Dự án hạ tầng giao thông “nâng bước” nền kinh tế phát triển
BÀI LIÊN QUAN
Giải quyết “bài toán” hạ tầng để logistics phát triển Ngắm nhìn diện mạo toàn cảnh hệ thống hạ tầng giao thông của TP Thủ Đức tầm nhìn đến năm 2050Thị trường bất động sản tại Bình Phước phát triển nhờ "đòn bẩy" hạ tầng, khu công nghiệpHoàn thiện hệ thống đường bộ
Theo quy hoạch mạng lưới giao thông đường bộ giai đoạn 2021 - 2030 ưu tiên đưa vào danh mục đầu tư các tuyến cao tốc có năng lực thông hành lớn để hình thành mạng cao tốc kết nối liên vùng và là xương sống của hệ thống đường bộ quốc gia. Định hướng đến năm 2050, hoàn thiện mạng lưới đường bộ đồng bộ trong cả nước, hiện đại, bảo đảm sự kết nối và phát triển hợp lý giữa các phương thức vận tải.
Năm 2022, Bộ Giao thông Vận tải được Thủ tướng giao hơn 50.000 tỷ đồng vốn ngân sách nhà nước để thực hiện kế hoạch đầu tư, khởi công 38 dự án, hoàn thành 30 dự án.
Vào ngày 11/1/2022, Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021 - 2025.
Tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông sẽ bắt đầu từ khu vực cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn) đến Cà Mau. Tổng chiều dài tuyến cao tốc khoảng 2.063 km, quy mô từ 4 đến 10 làn xe. Quốc hội khóa XIV đã thông qua chủ trương đầu tư giai đoạn 2017-2020 gồm 11 dự án thành phần. Trong đó, 8 dự án thành phần đầu tư bằng nguồn vốn đầu tư công, 3 dự án được đầu tư theo hình thức đối tác công-tư (PPP).
Trong giai đoạn 2021 - 2025, dự kiến đầu tư 729 km cao tốc gồm các đoạn Bãi Vọt (Hà Tĩnh) - Cam Lộ (Quảng Trị), Quảng Ngãi - Nha Trang (Khánh Hòa) và Cần Thơ - Cà Mau, gồm 12 dự án thành phần có thể vận hành khai thác độc lập, sơ bộ tổng mức đầu tư 146.990 tỷ đồng.
Theo kế hoạch, trong năm 2022, sẽ có 4 đoạn cao tốc của dự án có tổng chiều dài 361 km sẽ hoàn thành. Một là đoạn Mai Sơn - Quốc Lộ 45 đi qua địa phận tỉnh Ninh Bình - Thanh Hóa. Hai là đoạn Cam Lộ - La Sơn đi qua địa phận Quảng Trị - Thừa Thiên Huế. Ba là đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết đi qua địa phận tỉnh Bình Thuận. Bốn là đoạn Phan Thiết - Dầu Giây đi qua địa phận Bình Thuận - Đồng Nai.
Trong thời gian qua, dự án cao tốc đường bộ Bắc - Nam phía đông giai đoạn 1 đã phải đối mặt với nhiều khó khăn như tình trạng khan hiếm vật liệu xây dựng, sự biến động về giá cả ảnh hưởng đến chi phí đầu vào cùng với đó là sự bất thường về thời tiết, dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, đến nay, phần lớn các gói thầu thuộc dự án trọng điểm này vẫn bám sát tiến độ và dự kiến hoàn thành theo đúng kế hoạch đề ra. Đây là những tín hiệu rất tích cực của ngành giao thông sau gần 3 năm bị ảnh hưởng bởi đại dịch.
Như tại dự án Mai Sơn - Quốc lộ 45 thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2017 - 2020, có tổng chiều dài 63,37km, đi qua địa phận hai tỉnh Ninh Bình và Thanh Hoá; tổng mức đầu tư 12.111 tỷ đồng, Ban QLDA Thăng Long làm chủ đầu tư dự án.
Tổng sản lượng thi công đến nay đạt 4.684,59 tỷ đồng, tương đương 66,81% giá trị xây lắp theo hợp đồng (7.011,47 tỷ đồng), cơ bản đáp ứng tiến độ yêu cầu.
Ông Lương Văn Long, Giám đốc điều hành dự án Mai Sơn - Quốc lộ 45 (Ban QLDA Thăng Long) cho biết, dự án cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45 gặp nhiều khó khăn do giá các loại nguyên vật liệu tăng giá khiến nhà thầu gặp khó khăn về tài chính. Giá nguyên liệu tăng cũng ảnh hưởng không nhỏ tới việc vận chuyển vật liệu.
Trả lời về vấn đề này, Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho biết, Bộ Giao thông Vận tải cùng các Bộ, ngành, địa phương đang xây dựng phương án, sớm có hướng để trình Chính phủ xem xét, hỗ trợ cho các đơn vị thi công cao tốc trong bối cảnh giá nguyên, vật liệu "leo thang" như hiện nay.
Tuy nhiên những vấn đề thời tiết bất thường khiến các đơn vị thi công phải tính toán những phương án thi công hợp lý nhằm đạt tiến độ đặt ra là phải hoàn thành dự án cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45 trong năm 2022.
