Doanh nghiệp bất động sản mong ngóng nới room tín dụng
BÀI LIÊN QUAN
Nới room tín dụng, thị trường bất động sản có "ấm" trở lại?Động thái mới của nhà đầu tư địa ốc sau khi nới room tín dụngSau khi nới room tín dụng, nhà đầu tư bất động sản vẫn e dè xuống tiền thời điểm nàyTháng 9 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành quyết định điều chỉnh hạn mức tín dụng nhằm mục đích kiểm soát lạm phát, giữ ổn định thị trường tiền tệ và góp phần làm lành mạnh hệ thống ngân hàng.
Quyết định nới room tín dụng của Ngân hàng Nhà nước diễn ra trong bối cảnh các doanh nghiệp bất động sản đang “đói vốn”. Thêm vào đó, trong thời gian gần đây, lãi suất cho vay của một số ngân hàng còn tăng cao, gây ra nhiều áp lực cho nhiều công ty địa ốc. Cho nên, các doanh nghiệp rất kỳ vọng quyết định này sẽ trở thành một “nguồn oxi” kịp thời cho họ.
Mong ngóng nới room tín dụng
Giám đốc một công ty bất động sản có trụ sở tại quận 2, TP Hồ Chí Minh cho biết, doanh nghiệp của họ đang rất bế tắc với các phương án tài chính. Sau khi nhiều ngân hàng kiểm soát tín dụng bất động sản, công ty này đã giảm bớt nhu cầu vay vốn bằng cách chỉ tập trung huy động vốn để phát triển những dự án có tính thanh khoản cao trên thị trường. Đồng thời, công ty này còn tự “thắt lưng buộc bụng”, lựa chọn phương án xử lý hàng tồn kho, cấu trúc lại nợ và không mở rộng quy mô kinh doanh trong suốt thời gian vừa qua.
Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, những ngân hàng mà công ty này vay vốn đột ngột tăng lãi suất cho vay, kết hợp với nhiều điều kiện giải ngân khắt khe hơn trước. Điều này khiến phương án tài chính trước đây của doanh nghiệp này bị đổ vỡ.
“Trong thời gian triển khai dự án, công ty chúng tôi có chính sách miễn lãi cho khách hàng. Tuy nhiên trên thực tế, chúng tôi vẫn phải hoàn trả khoản tiền này cho ngân hàng. Việc ngân hàng tăng lãi suất cho vay đột ngột khiến chúng tôi điêu đứng, không biết kiếm đâu ra tiền để trả lãi. Còn nếu không miễn lãi cho khách thì rất khó bán được hàng”, vị giám đốc này chia sẻ.
Bà Lê Ngọc Ánh – Phó Giám đốc Công ty TNHH Bất động sản Một thành viên Hoàng Bình Land, tín dụng ngân hàng là kênh huy động vốn chủ yếu của các doanh nghiệp bất động sản. Khi kênh huy động vốn này bị kiểm soát, các doanh nghiệp rơi vào tình trạng không đủ vốn để triển khai dự án, không đảm bảo tiến độ cam kết với khách hàng và tái đầu tư phát triển doanh nghiệp.
Thêm vào đó, khi khó tiếp cận với nguồn vốn vay ngân hàng, khách hàng sẽ trì hoãn việc mua bất động sản hoặc tìm đến những kênh đầu tư khác. Điều này dẫn đến câu chuyện, các doanh nghiệp bất động sản khó huy động được nguồn vốn để thực hiện dự án, tái đầu tư.
Đồng quan điểm, ông Trần Minh Hoàng – Phó Tổng Thư ký của Hội Môi giới Bất động sản cho biết, doanh nghiệp bất động sản có một nguồn vốn huy động trước từ khách hàng. Khi hoàn thành xong phần móng, cơ sở hạ tầng, doanh nghiệp có thể ứng tiền trước từ khách hàng để tiếp tục triển khai dự án. Tuy nhiên khi bị siết chặt tín dụng bất động sản, việc vay tiền mua nhà, đất của khách hàng cũng khó khăn hơn, dẫn đến nguồn vốn huy động trực tiếp này bị ảnh hưởng.
Không có nhiều dấu hiệu lạc quan
Sau quyết định nới room tín dụng của Ngân hàng Nhà nước, nhiều chuyên gia cho rằng đây chưa chắc đã là tin vui như kỳ vọng của nhiều doanh nghiệp bất động sản. Bởi lẽ, trong bối cảnh nền kinh tế đang tăng trưởng ổn định như hiện nay, Nhà nước sẽ tập trung đẩy mạnh các biện pháp chống lạm phát, thay vì nới room tín dụng.
Ông Nguyễn Quốc Anh – Phó Tổng Giám đốc Batdongsan.com.vn cho biết, hiện nay, nhiều doanh nghiệp, người mua bất động sản đang đặt nhiều kỳ vọng vào quyết định nới room tín dụng của phía Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, quyết định này không thể khiến thị trường địa ốc cuối năm thoát khỏi sức ép về nguồn vốn cho vay tín dụng.
Phó Tổng Giám đốc Batdongsan.com.vn phân tích, hiện tại, nền kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng tốt sau đại dịch Covid-19. Vì vậy, sức ép để Nhà nước tiến hành nới room tín dụng là không lớn. Thay vào đó, Nhà nước sẽ đẩy mạnh việc kiểm soát lạm phát cho nền kinh tế. Dự báo từ nay đến hết năm 2022, chính sách kiểm soát tín dụng bất động sản của các ngân hàng không có nhiều sự thay đổi.
Ở góc độ doanh nghiệp, bà Ánh khuyên các công ty kinh doanh bất động sản cần đưa ra những giải pháp bền vững để giải quyết bài toán nguồn vốn cho doanh nghiệp. Cụ thể, các doanh nghiệp tìm những kênh huy động vốn khác như quỹ đầu tư, quỹ ủy thác, quỹ tín thác,... Khi tiếp cận nguồn vốn vay từ phía các ngân hàng, các doanh nghiệp cần chuyên nghiệp trong khâu chuẩn bị hồ sơ vay vốn để tạo lợi thế. Đồng thời, doanh nghiệp cần nghiên cứu, đưa ra thị trường những sản phẩm bất động sản chất lượng cao, vừa túi tiền để tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn từ khách hàng.
Còn theo ông Nguyễn Văn Đính – Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, hiện nay, các ngân hàng đã có động thái nới room tín dụng. Tuy nhiên, hạn mức tín dụng này không thấm tháp gì cho thị trường bất động sản. Dòng vốn này nên được đưa vào những dự án mang lại lợi ích cho xã hội, phù hợp với nhu cầu kinh doanh. Tiếp theo, các dự án sắp hoàn thành thì phải tạo điều kiện để tiếp tục hoạt động, nhằm mang lại lợi ích cho doanh nghiệp và xã hội.
Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết thêm, bên cạnh nguồn vốn tín dụng, Chính phủ cần tạo thêm nhiều kênh huy động vốn cho doanh nghiệp như quỹ ủy thác, quỹ đầu tư, quỹ tín thác,... Các kênh huy động vốn này đã được nhiều nước trên thế giới triển khai nhưng ở Việt Nam thì vẫn còn mới mẻ. Cho nên, Chính phủ cần có giải pháp để thúc đẩy hoạt động của kênh huy động vốn này trên thị trường bất động sản Việt Nam.