió Hướng Linh 5, Nhà máy điện gió Hướng Hiệp 3... Các dự án hoàn thiện cơ sở hạ tầng khu công nghiệp, khu kinh tế như: Đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp đa ngành Triệu Phú; Khu công nghiệp Quảng Trị; Đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Tây Bắc Hồ Xá... và một số dự án động lực quan trọng như Cảng hàng không Quảng Trị, Trung tâm điện khí NLG Hải Lăng giai đoạn 1...