Theo Nghị quyết về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 được Quốc hội thông qua, Bộ Giao thông Vận tải được bố trí hơn 300.000 tỷ đồng vốn ngân sách. Cùng với đó là hơn 110.000 tỷ đồng của gói phục hồi kinh tế, Bộ Giao thông Vận tải sẽ triển khai khởi công mới 67 dự án. Đặc biệt, tập trung hoàn thiện toàn bộ hệ thống cao tốc đường bộ Bắc - Nam.
Ông Trần Đình Thiên, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho biết: “Đường thông thì tiền bạc mới thông được. Ở nước nhiều hệ thống giao thông khác cũng đã được đầu tư, nhưng theo tôi trước mắt nên đầu tư vào cao tốc đường bộ”.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Đức Kiên, Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng: “Chúng ta nên tập trung vào cao tốc để đến năm 2025 sẽ giảm được phí logistics xuống 10%”.
Theo kế hoạch phát triển của ngành giao thông vận tải đến năm 2030 sẽ có trên 80% các địa phương kết nối cao tốc.
Đầu tư hạ tầng cảng hàng không đồng bộ
Năm 2021 ghi dấu lần đầu tiên 5 quy hoạch ngành giao thông được triển khai đồng bộ dưới sự chỉ đạo thống nhất của Chính phủ. Những quy hoạch này được lập trước để định hướng cho quy hoạch ngành, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh và quy hoạch đô thị - nông thôn; là cầu nối giữa chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.
Trong đó, không thể không nhắc đến hệ thống hạ tầng hàng không với dự án xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành (Đồng Nai) là dự án trọng điểm quốc gia có công suất thiết kế 100 triệu hành khách và năm triệu tấn hàng hóa mỗi năm. Dự án này đang được gấp rút thực hiện theo tiến độ đề ra nhằm đưa vào hoạt động vào cuối năm 2025.
Bất chấp các điều kiện thời tiết khó khăn, nhưng gói thầu thi công móng cọc nhà ga hành khách của dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành hoàn thành tiến độ sớm hơn dự kiến. Các hạng mục thi công nhà ga hành khách, đường cất hạ cánh, sân đỗ máy bay cũng được bám sát tiến độ.
Bộ Giao thông Vận tải cũng đang trình Thủ tướng phê duyệt đề án quy hoạch hệ thống hàng không toàn quốc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, đến năm 2030 trên toàn quốc sẽ có 28 cảng hàng không gồm 14 cảng hàng không quốc tế, 14 cảng hàng không nội địa. Đến năm 2050, 14 cảng hàng không quốc tế, 17 cảng hàng không nội địa.
Theo kế hoạch, tổng nhu cầu vốn đầu tư phát triển hệ thống cảng hàng không đến năm 2030 là hơn 400.000 tỷ đồng, được huy động từ ngân sách nhà nước, vốn ngoài ngân sách và các nguồn vốn hợp pháp khác.
Riêng trong năm 2022, loạt dự án hạ tầng hàng không được đưa vào quy hoạch như Cảng hàng không Sapa, Lai Châu, nâng cấp sân bay Nà Sản
Nâng tầm hệ thống cảng biển
Quyết định số 1579/QĐ-TTg ngày 22/9/2021, Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030 đề xuất 18 dự án ưu tiên nguồn vốn phát triển trong 5 năm tới. Trong đó, một số dự án được đề xuất đầu tư bằng vốn đầu tư công như xây dựng công trình luồng cho tàu biển tải trọng lớn vào sông Hậu giai đoạn 2 (2.200 tỷ đồng); Đầu tư nâng cấp tuyến luồng Cái Mép - Thị Vải (1.400 tỷ đồng); đầu tư khu bến cảng Liên Chiểu - phần hạ tầng dùng chung (hơn 3.400 tỷ đồng),...
Các dự án đầu tư bằng nguồn vốn tư nhân, gồm: dự án đầu tư xây dựng bến 3, 4, 5, 6 cảng Lạch Huyện (hơn 13.000 tỷ đồng) và đầu tư khu bến cảng Trần Đề - Sóc Trăng (32.000 tỷ đồng).
Nhu cầu đầu tư hệ thống cảng biển đến năm 2030, khoảng 313.000 tỷ đồng (chỉ gồm các bến cảng kinh doanh dịch vụ xếp dỡ hàng hóa, không gồm kinh phí đầu tư các bến cảng, cầu cảng chuyên dùng). Nguồn vốn ngân sách Nhà nước tập trung cho hạ tầng hàng hải công cộng; khu vực trọng điểm, tạo sức lan tỏa và thu hút đầu tư, mang ý nghĩa “vốn mồi”, còn lại được huy động chủ yếu từ nguồn ngoài ngân sách, vốn doanh nghiệp và các nguồn vốn hợp pháp khác.
Với những dự án cảng biển đang được đẩy mạnh đầu tư, dự báo đến năm 2030, sản lượng hàng hóa thông qua toàn hệ thống cảng biển Việt Nam gấp 1,6 - 2,1 lần; năm 2050 gấp 4,1 - 4,8 lần so với hiện nay.
Có thể thấy, hàng loạt dự án hạ tầng giao thông được đồng loạt phê duyệt, khởi công và đưa vào khai thác trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội cho của các địa phương, các vùng và cả nước tạo nên không gian phát triển mới với nhiều đổi thay tích cực của đất nước trong những năm tới.