Đằng sau sự tan rã của liên doanh Vibev: Khi kỳ vọng quá lớn?
BÀI LIÊN QUAN
Vibev - Liên doanh giữa Vinamilk và KIDO tan rã sau một năm thành lậpBắt tay để khai phá thị trường “thức uống tươi”, liên doanh của Vinamilk và Kido đang kinh doanh ra sao?Kỳ lân VNG 4 quý liên tiếp chìm trong thua lỗ, 9 tháng đầu năm lỗ gần 800 tỷ đồng vì đầu tư vào các công ty liên doanh, liên kếtTheo Nhịp sống thị trường, vào ngày 1/12, Công ty Cổ phần Tập đoàn Kido (mã chứng khoán: KDC) đã thông báo Nghị quyết thông qua việc dừng và giải thể Công ty TNHH Liên doanh thực phẩm và đồ uống Vibev - liên doanh do Vinamilk cùng KIDO đồng thành lập.
Sau đó không lâu, Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (mã chứng khoán: VNM) cũng công bố nghị quyết về việc giải thể liên doanh này. Theo “ông lớn” ngành sữa Việt, nguyên nhân khiến liên doanh Vibev giải thể là do một số thay đổi trong định hướng phát triển kinh doanh từ cả 2 phía là KIDO và Vinamilk. Ngoài ra, Hội đồng quản trị của Vinamilk cũng đã giao Tổng giám đốc phối hợp với KIDO cvà Vibev trên tinh thần hợp tác nhằm thực hiện những thủ tục giải thể liên doanh đúng theo quy định của pháp luật.
Theo như tìm hiểu, Công ty TNHH Liên doanh thực phẩm và đồ uống Vibev mới được thành lập vào ngày 1/3/2021, lĩnh vực hoạt động là chuyên về sản xuất kem và đồ uống không cồn. Trụ sở chính của Vibev được đăng ký tại địa chỉ số 10, đường Tân Trào, phường Tân Phú, quận 7, thành phố Hồ Chí Minh. Ngay trong năm đầu tiên thành lập, liên doanh này đã nhanh chóng tung ra thị trường 2 dòng sản phẩm đầu tiên thuộc Thương hiệu Oh Fresh là sữa bắp tươi và sữa đậu xanh tươi. Tính đến nay, Vibev đã cho ra mắt tổng cộng 3 dòng sản phẩm sữa hạt dinh dưỡng và 5 loại trà thanh nhiệt; tổng cộng 8 sản phẩm với hạn sử dụng 28 ngày và 100% không chất bảo quản.
Nhiều kỳ vọng được đặt ra trước khi tan rã
Tổng vốn đầu tư ban đầu của liên doanh Vibev là 400 tỷ đồng; trong đó Vinamilk góp 204 tỷ đồng, tương đương với 51% vốn, còn 49% vốn còn lại được đóng góp bởi KIDO. Thời điểm đó, bà Mai Kiều Liên - Tổng giám đốc Vinamilk, cho biết đây là cái bắt tay win-win và bắt nguồn từ việc cả 2 công ty đều nhìn nhận và nắm bắt được cơ hội lớn để có thể cùng có lợi. Hai “ông lớn” này đều có năng lực về nhà máy sản xuất cũng như nghiên cứu phát triển sản phẩm; quản trị và điều hành doanh nghiệp. Cộng thêm nguồn lực tài chính mạnh mẽ, cả Vinamilk và KIDO có thể đưa những mảng chung vào liên doanh, từ đó tránh được việc xung đột về mặt lợi ích.
Trong khi đó, ông Mai Xuân Trầm - Phó Tổng Giám đốc KIDO kiêm Tổng Giám đốc Vibev thời điểm đó cũng chia sẻ, trước khi có cái bắt tay này, cả hai bên đã nghiên cứu vô cùng kỹ lưỡng trong một thời gian dài. Ông Trầm cũng đánh giá, ngành hàng này đang có rất nhiều tiềm năng và quy mô lớn không chỉ trong nước mà còn trên toàn thế giới. Đặc biệt, liên doanh Vibev sẽ được hưởng nhiều lợi thế từ 2 công ty mẹ, đặc biệt là mạng lưới xuất khẩu trải dài 30 quốc gia trên thế giới của Vinamilk, hỗ trợ đưa sản phẩm của liên doanh Vibev vươn tầm thế giới trong tương lai.
Mặc dù dịch bệnh Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp vào thời điểm đó đã trì hoãn Vibev ra mắt sản phẩm, nhưng liên doanh này đã có những mục tiêu đầy tham vọng. Cụ thể, tham vọng của liên doanh này là du trì thị phần thống lĩnh thị trường nước đóng chai, đồng thời sản xuất 150 triệu chai mỗi năm (tương đương với doanh thu 2 nghìn tỷ đồng) trong vòng 5 năm.
Về mặt lý thuyết, một liên doanh ra đời thường sẽ với mục đích tận dùng tối đa mọi nguồn lực kết hợp của cả hai công ty, từ đó đạt được mục tiêu của liên doanh. Trong đó, một công ty có thể sẽ sở hữu quy trình sản xuất được thiết lập tốt và ổn định; còn công ty kia có thể có những kênh phân phối vượt trội.
