Đồng Nai: Nhà đầu tư "găm đất" chờ thời cơ trong các khu công nghiệp
BÀI LIÊN QUAN
4 phân khúc bất động sản sẽ thu hút vốn đầu tư trong năm 2022Bất động sản công nghiệp Việt hấp dẫn FDI Mạnh tay vay ngân hàng đầu tư đất, nữ nhân viên văn phòng đắng cay nhận ra bài học: "Phải biết tự lượng sức mình"Theo Ban Quản lý các khu công nghiệp của Đồng Nai, hiện toàn tỉnh có 32 khu công nghiệp được thành lập với tổng diện tích lên tới 10.300 ha. Trong đó, các khu công nghiệp có tổng diện tích cho thuê là hơn 7.000 ha, đến cuối tháng 3/2022, diện tích cho thuê gần 6.000 ha.
Trong số toàn bộ khu công nghiệp có gần 6.000 ha đất công nghiệp đã cho hơn 2.000 dự án vốn đầu tư trong nước và vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) thuê. Tuy nhiên, hiện chỉ có gần 1.700 dự án đang hoạt động, hơn 150 dự án là đang trong giai đoạn xây dựng nhà xưởng, còn lại hơn 160 dự án chưa được triển khai và đã ngừng hoạt động.
Theo ông Phạm Văn Cường - Phó trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai cho biết, số diện tích đất công nghiệp chưa cho thuê là hơn 1.000 ha nhưng đa phần là chưa bồi thường giải phóng mặt bằng xong nên không thể cho thuê. Phần diện tích còn lại có thể cho thuê thì nằm rải rác tại các khu công nghiệp vùng xa nên các doanh nghiệp chưa mặn mà. Những doanh nghiệp thuê đất nhưng chưa triển khai dự án, đang được yêu cầu công ty hạ tầng khu công nghiệp rà soát lại để nắm rõ cũng như có biện pháp xử lý.
Tại một số khu công nghiệp đã có diện tích cho thuê gần hết, bên cạnh đó vẫn có những khi doanh nghiệp đã thuê đất bỏ trống nhiều năm chưa xây dựng. Trong đó, có doanh nghiệp thuê đất nhưng lại để đó chờ thời điểm cho thuê lại kiếm lời hoặc chưa đủ điều kiện triển khai dự án.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng yêu cầu: "Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai làm đầu mối phối hợp với các công ty hạ tầng khu công nghiệp rà soát lại từng khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh xem diện tích doanh nghiệp đã thuê chưa triển khai dự án là bao nhiêu. Sau đó, phân loại cụ thể xem doanh nghiệp vướng mắc do đâu để các sở, ngành cùng tháo gỡ, giúp họ đẩy nhanh tiến độ dự án. Còn những trường hợp nhà đầu tư thuê đất chờ thời để nhượng lại hoặc không đủ năng lực thực hiện dự án thì thu hồi cho doanh nghiệp khác thuê".
Trong khoảng 2 - 3 năm qua, vì không còn diện tích đất công nghiệp lớn để giới thiệu cho các tập đoàn FDI đã khiến Đồng Nai bỏ lỡ một số dự án có vốn đầu tư vài trăm triệu đến cả tỷ USD. Không chỉ có vốn lớn, các dự án trên còn sở hữu công nghệ hiện đại, giá trị tăng cao và đóng góp lớn cho ngân cách.
Giám đốc Sở KH - ĐT Hồ Văn Hà cho hay, tỉnh Đồng Nai sẽ đổi hướng thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp vùng xa còn nhiều quỹ đất như: Tân Phú, Định Quán, Thạnh Phú, Hố Nai. Riêng đối với khu Công nghệ cao Long Thành cần 2 - 3 năm sau mới hoàn thành việc thu hồi đất và xây dựng hạ tầng.
"Vì không có diện tích đất công nghiệp lớn cho doanh nghiệp FDI thuê nên Đồng Nai đã bỏ lỡ một số dự án công nghệ cao có vốn lớn, từ vài trăm triệu USD đến hơn 1 tỷ USD. Các doanh nghiệp FDI sau khi hỏi thuê đất công nghiệp ở tỉnh không được đã chuyển sang đầu tư ở địa phương khác. Hiện có 3 tập đoàn lớn đang đề xuất tỉnh dành quỹ đất công nghiệp cho mỗi đơn vị thuê khoảng 300 ha để đầu tư lĩnh vực điện tử, ô tô, thiết bị hàng không", ông Hà cho biết.
Hồi cuối năm 2020 và đầu năm 2021, Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch thêm gần 7.000 ha đất công nghiệp cho tỉnh Đồng Nai, nhưng các khu công nghiệp trên vẫn đang trong quá trình làm hồ sơ trình các bộ, ngành để lấy ý kiến. Nếu những khu công nghiệp trên làm nhanh thủ tục và bồi thường cũng phải mất 4 - 5 năm sau mới có đất cho thuê.
"Đồng Nai phải 2-3 năm nữa mới có diện tích đất công nghiệp lớn cho thuê, vì thời gian hoàn thành các thủ tục về đất đai, đầu tư, xây dựng, bồi thường giải phóng mặt bằng khá lâu. Do đó, Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai muốn hoàn thành kế hoạch về thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp thì phải tiến hành đẩy mạnh xúc tiến đầu tư vào những khu công nghiệp còn đất cho thuê", ông Nguyễn Trí Phương - Phó giám đốc Sở Công thương nhận xét.