Đà Nẵng: 81 khách sạn cao cấp liệu có thừa?
Hàng loạt khách sạn 4 - 5 sao sắp ra mắt
Sau khi mở cửa mở cửa trở lại bầu trời quốc tế từ 27/3, du lịch Đà Nẵng đã có nhiều khởi sắc với sự nhộn nhịp của thị trường khách trong nước và quốc tế. Báo cáo mới nhất của Cục Thống kê thành phố Đà Nẵng chỉ ra, trong 7 tháng năm 2022, tổng lượt khách cơ sở lưu trú phục vụ đã tăng 83% so với cùng kỳ năm ngoái, ước tính đạt gần 1,9 triệu lượt. Trong đó, có đến 127 nghìn lượt khách quốc tế, tăng 44,3%. Doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống tại thành phố đạt khoảng 10.998 tỷ đồng, tăng 40% so với 7 tháng đầu năm 2021.
Từ cuối Quý I/2022, UBND thành phố Đà Nẵng cho biết nhiều điểm, khu du lịch đón lượng khách rất lớn, công suất buồng phòng trung bình trong dịp cuối tuần luôn đạt 70-75%.
Với những bứt phá và nhu cầu dịch vụ dồi dào của du lịch Đà Nẵng, theo Báo cáo thị trường của CBRE Việt Nam, 6 tháng vừa qua trên địa bàn thành phố đã có thêm 2 khách sạn 4 - 5 sao đi vào hoạt động là Khách sạn Radisson Đà Nẵng (182 phòng) và Khách sạn Mikazuki trong khu phức hợp Đà Nẵng Mikazuki Japanese Resort & Spa (294 phòng).
Tổng cộng, trên địa bàn Đà Nẵng hiện có 81 khách sạn 4 - 5 sao, cung cấp hơn 15.300 phòngcho thị trường. CBRE dự báo đến hết năm 2022, Đà Nẵng sẽ có thêm 10 khách sạn 4 - 5 sao, cung cấp thêm gần 2.500 phòng. Dù nguồn cung mới giúp thị trường thêm phần sôi động, nhưng tình hình hoạt động sẽ chưa thể trở về như mức trước dịch bởi diễn biến khó lường của dịch Covid-19 trên thế giới.
Cụ thể, trong nửa đầu năm 2022, giá phòng khách sạn 4 - 5 sao tại thành phố này ghi nhận mức 70 USD/phòng/đêm (hơn 1,6 triệu đồng) và công suất phòng duy trì bình quân 26,3%. Giá thuê phòng được đánh giá đã hồi phục tương đối tích cực và đạt gần 70% so với số liệu tại năm 2019, trong khi công suất phòng mới chỉ bằng 42%. Tình trạng này mở ra nhiều nghi ngại, liệu Đà Nẵng có rơi vào khủng hoảng thừa phân khúc khách sạn 4 - 5 sao hay không?
Theo bà Dương Thuỳ Dung, Giám đốc điều hành CBRE Việt Nam, Đà Nẵng là một thị trường nghỉ dưỡng hấp dẫn bậc nhất Việt Nam. Sự hiện diện của nhiều đơn vị quản lý chuyên nghiệp trong giai đoạn 2022 - 2024 như JW Marriott, Mandarin Oriental, Le Méridien… sẽ góp phần nâng cao vị thế thị trường khách sạn cao cấp tại Đà Nẵng. Dự kiến giá thuê phòng khách sạn 4 - 5 sao nửa cuối năm 2022 sẽ tăng 30%, chạm mức 79 USD/phòng/đêm, công suất phòng sẽ đạt 53,2%.
Ngoài ra, CBRE dự báo, đến năm 2024, Đà Nẵng sẽ có 99 dự án trong phân khúc, với tổng nguồn cung lên hơn 21.000 phòng, giá thuê dự báo đạt 119 USD/phòng/đêm (hơn 2,7 triệu đồng), đáng chú ý, công suất phòng dự kiến hồi phục về mức 63% như trước dịch COVID-19.
Đà Nẵng còn nhiều dư địa để phát triển phân khúc khách sạn cao cấp
Giám đốc điều hành CBRE Việt Nam xác nhận, sự gia tăng nguồn cung khách sạn 4 - 5 sao tại Đà Nẵng trong thời gian ngắn, gây ra nhiều quan ngại cho những người tham gia vào thị trường. Tuy nhiên, nếu nhìn vào tiềm năng phát triển của du lịch của Đà Nẵng thì thực tế, nguồn cung phân khúc này tại Đà Nẵng vẫn chưa phải là nhiều.
“Thành phố Phuket (Thái Lan) rất tương đồng với thành phố Đà Nẵng về vị trí, sự kết nối đường bay… nhưng chiều dài bờ biển của Phukhet chỉ bằng 2/3 Đà Nẵng. Theo thống kê, từ trước dịch COVID-19, Phukhet đã có hơn 200 khách sạn 4 - 5 sao với sự tham gia của nhiều thương hiệu lớn, chẳng hạn như thương hiệu Arcor (một tập đoàn kinh doanh khách sạn của Pháp) có khoảng 4 - 5 khách sạn cao cấp tại đây… Trong khi, tính tới thời điểm hiện tại, Đà Nẵng chỉ mới có 81 khách 4 - 5 sao, tức bằng 1/3 Phuket cách đây 2 năm…
Tiềm năng của thị trường Đà Nẵng rõ ràng còn rất nhiều dư địa để phát triển phân khúc khách sạn cao cấp. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra ở đây là các yếu tố thúc đẩy nguồn cầu, nhất là kết nối đường bay”, Giám đốc điều hành CBRE Việt Nam phân tích.
Hiện Phuket đã có hơn 30 đường bay quốc tế, trực tiếp kết nối Phuket với các thành phố khác trên thế giới. Thế nhưng Đà Nẵng mới có dưới 10 đường bay quốc tế trực tiếp đang hoạt động và đang tiến hành mở rộng thêm. Việc có thêm nhiều đường bay quốc tế trực tiếp sẽ giúp thúc đẩy thị trường khách sạn 4 - 5 sao trong thời gian tới.
Để hoàn thành mục tiêu đưa du lịch Đà Nẵng trở lại thời kỳ khi xảy ra dịch bệnh năm 2019, thành phố Đà Nẵng liên tục làm mới các sản phẩm du lịch, đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp đưa các sản phẩm du lịch mới vào hoạt động như: dù lượn, vui chơi, giải trí dưới nước… Bên cạnh đó, dự kiến sắp tới, thành phố sẽ đăng cai tổ chức Giải Golf phát triển châu Á (khoảng đầu tháng 9/2022); tiếp tục triển khai các chính sách MICE năm 2022 (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, tổ chức sự kiện, triển lãm, du lịch khen thưởng của các công ty); dự kiến tổ chức Hội chợ du lịch quốc tế VITM Đà Nẵng 2022 (tháng 12/2022)...
CBRE khẳng định niềm tin vào tiềm năng phát triển của du lịch Đà Nẵng, cùng các yếu tố thúc đẩy thị trường một cách mạnh mẽ, phân khúc khách sạn cao cấp 4 - 5 sao trên địa bàn vẫn còn nhiều cơ hội để các chủ đầu tư, các nhà điều hành khách sạn và các thương hiệu lớn tiếp tục mở rộng mà không cần lo lắng về sự cạnh tranh trên thị trường.