Đối với trường hợp này, liên doanh giữa 2 “ông lớn” Vinamilk và KIDO phải nói là vô cùng lý tưởng. Cả 2 công ty ở trong liên doanh đều có thể tận dụng những mảng sản xuất sở trường của mình. Ngoài ra, dù hai công ty có nền tảng và bộ kỹ năng hay chuyên môn khác nhau, nhưng khi họ kết hợp thông qua một liên doanh, mỗi công ty đều có thể được hưởng lợi từ tiềm năng của đối phương. Điển hình như, KIDO có quy trình sản xuất được thiết lập tốt còn Vinamilk lại có các kênh phân phối vượt trội. Tuy nhiên, bây giờ mọi thứ đã chấm hết khi liên doanh Vibev tan rã, hai công ty mẹ cũng đã đường ai nấy đi.
Những liên doanh thường không tồn tại lâu dài?
Theo Diễn đàn doanh nghiệp, trong quá khứ cũng có không ít những liên doanh sụp đổ. Ví dụ như cuộc chia tay lặng lẽ của hai “gã khổng lồ” Nestle và Coca-Cola vào năm 2018. Sau 16 năm hợp tác, đôi bên đã đồng ý chấm dứt liên doanh trà đá Nestea để có thể theo đuổi những chiến lược của riêng mình.
Năm 2001, các công ty đã bắt tay thành lập Beverage Partners Worldwide để bán trà Nestea trên toàn thế giới. Tuy nhiên, thương hiệu này phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt đến từ trà đá Lipton vốn được bán bởi liên doanh Unilever và PepsiCo. Sau đó, Nestle đã tiến hành một cuộc cải tổ thương hiệu, thay đổi cả về công thức và bao bì. Theo Nestle, thị trường trà đá pha sẵn sẽ phát triển, và cũng đến lúc họ cần phát triển Nestea một cách độc lập kèm theo thông báo kết thúc liên doanh vốn đã được thu hẹp lại vào trước đó.
Các chuyên gia cho rằng, có nhiều yếu tố khiến cho liên doanh giữa Nestle và Coca-Cola tan rã. Tuy nhiên, yếu tố quan trọng nhất là do định vị vị trí liên doanh trong những công ty mẹ tương ứng. Dù cũng là liên doanh, thế nhưng thương hiệu Lipton lại là một trong 5 thương hiệu hàng đầu ở trong cả hai công ty mẹ, đó ;à Unilever và PepsiCo. Chính vì thế, Lipton luôn nhận được những nguồn lực và sự quan tâm tốt nhất. Trong khi đó, Nestea cũng không phải là một thương hiệu quá quan trọng với hai công ty mẹ nên có ít sự chú ý và nguồn lực hơn.
Đối với liên doanh Vibev, dù công ty có sự hậu thuẫn mạnh mẽ từ Vinamilk và KIDO đến từ kênh phân phối rộng rãi, dây chuyền sản xuất tốt mà còn tham gia thị trường nước tươi đầy mới mẻ, ít đối thủ. Xét về mặt lý thuyết, liên doanh Vibev dường như đã sẵn sàng cho những mục tiêu đầy tham vọng, chinh phục thị trường mới. Tuy nhiên, mọi thứ đã không được như ý muốn khi Vibev đã phải kết thúc trong lặng lẽ.
Mỗi liên doanh có thể có lợi cho những công ty tham gia, tận dụng kỹ năng và tài sản của công ty mẹ để tạo sản phẩm hay dịch vụ mới, tiếp cận một lĩnh vực mới, khách hàng mới. Tuy nhiên, khi doanh nghiệp đạt được mục tiêu hoặc liên doanh không thành công, những liên doanh này cũng buộc phải chấm dứt. Cụ thể, nếu như liên doanh đã đạt được mục tiêu, nó có thể được thanh lý hoặc bán. Ví dụ, n năm 2016, Tập đoàn Microsoft đã bán 50% cổ phần của mình ở trong Caradigm, một liên doanh được họ thành lập năm 2011 với General Electric Company bởi đôi bên đã hết mục tiêu hợp tác.
Về việc Vibev tan rã, có vẻ như cả Vinamilk và Kido đều có những lý do riêng. Rõ ràng thấy được, mức độ thành công của sản phẩm liên doanh là không cao trong khi định vị của nó với những công ty mẹ cũng không lớn. Chỉ tiếc đó là, liên doanh Vibev có vòng đời quá ngắn ngủi, tan rã khi vẫn còn quá nhiều thứ chưa kịp thực hiện. Trước đó, cả KIDO cùng với Vinamilk cũng đã có một chiến lược rút lui để có thể tiết kiệm thời gian, giảm thiểu tối đa chi phí, tránh những cuộc chiến pháp lý tốn kém, đồng thời tạo điều kiện tốt nhất để mỗi đối tác có thể hợp tác trong tương lai.