Doanh thu 8 tháng đầu năm của Sao Ta là 162 triệu USD
BÀI LIÊN QUAN
Xuất khẩu thủy sản trong tháng 8 tiếp tục hạ nhiệtDoanh nghiệp thủy sản ứng phó như thế nào trước biến động của tỷ giá?Một doanh nghiệp cá tra “bơi ngược dòng” với khoản lỗ lũy kế gần 900 tỷ đồng khi cả ngành thủy sản tăng tốcMới đây, Thực phẩm Sao Ta (HoSE: FMC) - đơn vị thành viên của Tập đoàn PAN (HoSE: PAN) đã có báo cáo công bố sản lượng tôm thành phẩm chế biến trong 8 tháng đầu năm. Cụ thể, sản lượng này của Sao Ta đã tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước và đạt 14.563 tấn. Trong khi đó, sản lượng tôm thành phẩm tiêu thụ cũng tăng 13,4% so với cùng kỳ, đạt 13.253 tấn; nông sản thành phẩm là 1.527 tấn, gấp đôi so với cùng kỳ. Ngoài ra, nông sản tiêu thụ là 1.384 tấn, so với cùng kỳ năm trước đã tăng 28%.
Doanh số tiêu thụ chung của Sao Ta là 161,9 triệu USD, con số này tương đương với khoảng 3.807 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm trước bằng 121,8%. Như vậy, sau 8 tháng đầu năm, Sao Ta đã thực hiện được 70,4% kế hoạch năm đề ra về doanh số. Như vậy, chỉ tính riêng trong tháng 8 năm nay, doanh số tiêu thụ của Sao Ta là 21,9 triệu USD, so với cùng kỳ năm trước đã tăng gần gấp đôi. Đáng chú ý, kết quả của tháng 8 năm nay cũng chính là thành quả cao thứ 3 của doanh nghiệp thủy sản này, chỉ sau tháng 1 và tháng 5.
Theo lãnh đạo doanh nghiệp, trong tháng 8 vừa qua, việc thả tôm nuôi vụ hai cũng đã hoàn tất với con số lên tới khoảng 380 ao. Đánh giá của đơn vị này cho thấy, vì là mùa nghịch nên tôm nuôi chỉ phát triển ở mức trung bình, trong khi đó giá tôm thương phẩm ở mức khá cao do sức cung ở mức độ vừa phải. Chính vì thế, tình hình này sẽ hỗ trợ đáng kể, giúp giảm chi phí giá thành sản phẩm tôm tiêu thụ, từ đó hiệu quả hoạt động của quý 4 năm nay sẽ khả quan hơn nhiều.
Điều đáng nói, kết quả mà Sao Ta đạt được trong bối cảnh ngành thủy sản so với cùng kỳ đã tăng trưởng đáng kể, trong khi ngành tôm lại tiến triển không mấy khả quan. Liên quan đến vấn đề này, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản (VASEP) cho biết, xuất khẩu thủy sản trong tháng 8 năm nay so với cùng kỳ năm trước đã cao hơn khoảng 54%. Tuy nhiên, mức tăng trưởng này lại không thể hiện xu hướng quá lạc quan, nguyên nhân bởi tháng 8 năm 2021 chính là thời điểm khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long rơi vào giai đoạn đỉnh dịch, điều này khiến cho việc sản xuất bị gián đoạn, đồng thời khiến cho xuất khẩu chạm đáy trong năm nay.
Trong số các sản phẩm thủy sản, xuất khẩu tôm đã ghi nhận sự tụt dốc nhiều nhất. Tháng 5 vừa qua, xuất khẩu tôm đạt mức đỉnh điểm là 456 triệu USD, nhưng tới tháng 8 đã giảm xuống chỉ còn 356 triệu USD, tuy nhiên so với cùng kỳ năm trước, con số này vẫn cao hơn 26%. Hàng loạt yếu tố như chi phí đầu vào tăng cao cùng với điều kiện thời tiết bất lợi đã khiến cho việc sản xuất tôm nguyên liệu gặp nhiều khó khăn.
