Kỳ lân VNG 4 quý liên tiếp chìm trong thua lỗ, 9 tháng đầu năm lỗ gần 800 tỷ đồng vì đầu tư vào các công ty liên doanh, liên kết
BÀI LIÊN QUAN
Hé lộ tình hình thua lỗ quý 3/2022: Thép, chứng khoán giảm mạnh sau đỉnh, nhiều doanh nghiệp lao đao vì đầu tư cổ phiếuMột cổ phiếu xây dựng bất ngờ tăng trần 9 phiên bất chấp đang thuộc diện cảnh báo và kinh doanh thua lỗ 4 quý gần nhấtDù đã cải thiện, Vietravel vẫn kinh doanh thua lỗ: Tương tai liệu có tươi sáng hơn?Mới đây, Công ty cổ phần VNG (VNG) đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất của quý 3 năm nay với nhiều nội dung đáng chú ý. Theo như báo cáo này, doanh thu thuần trong quý 3 của công ty là 2.100 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm trước đã ghi nhận mức giảm nhẹ 3,7%.
Bên cạnh đó, chi phí tài chính cũng đã giảm mạnh xuống chỉ còn 0,69 tỷ đồng trong khi quý 3 năm trước là 7,4 tỷ đồng. Đáng chú ý, khoản chi phí bán hàng cùng với chi phí quản lý doanh nghiệp của VNG lần lượt ghi nhận mức tăng 12,2% và 29,8% so với cùng kỳ năm trước, lần lượt lên 714,8 tỷ đồng và 380,1 tỷ đồng. Ngoài ra, sau khi chịu khoản lỗ lên đến 27,6 tỷ đồng từ công ty liên kết cùng với 26,1 tỷ đồng khoản lỗ khác, trừ đi cả chi phí về thuế, VNG báo lỗ sau thuế trong quý 3 năm nay là 254,5 tỷ đồng. Điều đáng nói, đây là quý thua lỗ thứ 4 liên tiếp của Công ty cổ phần VNG.
Sau khi lũy kế 9 tháng đầu năm, VNG ghi nhận khoản lỗ lên đến 764 tỷ đồng, áp sát mục tiêu lỗ 993 tỷ đồng trong cả năm nay. Được biết, “kỳ lân” VNG tiếp tục gánh khoản lỗ lớn đến từ các công ty liên kết và Zion, đơn vị vận hành ví điện tử Zalo Pay. Trước đó không lâu, VNG cũng đặt mục tiêu doanh thu năm 2022 là 10.178 tỷ đồng cùng với 993 tỷ đồng lỗ sau thuế. Như vậy sau 9 tháng đầu năm, “kỳ lân” VNG đã thực hiện được 56,6% kế hoạch doanh thu và lỗ sau thuế tiệm cận so với kế hoạch dự kiến.
Thua lỗ lớn vì đầu tư vào các công ty liên doanh và liên kết
Theo như báo cáo tài chính quý 3 của VNG có thể thấy, phần lỗ chủ yếu đến từ việc đầu tư vào các công ty liên doanh và liên kết. Theo đó, phần lỗ trong công ty liên kết trong 9 tháng đầu năm nay đã tăng lên hơn 82 tỷ đồng trong khi đó, tính đến ngày 30/9/2022 lỗ lũy kế đến từ việc đầu tư của công ty này đã tăng lên đến hơn 603 tỷ đồng.
Đáng chú ý, khoản đầu tư vào Tiki của công ty đã bị ăn mòn toàn bộ, nguyên nhân bởi khoản lỗ lũy kế VNG phải gánh từ Tiki đã tương đương với số tiền đầu tư là 510,1 tỷ đồng. Điều đáng nói, VNG thời điểm hiện tại chỉ còn sở hữu khoảng 14,64% cổ phần tại đây. Ngoài ra, 3 khoản lỗ lớn tiếp theo của VNG trong khoảng thời gian qua thuộc về Telio (thua lỗ 46 tỷ đồng), Funding Asia (thua lỗ 21 tỷ đồng) cùng với Ecotruck (thua lỗ 19 tỷ đồng). Tính tại ngày 30/9, VNG đang nắm giữ lần lượt 16,7% quyền sở hữu của Telio, 5,11% của Funding Asia cùng với 25% quyền sở hữu của Ecotruck.
Tuy nhiên, khoản lỗ lớn nhất trong 9 tháng đầu năm nay của VNG thuộc về lỗ của cổ đông không kiểm soát khi ghi nhận con số âm lên đến 345 tỷ đồng. Bên cạnh đó, không thể loại trừ khả năng phần lỗ này đến từ khoản đầu tư của VNG vào Công ty cổ phần CTCP Zion - đây chính là đơn vị sở hữu ví điện tử Zalo Pay. Cụ thể, tính đến cuối quý 3 năm nay, VNG đã ghi nhận hơn 2.561,5 tỷ đồng khoản đầu tư vào Zion, so với thời điểm cuối năm trước đã tăng thêm 680,4 tỷ đồng. Được biết thời điểm hiện tại VNG đang nắm giữ khoảng 65,48% cổ phần của Zion.
Tại thời điểm cuối quý 3 năm nay, quy mô tổng tài sản của VNG là 9.189,4 tỷ đồng. Trong số đó, lượng tiền cùng với tương đương tiền cùng các khoản đầu tư nắm giữ đáo hạn của công ty này chiếm 35,7% tổng tài sản và đạt 3.286,2 tỷ đồng. Theo như tiết lộ của DealStreetAsia, VNG trong 9 tháng qua đang lên kế hoạch thực hiện việc niêm yết ở trên sàn Nasdaq (Mỹ) vào cuối năm nay. Bên cạnh đó, có khoảng 12,5% cổ phần có thể sẽ được chào bán ra công chúng.
Mới hồi đầu tháng 6 vừa qua, VNG cũng chia sẻ về việc VNG Limited dự kiến sẽ nhận chuyển nhượng 16,9 triệu cổ phần, con số này tương đương 47,359% tổng số cổ phần của VNG đến từ 13 cổ đông nước ngoài. Thương vụ này cũng phải đảm bảo quy định về tỷ lệ sở hữu nước ngoài không được vượt quá 49%.
Đồng thời, ban lãnh đạo của VNG cũng đề xuất AGM 2022 thông qua việc miễn trừ chào mua công khai về giao dịch chuyển nhượng cổ phần của VNG Limited. Được biết, đây một pháp nhân mới được thành lập đầu tháng 4 năm nay tại Cayman Islands. Bên cạnh đó, động thái này được cho là tạo bước đệm vững chắc để VNG dần tiến gần hơn đến cột mốc chào bán cổ phiếu ra công chúng.
Vào tháng 8 năm ngoái, tờ Bloomberg cũng đưa tin VNG - được nhấn mạnh là một trong hai kỳ lân công nghệ của Việt Nam - cùng với VNLIFE vào thời điểm đó đã cân nhắc việc niêm yết cổ phiếu tại Mỹ thông qua việc sáp nhập với một SPAC. Thông qua thương vụ này, VNG có thể sẽ được định giá ở mức từ 2 đến 3 tỷ USD.