Doanh nghiệp nào vừa được ngân hàng bơm vốn 12.000 tỷ đồng trong năm 2022?
Theo công bố báo cáo tài chính hợp nhất năm 2021 của Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời (mã chứng khoán: LTG) đang có mức doanh thu thuần 10.224 tỷ đồng. Con số này tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước khoảng 36%. Đồng thời cũng là mức doanh thu đạt kỷ lục trong quá trình hoạt động của Lộc Trời. Với tiền thân là Công ty Cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang, Lộc Trời đang là một trong ít các doanh nghiệp nông nghiệp chuyên hoạt động trong lĩnh vực trồng trọt thành công niêm yết mã cổ phiếu trên sàn chứng khoán.
Sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật năm ngoái đạt doanh thu hơn 5.100 tỷ đồng; mảng lương thực đạt doanh số hơn 4.000 tỷ đồng, tổng chiếm hơn 9.100 tỷ đồng. Đây là hai mảng kinh doanh chủ lực của doanh nghiệp, chiếm 90% tổng doanh thu công ty. Tuy nhiên, Sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật chỉ tăng trưởng hơn 105 so với năm 2020. Còn mặt hàng sản phẩm lương thực, chủ yếu là gạo đã cao gần gấp đôi so với năm 2020.
Dù đã tăng trưởng gần 100% nhưng lĩnh vực kinh doanh lương thực của doanh nghiệp này gần như không thu về lợi nhuận. Theo báo cáo tài chính, biên lãi gộp của lĩnh vực này chỉ đạt 2%. Trong khi đó, tỷ suất lợi nhuận gộp của sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật lên tới 35%.
Cùng với việc tăng doanh thu, các chi phí tài chính và chi phí bán hàng của Lộc Trời cũng tăng đáng kể so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế của công ty này vào năm 2021 đạt 422 tỷ đồng, so với năm 2020 tăng 14%, thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng doanh số. Tuy nhiên, con số này vẫn được ghi nhận là mức lợi nhuận cao nhất mà Lộc Trời thu về kể từ năm 2015.
Cuối năm 2021, Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời có tổng tài sản gần 7.900 tỷ đồng. Trong đó, số dư tiền mặt của công ty đạt mức 1.800 tỷ đồng. Theo thống kê, công ty phải trả số nợ gần 4.900 tỷ đồng, chủ yếu là vay ngắn hạn với dư nợ gần 3.600 tỷ đồng. Điểm đặc biệt của Lộc Trời so với các doanh nghiệp cùng ngành là được những ngân hàng nước ngoài hỗ trợ các khoản vay lớn. Như vậy, một số khoản vay tín chấp của công ty chỉ trong khoảng 1.7 - 2%/ năm, đây là mức lãi suất rất thấp.
Trong tháng 2 này, Công ty Lộc Trời vừa công bố nhận khoản tín dụng 12.000 tỷ đồng từ các ngân hàng uy tín trong và ngoài nước như: HDBank, BIDV, Mizuho... Nhằm tài trợ hợp đồng cung ứng 2 triệu tấn lúa cho các đơn vị đối tác trong nước và mục tiêu xuất khẩu vào năm 2022.
Đây là một khoản vay lớn, cao gấp 3 lần so với toàn bộ tổng dư nợ tín dụng hiện hữu của Lộc Trời và vượt quy mô tổng tài sản công ty. Khoản vay 12.000 tỷ đồng cũng lớn hơn nhiều lần so với mức dư nợ của các doanh nghiệp nông nghiệp khác trên sàn chứng khoán như HAGL Agrico (mã chứng khoán: HNG); Tập đoàn PAN (mã chứng khoán: PAN).
Cổ phiếu LTG trên sàn UPCoM đang được giao dịch với mức giá giao động khoảng 35.300 đồng/ cổ phiếu. Mức vốn hóa doanh nghiệp tương đương khoảng 2.831 tỷ đồng. Hiện tại, quỹ Singapore Marina Viet đang là cổ đông lớn nhất của Lộc Trời khi sở hữu 25% vốn điều lệ; UBND tỉnh An Giang đang là cổ đông lớn thứ 2 với 24% vốn điều lệ.