Thời điểm hiện tại, Thực phẩm Sao Ta đang tiến hành hoàn tất việc chuyển giao tài sản ở cơ sở nuôi 203 ha. Đồng thời, doanh nghiệp này cũng quy hoạch hệ thống ao nuôi cùng với thi công những hạng mục thực tế cho phép. Sao Ta cũng kỳ vọng sẽ hoàn tất việc tổ chức sản xuất trước tháng 5 năm sau và tiến hành thả nuôi vụ đầu tiên. Nhiều khả năng, Sao Ta sẽ thả nuôi đối với toàn bộ trại, với khoảng 240 ao nuôi đã được làm mới hoàn toàn.
Vào đầu tháng 6, Sao Ta đã công bố về việc đầu tư 200 tỷ đồng nhằm phát triển vùng nuôi rộng 203 ha, chủ động nguồn nguyên liệu để phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong thời gian tới, công ty này đặt mục tiêu 500 ha nuôi tôm đến năm 2025, hiện tại Sao Ta đã khai thác được 302 ha.
Còn về khía cạnh xây dựng, Thực phẩm Sao Ta đang nỗ lực hoàn tất nhà máy mới. Tiến độ xây dựng có chút chậm trễ bởi bên cung ứng thiết bị và máy móc nước ngoài đã bị chậm trong khâu vận chuyển. Thế nhưng, việc này không khiến Sao Ta gặp áp lực bởi sản lượng nguyên liệu hiện nay chỉ ở mức vừa phải.
Nhờ xuất khẩu thuận lợi nên trong nửa đầu năm nay, doanh thu thuần của Sao Ta đã tăng 29% và đạt 2.378 tỷ đồng. Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế cổ đông của công ty mẹ cũng đạt mức kỷ lục là 155 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm trước đã tăng 47%. Đáng chú ý, thu hoạch dứt điểm tôm tự nuôi vụ đầu tiên trong năm nay đã khiến cho giá vốn của Sao Ta giảm sút.
Trước đó, trong Hội thảo “Nhu cầu và xu hướng thị trường thuỷ sản hậu COVID-19”, ông Hồ Quốc Lực - Chủ tịch HĐQT CTCP Thực Phẩm Sao Ta cho rằng, tình hình xuất khẩu tôm trong nửa cuối năm nay sẽ có nhiều yếu tố khiến cho xu hướng bị đảo lộn so với thời điểm đầu năm. Chưa kể, mối căng thẳng giữa Nga và Ukraine khiến thế giới càng gặp nhiều khó khăn và khiến nhiều thị trường tiêu thụ lớn rơi vào lạm phát. Vì thế, sức mua của người tiêu dùng cũng giảm xuống. Trong 6 tháng đầu năm, lượng tiêu thụ số hàng nhập khẩu không được như kỳ vọng và vẫn còn hàng tồn kho.
Ngoài ra, một số cường quốc nuôi tôm lớn như Ecuador và Ấn Độ năm nay đều ghi nhận sản lượng khá tốt. Mức cung của những quốc gia này sang các thị trường lớn, trong đó chủ yếu là Mỹ, đều rất mạnh. Tuy nhiên ở Việt Nam, tình hình nuôi tôm lại không được như ý do dịch bệnh âm ỉ nhưng tác hại gây ra lại khá lớn.
Ông Lực cũng dự báo rằng: “Những yếu tố trên đã dẫn đến hoạt động xuất khẩu tôm trong nửa cuối năm sẽ không được mạnh như 6 tháng đầu, chỉ có thể ngang ngửa so với cùng kỳ. Cả năm thì vẫn có thể tăng trưởng nhưng chỉ quanh mức 4 tỷ USD”. Số liệu từ Hải quan Việt Nam cho thấy, xuất khẩu tôm của Việt Nam năm trước là 3,9 tỷ USD, so với cùng kỳ năm trước đã tăng 4%. Trong khi đó, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản (VASEP) vẫn tỏ ra lạc quan hơn khi dự báo rằng, xuất khẩu tôm vẫn tăng trưởng ít nhất 10% nhờ kết quả trong 6 tháng đầu năm ổn định.